Theo báo cáo mới đây của Bộ Kế hoạch & Đầu tư, ngành hàng không chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất từ đại dịch Covid-19. Các hãng như Bamboo Airways và Vietjet đang dần hết nguồn lực về tài chính, trong khi hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines đứng bên bờ vực phá sản.

Năm 2020, nhu cầu vận tải hàng không giảm mạnh đến 34,5-65,9% so với năm trước. Doanh thu dịch vụ vận tải hàng không cũng sụt giảm trung bình trên 61% so với năm 2019.

Đợt dịch Covid-19 thứ 3 bùng phát trong giai đoạn cao điểm sát Tết đã khiến doanh thu của toàn ngành giảm khoảng 80% so với cùng kỳ năm 2020 (thời điểm sát Tết năm 2020 dịch chưa bùng phát). Khả năng thanh toán của các doanh nghiệp suy giảm và tiến tới sát giới hạn mất khả năng thanh toán.

Làn sóng Covid-19 thứ 4 hiện tại chưa được dập tắt và đang tiếp tục ảnh hưởng xấu tới nhu cầu di chuyển bằng máy bay của người dân. Doanh nghiệp gặp thêm khó khăn về dòng tiền khi khách hàng ồ ạt hủy vé. Như vậy, sau khi thua lỗ trong mùa cao điểm Tết Nguyên đán, các hãng hàng không tiếp tục đối diện với nguy cơ thua lỗ tiếp trong kỳ nghỉ hè.

{keywords}
Theo Bộ KHĐT, các hãng hàng không Việt Nam đang chịu áp lực lớn về tài chính. Ảnh: Diệp Anh.

Vietnam Airlines vay nhiều nhất tại Vietcombank

Bộ Kế hoạch & Đầu tư dự báo hoạt động vận tải hàng không sẽ tiếp tục gặp khó khăn trong năm nay. Nếu như đại dịch được kiềm chế, phải đến năm 2024 hoạt động của ngành này mới có thể phục hồi như trước.

Năm ngoái, Vietnam Airlines ghi nhận doanh thu giảm 69% còn 40.600 tỷ đồng và lỗ sau thuế hợp nhất gần 11.100 tỷ đồng. Lỗ sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ là 10.844 tỷ đồng.

Trong quý 1/2021, hãng lỗ tiếp gần 4.900 tỷ đồng và dự kiến khoản lỗ lên tới 10.000 tỷ đồng trong nửa đầu năm. Hiện tại, hãng bay này đang có số nợ phải trả quá hạn tới 6.240 tỷ đồng và đang rơi vào trạng thái cực kỳ khó khăn, bên bờ vực phá sản.

Trong báo cáo tài chính quý I, Vietnam Airlines ghi nhận mức nợ vay tài chính ngắn hạn 12.694 tỷ và nợ vay dài hạn 21.640 tỷ đồng. Tổng nợ vay tài chính là 34.334 tỷ đồng, chiếm gần 57% tổng nguồn vốn. Tuy nhiên báo cáo chưa kiểm toán này không nêu chi tiết các chủ nợ.

Ngoài vay tài chính, hãng hàng không quốc gia còn nợ ngắn hạn người lao động 711 tỷ đồng. Nợ thuế và các khoản phải nộp Nhà nước 293 tỷ, tăng 15 tỷ.

{keywords}
 

Xét trên báo cáo hợp nhất năm 2020 có kiểm toán, Vietnam Airlines có tổng vay nợ tài chính hơn 34.000 tỷ đồng. Trong đó Vietcombank là đơn vị cho vay nhiều nhất với khoảng 2.700 tỷ đồng ngắn hạn và 4.800 tỷ đồng dài hạn.

Cụ thể vay nợ ngắn hạn tăng mạnh trong năm qua và không có tài sản đảm bảo. Dư nợ tại Vietcombank là lớn nhất, tăng từ 769 tỷ đồng lên hơn 2.700 tỷ. Trong khi hãng hàng không đầu ngành cũng vay mới hàng trăm tỷ đồng từ MB, MSB và ngân hàng Bangkok Đại chúng.

Vay ngân hàng dài hạn không có nhiều biến động gần 9.000 tỷ đồng. Vietcombank vẫn là chủ nợ lớn nhất với dư nợ 4.841 tỷ đồng. Tiếp đến là BIDV với 1.534 tỷ đồng, Eximbank 832 tỷ đồng, MB hơn 501 tỷ đồng.

