Một năm kém sôi động

Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam trải qua một năm giao dịch trầm lắng với chỉ số VN-Index xoay quanh vùng 950-1.000 điểm, thấp hơn nhiều so với đỉnh cao trên 1.200 điểm ghi nhận vào đầu tháng 4/2018. Giá trị giao dịch trung bình chỉ bằng khoảng 60-70% so với 2018. Hoạt động cổ phần hóa và thoái vốn cũng khá chậm, đạt chưa tới 5 ngàn tỷ đồng.

Nhiều biến động lớn trên phạm vi toàn cầu như căng thẳng Mỹ-Trung, xung đột thương mại và bất ổn địa chính trị ở nhiều khu vực, sự giảm tốc của nhiều nền kinh tế lớn... đã ảnh hưởng mạnh tới thị trường tài chính thế giới nói chung và chứng khoán Việt Nam nói riêng.

Diễn biến bất lợi khiến TTCK toàn cầu năm 2019 trải qua những biến động khá mạnh với xu hướng giảm điểm lan tỏa tại hầu hết các TTCK vào cuối năm 2019.

{keywords}
Biến động chỉ số VN-Index trong năm 2019.

Tuy nhiên, TTCK Việt Nam 2019 nhìn chung vẫn duy trì sự tăng trưởng trên nhiều khía cạnh và vẫn là điểm đến hấp dẫn đối với dòng vốn đầu tư nước ngoài nhờ sự ổn định của kinh tế vĩ mô với GDP ước đạt khoảng trên 7%, top đầu trên thế giới và chỉ số giá tiêu dùng ở mức khoảng dưới 3%.

Trong năm 2019, chỉ số VN-Index tăng khoảng 8% và đang ở quanh ngưỡng 960 điểm. HNX-Index giảm nhẹ khoảng 1-3% so với cuối 2018. Vốn hóa thị trường (trên cả 3 sàn) đạt gần 4,4 triệu tỷ đồng (gần 190 tỷ USD), tăng 10,7% so với cuối 2018 và tương đương khoảng 79,2% GDP.

Quy mô giao dịch trung bình đạt 4.639 tỷ đồng/phiên, giảm khoảng 29% so với bình quân năm 2018. Thị trường hiện có 749 cổ phiếu và chứng chỉ quỹ niêm yết trên sàn Sở GDCK và 862 cổ phiếu đăng ký giao dịch trên UpCom.

Một điểm nổi bật trong năm 2019 chính là ở chỗ, TTCK có những bước phát triển khá mạnh về cơ sở pháp lý, cũng như sản phẩm mới. Các cơ quan quản lý đã xây dựng được một hệ thống pháp lý vững chắc hơn và đây là nền tảng cho sự phát triển của TTCK trong giai đoạn tới.

{keywords}
Thêm sản phẩm mới, chỉ số mới trong năm 2019.

Ngày 26/11, Quốc hội chính thức thông qua Luật Chứng khoán 2019 (sửa đổi), sẽ có hiệu lực thi hành từ 1/1/2021, với khá nhiều nhiều điểm mới đáng chú ý như: sẽ thành lập một sở GDCK khi đủ điều kiện; bổ sung thêm nhiều hành vi bị nghiêm cấm; phải đưa cổ phiếu, trái phiếu lên sàn khi kết thúc đợt chào bán; chào bán chứng khoán được thống nhất với Luật Doanh nghiệp; quy định chặt chẽ điều kiện bán cổ phiếu của công ty; sẽ thành lập Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam...

Trong năm, các cơ quan chức năng cho ra đời sản phẩm mới Chứng quyền có đảm bảo (Cover Warrant - CW), đánh dấu sự ra đời của sản phẩm phái sinh thứ hai, sau hợp đồng tương lai. CW là sản phẩm do CTCK phát hành dựa trên 26 chứng khoán cơ sở trong nhóm VN30 được UBCK, Sở GDCK cho phép.

Sản phẩm hợp đồng tương lai trên trái phiếu chính phủ cũng được các NĐT tổ chức là các  ngân hàng và CTCK đón nhận.

