Kẻ gian đã lừa đảo chiếm số thuê bao điện thoại di động sau đó lợi dụng ví này để chiếm đoạt tiền.

Những cuộc gọi khiến người nghe mất cảnh giác 

Chị L.Q.P. (TPHCM) kể, mới đây, chị nhận cuộc gọi từ số điện thoại 02899991115 tự xưng là nhân viên Mobifone, mời chào nâng cấp sim và gói cước 4G. Người gọi đọc vanh vách thông tin ngày tháng năm sinh, số căn cước công dân của chị P., cộng với việc nhân viên Mobifone từng gọi điện mời nâng cấp gói cước nên chị P. không nghi ngờ và thực hiện một số thao tác theo yêu cầu của người gọi. 

Sau khi đọc mã OTP theo yêu cầu của người gọi, chị P. nhận được thông báo thuê bao điện thoại đang chuyển sang esim (sim điện tử) và sim điện thoại mà chị P. đang dùng bị vô hiệu hóa. Chị P. đã gọi lên tổng đài ngân hàng để báo khóa thẻ tín dụng và ra cửa hàng Mobifone để lấy lại sim. Trong lúc chị P. yêu cầu khóa sim, kẻ gian đã đăng nhập vào ví điện tử Momo, rút tiền từ tài khoản về ví nhưng giao dịch không thành công do chị P. đã hủy liên kết ví với ngân hàng. Dù vậy, kẻ lừa đảo đã kịp đăng ký dịch vụ ví trả sau, được ứng 5 triệu đồng và dùng tiền này thanh toán hai hóa đơn tiền điện ở một địa phương phía Bắc với số tiền hơn 4,7 triệu đồng. 

Đại diện dịch vụ ví Momo cho biết không bao giờ yêu cầu khách hàng cung cấp mã OTP, mật khẩu hay tài khoản ngân hàng bên ngoài ứng dụng
Đại diện dịch vụ ví Momo cho biết không bao giờ yêu cầu khách hàng cung cấp mã OTP, mật khẩu hay tài khoản ngân hàng bên ngoài ứng dụng

Chức năng của ví trả sau chỉ dùng để mua hàng, thanh toán hóa đơn điện, nước, học phí, khám chữa bệnh… Nhận thấy nhu cầu cần tiền mặt của khách hàng, một số người đã quảng cáo cung cấp dịch vụ rút tiền từ ví trả sau. Theo đó, người dùng ví đến các điểm dịch vụ, thực hiện một giao dịch mua bán không có thực; các điểm dịch vụ sẽ đưa tiền mặt cho người dùng ví và thu phí dịch vụ.

Một thanh niên tên Khánh Phụng cho biết mình đang nhận làm dịch vụ rút tiền ví trả sau từ ví điện tử Momo, ViettelPay, SmartPay với mức phí 1,8%. Phụng sẽ dùng số tiền trong ví trả sau của khách A đem thanh toán hàng khống, thanh toán hóa đơn điện, nước cho khách B (các hóa đơn này được Phụng nhận thanh toán hộ và có thu phí); sau đó, Phụng sẽ chuyển tiền mặt vào tài khoản của khách A và thu phí 1,8%. Phụng chỉ trao đổi, giao dịch qua Facebook và Zalo, không gặp trực tiếp. Để tạo niềm tin, Phụng đưa khách vào một nhóm chat (theo Phụng, thành viên là những người đã rút tiền thành công) để kiểm tra trước rồi đưa ra quyết định.

Chị T.B. (TPHCM) cho biết, do cần tiền mặt để chi tiêu, chị lên mạng Facebook tìm kiếm và kết nối với chủ tài khoản tên Nhat Huy để rút tiền từ ví trả sau Momo. Tuy nhiên, sau khi chị B. dùng 3 triệu đồng để thanh toán khống hàng hóa thì Nhat Huy không chuyển tiền mặt vào tài khoản chị B. như đã hứa. Đối tượng này tiếp tục dụ dỗ chị B. đăng ký vay tiền từ dịch vụ FastMoney trên ví Momo (hạn mức từ 2 - 10 triệu đồng) rồi hứa sẽ trả lại chị B. 3 triệu đồng. Sợ bị lừa tiếp, chị B. không dám đăng ký. 

Một số nạn nhân khác chia sẻ, sau khi bị lừa giống kịch bản với chị B., nếu khách đồng ý vay tiền từ FastMoney, Nhat Huy sẽ yêu cầu ủy quyền sim để khoản vay được xét duyệt nhanh chóng, hạn mức cao nhưng sau khi có sim, y sẽ rút hết tiền trong ví điện tử và trong tài khoản ngân hàng. Có nạn nhân thì bị Nhat Huy yêu cầu cung cấp mật khẩu ví điện tử để kiểm tra tình trạng giải ngân khoản vay nhưng sau đó chiếm đoạt tiền.