Ngoài vay ngân hàng, Vietnam Airlines còn có các khoản nợ thuê tài chính dài hạn ở các tập đoàn tài chính nước ngoài tổng cộng hơn 18.200 tỷ đồng. Trong đó chủ nợ lớn nhất là Tập đoàn ING hơn 8.121 tỷ đồng, Citibank hơn 5.793 tỷ đồng, Ngân hàng MUFG hơn 1.667 tỷ đồng, JP Morgan Chase hơn 1.287 tỷ đồng, HSBC hơn 1.163 tỷ đồng... Đây là các hợp đồng thuê tài chính không thể hủy ngang.

Trước đó Vietnam Airlines đã được Quốc hội và Chính phủ đồng ý gói cứu trợ trị giá 12.000 tỷ đồng, trong đó có 4.000 tỷ đồng từ vay với lãi suất ưu đãi và 8.000 tỷ đồng từ chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Tuy nhiên, các ngân hàng thương mại chưa nhìn thấy gói giải cứu của Chính phủ nên không cho Vietnam Airlines giải ngân tiếp hoặc không gia hạn hoặc cấp tiếp hạn mức tín dụng.

Theo Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Vietnam Airlines hiện đối mặt với rủi ro kiện tụng pháp lý với số nợ quá hạn quá cao và rủi ro trong việc không cân đối trả các khoản vay ngắn hạn đến hạn tại các ngân hàng.

Vay nợ của Vietjet, Bamboo và Vietravel

Báo cáo của Bộ Kế hoạch & Đầu tư cũng cho biết các hãng hàng không tư nhân như Bamboo Airways và Vietjet đã cố gắng tối ưu hóa mọi hoạt động khai thác và duy trì được sản xuất kinh doanh thông qua việc chuyển nhượng các tài sản và các dự án đầu tư tài chính đã được tích lũy trong giai đoạn trước.

Các hãng tư nhân này có nguồn thu nhập hàng nghìn tỷ đồng từ hoạt động tài chính trong năm qua, do đó vẫn có lãi sau thuế. Tuy nhiên, các hãng được dự báo tiếp tục gặp khó khăn trong năm nay và đang dần hết nguồn lực về tài chính để hỗ trợ cho dịch vụ vận tải hàng không.

Báo cáo kiểm toán năm 2020 của Vietjet cho thấy hãng này vay nợ ngắn đạt gần 10.100 tỷ đồng, tăng hơn 1.900 tỷ đồng trong năm qua. Ngược lại vay nợ dài hạn lại giảm mạnh hơn 2.300 tỷ đồng xuống còn 1.347 tỷ đồng. Diễn biến này chủ yếu do vay dài hạn đã đến hạn trả nên được chuyển sang ghi nhận ở nợ ngắn hạn.

Chi tiết vay ngắn hạn, chủ nợ lớn nhất là VietinBank với số dư 1.973 tỷ đồng, tiếp đến là HDBank với 1.922 tỷ đồng và MB cho vay 1.080 tỷ đồng.

{keywords}
 

Các chủ nợ lớn nhất cho vay dài hạn là Woori Bank với 1.045 tỷ đồng và Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC) cũng 1.045 tỷ đồng. Ngoài ra còn có MB cho vay 506 tỷ đồng và KEB Hana có dư nợ 464 tỷ đồng.

Bamboo Airways hiện chưa được niêm yết, do đó thông tin tài chính khá hạn chế. Theo một hồ sơ gửi Sở Giao thông Vận tải Mỹ (DOT), hãng tư nhân này có các các khoản vay tổng giá trị lên tới 187,2 triệu USD.

Vietravel Airlines có vốn điều lệ 700 tỷ đồng, thuộc sở hữu hoàn toàn bởi Vietravel. Hãng bay có tuổi đời nhỏ nhất này được tài trợ vốn bằng một khoản trái phiếu đúng 700 tỷ đồng do Vietravel phát hành.

Trái phiếu có kỳ hạn 2 năm, lãi suất cố định 9,25%/năm trong 15 tháng đầu tiên và tăng lên 11%/năm trong thời hạn còn lại. Đơn vị mua trái phiếu là Chứng khoán VPS. Khoản trái phiếu này đã đến hạn trả khi được ghi nhận ở khoản mục vay ngắn hạn.

(Theo Zing)

Hàng không Việt trước nguy cơ phá sản, bị kiện vì nợ đầm đìa

Hàng không Việt trước nguy cơ phá sản, bị kiện vì nợ đầm đìa

Vietnam Airlines đang rơi vào trạng thái cực kỳ khó khăn, bên bờ vực phá sản khi tiếp tục thua lỗ nặng nề. Các hãng hàng không tư nhân như Vietjet Air, Bamboo Airways thì cạn dần nguồn lực về tài chính - Bộ KH-ĐT nhận định.