Bên cạnh đó, HOSE cho ra mắt bộ chỉ số mới Vietnam Diamond Index (VN Diamond), Vietnam Financial Select Sector Index (VNFin Select). Bộ chỉ số VN Diamond sẽ có 14 cổ phiếu góp mặt được HOSE chọn lọc theo mục tiêu hướng đến các cổ phiếu hết room nước ngoài, trong khi VNFin Select gồm 17 mã, chủ yếu là các cổ phiếu ngân hàng và chứng khoán cùng với 2 công ty bảo hiểm.

{keywords}
Cuộc chiến thương mại Mỹ và Trung Quốc có tác động mạnh đến thị trường tài chính thế giới.

Vốn ngoại dồn dập, kỳ vọng 2020 tươi sáng

Ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch UBCKNN, TTCK trong năm 2020 dự báo sẽ tương đối tốt. Sự trầm lắng trong năm 2019 là một bước tạo đà cho năm tới. Với những bước tiến mạnh về cơ sở pháp lý và sản phẩm mới, đây sẽ là nền tảng chính cho TTCK 2020.

Theo UBCK, tính đến hết tháng 11, quy mô vốn hóa toàn thị trường đạt gần 5,6 triệu tỷ đồng (240 tỷ USD), tăng 10,18% so với cùng kỳ năm trước, tương đương với 101,04% GDP. Trong đó, vốn hóa trên sàn HOSE đạt hơn 3,3 triệu tỷ đồng (140 tỷ USD); HNX và UpCom đạt 1,1 triệu tỷ đồng (gần 48 tỷ USD).

Trong năm 2019, TTCK ghi nhận tổng mức huy động vốn ước đạt 303 ngàn tỷ đồng (khoảng 13 tỷ USD), tăng 37,3% so với cùng kỳ năm trước.

Mức vốn hóa TTCK được kỳ vọng sẽ gia tăng mạnh trong năm tới nhờ xu hướng tăng trưởng của các doanh nghiệp, xu hướng mua ròng của NĐT nước ngoài và tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn DNNN sẽ được thúc đẩy mạnh hơn.

{keywords}
Vốn ngoại vẫn dồn dập đổ vào doanh nghiệp Việt.

Khối ngoại, đặc biệt các NĐT đến từ Hàn Quốc trong năm 2019 tiếp tục có sự quan tâm đặc biệt tới TTCK quy mô 190 tỷ USD của Việt Nam với thương vụ mua bán khủng tại Ngân hàng Vietcombank và BIDV. Đầu năm, Vietcombank đã phát hành riêng lẻ hơn 111 triệu cổ phiếu VCB (trị giá khoảng 310 triệu USD) cho GIC Private Limited của Singapore và Mizuho Bank Ltd của Nhật.

Trong tháng 11, BIDV đã hoàn tất bán hơn 600 triệu cổ phần (15% vốn) cho KEB Hana Bank của Hàn Quốc thu về 20,3 ngàn tỷ đồng (khoảng 870 triệu USD). MBBank cũng đang có kế hoạch huy động khoảng 240 triệu USD từ việc bán 7,5% cổ phần cho các NĐT nước ngoài.

Ông lớn Vingroup của tỷ phú USD Phạm Nhật Vượng bán hơn 200 triệu cổ phiếu cho SK Group của Hàn Quốc để thu về 1 tỷ USD.

Cũng theo ông Phạm Hồng Sơn, dòng vốn đổ vào TTCK nói chung và vào các CTCK là tín hiệu tốt, tạo ra cầu chung cho thị trường. Trong năm 2020, vướng mắc về vấn để mở room cho NĐT nước ngoài (một trong các yếu tố khiến chứng khoán Việt Nam chưa được nâng hạng) sẽ được tiếp tục xử lý, trước hết theo hướng lưu ký không có quyền biểu quyết và nhiều khả năng Bộ KH-ĐT sẽ xem xét điều kiện room theo hướng “chọn bỏ” thay vì “chọn cho”.

M. Hà