Cẩn trọng bảo vệ an toàn số thuê bao 

Đại diện ví điện tử Momo cho biết, ví trả sau là sản phẩm cho vay tiêu dùng không cần tài sản đảm bảo, do Ngân hàng Thương mại cổ phần Tiên Phong (TPBank) cung cấp với hình thức cấp hạn mức tín dụng cho người dùng Momo theo hợp đồng tín dụng. Sản phẩm này chỉ kích hoạt và sử dụng được khi có mã OTP. Khi khách hàng bị kẻ gian chiếm số điện thoại thì kẻ gian sẽ dễ dàng có được mã OTP để đăng ký ví trả sau và chiếm đoạt tiền trong đó. 

Hiện nay, các điểm dịch vụ cam kết, khi điền thông tin vào mẫu do họ cung cấp, khách hàng sẽ đăng ký được ví trả sau, đồng thời hạn mức cũng được nâng lên 10 triệu đồng chứ không chỉ 1 - 5 triệu đồng. Tuy nhiên, theo đại diện ví điện tử Momo, hạn mức của ví trả sau được Momo cung cấp cho người dùng theo lịch sử tín dụng, được ghi nhận trên hệ thống ứng dụng. Việc nâng hạn mức phụ thuộc vào lịch sử giao dịch và sử dụng ví trả sau của người dùng. Nếu lịch sử tiêu dùng tốt, thanh toán đúng hạn, người dùng sẽ được nâng hạn mức lên chứ không có một dịch vụ nào có thể giúp nâng hạn mức. 

Dịch vụ nâng hạn mức ví trả sau trên mạng xã hội nhằm dụ dỗ người dùng điền các thông tin quan trọng như số điện thoại đăng ký Momo, mật khẩu ví, mã xác thực (OTP) vào các đường link do họ cung cấp. Khi có các thông tin này, họ sẽ dễ dàng đăng nhập vào ví của người dùng và chiếm đoạt tiền. Đại diện Momo nói: “Hình thức lừa đảo này không quá mới nhưng vẫn có người bị sập bẫy lừa. Chúng tôi vẫn thường xuyên cảnh báo đến người dùng rằng, tuyệt đối không cung cấp mật khẩu, OTP cho bất kỳ ai, kể cả người thân. Momo không bao giờ yêu cầu khách hàng cung cấp mã OTP, mật khẩu hay tài khoản ngân hàng bên ngoài ứng dụng”.

Ông Võ Đỗ Thắng - Giám đốc Trung tâm Đào tạo quản trị mạng và an ninh mạng quốc tế Athena - cho biết, thuê bao điện thoại di động hiện nay thường được liên kết với tài khoản ngân hàng và ví điện tử. Khi bị kẻ gian chiếm đoạt sim, khách hàng đa phần chỉ gọi lên tổng đài, yêu cầu khóa sim, khóa thẻ ngân hàng mà quên khóa ví điện tử. Trong khi đó, ví điện tử lại liên kết với tài khoản ngân hàng, thẻ tín dụng. Hầu hết các giao dịch thanh toán hóa đơn dịch vụ, hàng hóa từ thẻ tín dụng vẫn còn lưu trong lịch sử giao dịch. Khi chiếm được quyền điều khiển sim điện thoại di động, kẻ gian sẽ chiếm được tất cả tiền từ tài khoản ngân hàng, thẻ tín dụng, khoản vay từ ví trả sau thông qua ví điện tử. Do đó, bảo vệ an toàn cho thuê bao điện thoại di động là rất quan trọng. 

Việc cung cấp hạn mức tín dụng không lãi suất trên nền tảng ví điện tử là một giải pháp cung cấp tài chính thông minh, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nhanh chóng của người dân, nhất là người có thu nhập thấp. Khách hàng chỉ nên sử dụng ví trả sau đúng mục đích, tức là thanh toán hóa đơn dịch vụ, hàng hóa. “Khi cần tiền mặt, mọi người không nên tìm đến các dịch vụ rút tiền từ ví trả sau vì đó là dịch vụ “chui”, mang nhiều yếu tố lừa đảo. Thông qua dịch vụ này, kẻ gian có thể đánh cắp thông tin cá nhân, dụ dỗ nhấp vào các đường link, website giả mạo có cài mã độc” - ông Võ Đỗ Thắng nói. 

(Theo Phụ Nữ TP.HCM)

Ví điện tử - ‘trợ thủ’ đắc lực cho các cửa hàng kinh doanh trực tuyến

Ví điện tử - ‘trợ thủ’ đắc lực cho các cửa hàng kinh doanh trực tuyến

Ví điện tử đã trở thành phương thức thanh toán yêu thích của hàng loạt cửa hàng sau thời gian dài giãn cách xã hội với nhiều ưu điểm vượt trội.