Ngày 28/1 trở thành phiên giao dịch ảm đạm nhất trong lịch sử chứng khoán Việt Nam. VN-Index rớt 73 điểm (-6,7%), mức giảm mạnh nhất trong hơn 2 thập kỷ hoạt động của thị trường từ năm 2000. Hàng loạt cổ phiếu giảm sàn, bao gồm 28/30 mã thuộc danh mục VN30.

Sàn HoSE hôm nay đón gần 1,1 tỷ cổ phiếu của ngân hàng OCB niêm yết. Trong những tháng gần đây, nhiều cổ phiếu đều tăng trần trong ngày chào sàn. Thế nhưng hôm nay, cổ phiếu tân binh này với nhiều kỳ vọng cũng không thoát khỏi đà bán tháo chung và giảm kịch biên độ 20%.

Sau khi rớt về vùng 1.024 điểm, chứng khoán trong nước đang ở vùng giá thấp nhất trong gần 2 tháng qua. Toàn bộ thành quả của thị trường sau chuỗi ngày tăng điểm liên tục từ đầu tháng 12 bị xóa sạch.

Áp lực bán giải chấp của công ty chứng khoán

{keywords}
VN-Index và VN30 giảm gần kịch biên độ. Ảnh: VNDS.

Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận Kinh tế vĩ mô và Chiến lược thị trường thuộc Khối Phân tích của Công ty Chứng khoán VNDIRECT, cho rằng phiên giảm điểm kỷ lục hôm nay là do cộng hưởng từ đợt điều chỉnh trước đó và thông tin xuất hiện những ca lây nhiễm Covid-19 mới trong cộng đồng.

“VN-Index giảm gần như kịch biên độ trong phiên hôm nay cho thấy trạng thái hoảng loạn của thị trường. Các cổ phiếu không phân biệt tốt xấu cũng giảm sàn. Trong những phiên giao dịch trước đó, thị trường cũng chịu áp lực bán mạnh sau khi không vượt được vùng đỉnh cũ 1.200 điểm và trạng thái margin (vay ký quỹ) ở nhiều công ty chứng khoán căng cứng”, ông Hinh nói.

Ông Trương Hiền Phương, Giám đốc cấp cao của Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam, cũng cho rằng áp lực bán mạnh nhất hôm nay đến từ việc các công ty chứng khoán bán giải chấp cổ phiếu của những khách hàng sử dụng margin khi tỷ lệ vay không còn ở ngưỡng an toàn vì giá cổ phiếu giảm.

“Khi đã sử dụng margin, nhà đầu tư không có tiền mặt. Sau 2 phiên giảm sâu trước đó, họ có thể ráng cầm cự nhưng đến hôm nay giá tiếp tục giảm mạnh, họ bị call margin. Giải pháp là chấp nhận bị công ty chứng khoán bán giải chấp chứ họ không còn tiền để nộp thêm vào. Khi đã bán giải chấp, lệnh bán sẽ quyết liệt bằng mọi giá”, ông Phương nhận định với Zing.

Trong bối cảnh đó, một số nhà đầu tư lo lắng nên bán theo, cảm thấy thị trường ẩn chứa rủi ro nên bán theo. Ông Phương nêu quan điểm nhiều môi giới có xu hướng thận trọng cũng sẽ khuyến nghị khách hàng bán cổ phiếu hôm nay để bảo vệ tài sản.

Tuy nhiên, giám đốc cấp cao của KIS nhấn mạnh việc xuất hiện các ca Covid-19 chưa phải là nguyên nhân chính cho việc thị trường giảm kỷ lục hôm nay.

Theo ông, Chính phủ đã có nhiều kinh nghiệm kiểm soát dịch, xử lý các ca bệnh lây nhiễm trong cộng đồng, truy dấu những người tiếp xúc với người mắc Covid-19 rất tốt qua nhiều đợt. Do đó, nhà đầu tư có thể lo ngại trước thông tin về dịch bệnh nhưng việc lấy đó làm lý do để bán tháo cổ phiếu bằng mọi giá khó xảy ra.

Nhà đầu tư không nên bán bằng mọi giá

Ông Phương chia sẻ quan điểm nhà đầu tư tuyệt đối không hoảng loạn, lo lắng thái quá, cần bình tĩnh. Việc bán giải chấp của các công ty chứng khoán đã xảy ra và sẽ sớm dừng lại. Khi mặt bằng giá về vùng thấp và hấp dẫn hơn trước nhiều, các nhà đầu tư lớn, nhà đầu tư cá nhân đã bán ra ở vùng giá trước, đang có sẵn tiền mặt sẽ mua vào.

“Nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu tới lúc này rồi không cần thiết phải bán nữa. Nếu bán bây giờ chỉ còn lỗ là chính. Nếu bán để rồi khi thị trường bình ổn trở lại nhảy vào mua, nhà đầu tư sẽ gánh vùng giá rủi ro hơn. Do đó, nên bình tĩnh nắm giữ cổ phiếu chờ đợt sóng bán tháo qua đi”, ông Phương khuyến nghị.

{keywords}
Giám đốc cấp cao Trương Hiền Phương của KIS Việt Nam. Ảnh: NVCC.

Ông cho rằng thị trường chứng khoán đã trải qua 3 ngày liên tục giảm mạnh. “Cái gì bị nén càng lâu, giảm càng nhanh sẽ bật lên lại càng mạnh như lò xo”, ông Phương nói.

Giám đốc cấp cao của KIS Việt Nam cũng khuyến nghị nhà đầu tư có sẵn tiền mặt có thể xem xét giải ngân dần. Khi đà bán vơi đi, lực mua bắt đầu đổ vào trở lại, giá sẽ tăng nhanh, đặc biệt với những cổ phiếu tốt, có câu chuyện riêng. Lúc này, nhà đầu tư sẽ khó mua được hàng.

Đặc biệt, ông Phương nhấn mạnh “không ai biết đâu là đáy của thị trường”. Từ kinh nghiệm hơn 16 năm trong lĩnh vực chứng khoán, ông cho biết những người mua sớm cũng sẽ bán sớm. Nhà đầu tư bắt được đáy sẽ tranh thủ bán khi thị trường vừa tăng lại, không ai bán được ở vùng giá cao nhất. Do đó, việc nhà đầu tư đợi để mua được đúng đáy không có nhiều ý nghĩa.

Ông Đinh Quang Hinh cũng đánh giá lực cầu bắt đáy có thể gia tăng khi thị trường giảm về vùng hỗ trợ 980-1000 điểm. Chuyên gia của VNDirect khuyến nghị nhà đầu tư nên bình tĩnh, không nên bán bằng mọi giá ở thời điểm hiện tại và chờ các phiên thị trường phục hồi kỹ thuật để hạ tỷ trọng cổ phiếu về ngưỡng an toàn.

Sẽ sớm có nhịp hồi phục

Theo ông Hinh, thị trường ở thời điểm hiện tại vững vàng hơn so với giai đoạn đầu năm 2020. Việt Nam đã chứng minh được năng lực xử lý khủng hoảng và ngăn chặn đà lây nhiễm dịch Covid-19 trong các làn sóng trước và ông Hinh tin tưởng các động thái xử lý quyết liệt của chính quyền các cấp sẽ kiểm soát được tình hình lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng.

Thêm vào đó, nền tảng vĩ mô của Việt Nam cũng liên tục được củng cố trong thời gian qua như tăng trưởng GDP dương, lạm phát được kiểm soát tốt, lãi suất giảm, thặng dư thương mại và dự trữ ngoại hối tăng cao.

{keywords}
Ông Đinh Quang Hinh. Ảnh: VNDS.

Bên cạnh đó, triển vọng kinh tế thế giới được đánh giá là tích cực hơn và sẽ phục hồi trong năm 2021 từ mức đáy của năm 2020. Đây là cơ sở để tin tưởng kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục đứng vững và duy trì tăng trưởng tích cực trong năm 2021.

Với những cơ sở trên, ông Hinh cho rằng chứng khoán Việt Nam sẽ tìm được điểm cân bằng sớm hơn so với giai đoạn đầu năm 2020 và sớm xuất hiện nhịp phục hồi kỹ thuật khi chỉ báo kỹ thật đã cho tín hiệu thị trường đã trong trạng thái quá bán.

Ông Trương Hiền Phương nhấn mạnh quy luật là tăng rồi sẽ giảm, giảm rồi sẽ tăng. Những năm khủng hoảng 2008, thị trường giảm thẳng đứng nhưng bối cảnh hiện tại rất khác. Các yếu tố kinh tế vĩ mô, chính trị, khả năng kiểm soát dịch bệnh đều tốt.

Các tổ chức quốc tế đều nhận định GDP Việt Nam năm 2021 sẽ tăng trưởng tốt. Tốc độ tăng trưởng EPS (lợi nhuận cơ bản trên cổ phiếu) của các doanh nghiệp năm nay cũng được dự báo ở mức 20-25%. Ông Phương cũng bày tỏ niềm tin vào triển vọng của thị trường chứng khoán và dự báo phiên hồi phục sẽ xuất hiện đầu tuần tới.

(Theo Zing)