Hôm 22/2, giá Bitcoin lần đầu vượt ngưỡng 58.000 USD/đồng. Nhưng tròn một tuần sau đó (ngày 1/3), Bitcoin trượt giá 25,5% xuống hơn 43.000 USD/đồng. Nguyên nhân là các bình luận tiêu cực về tiền mã hóa và lãi suất bật tăng mạnh.

Nhưng đồng tiền mã hóa phổ biến nhất thế giới sớm lấy lại đà tăng giá. Chỉ hai tuần sau, giá Bitcoin xô đổ kỷ lục cũ và thiết lập kỷ lục mới 61.300 USD/đồng hôm 14/3, theo dữ liệu của Coin Desk.

Hiện, Bitcoin được giao dịch sát mức 60.000 USD/đồng, tăng đến 38,5% so với mức thấp của hai tuần trước đó. Tính từ đầu năm 2021, đồng tiền này đã tăng giá trị hơn 105%.

Trao đổi với Zing, giới chuyên gia nhận định các lực cản đối với Bitcoin không có tác động kéo dài. Do đó, việc đồng tiền này lấy lại đà tăng giá chỉ là chuyện sớm muộn.

{keywords}
Biến động của Bitcoin trong vòng một tháng qua. Ảnh: Coindesk.

"Hiệu ứng Elon Musk" kéo dài

Hôm 22/2, CEO Tesla Elon Musk cho rằng giá Bitcoin và Ether đang "có vẻ khá cao". Bình luận của ông nhanh chóng châm ngòi cho đợt sụt giảm mạnh của giá Bitcoin từ mức đỉnh hơn 58.000 USD/đồng. Chỉ hai tuần trước đó, Tesla thông báo đã đầu tư 1,5 tỷ USD và chấp nhận thanh toán bằng Bitcoin, đẩy giá đồng tiền này tăng vọt 50%.

Theo các chuyên gia, bình luận của Musk khiến tiền mã hóa trượt giá trong ngắn hạn. Tuy nhiên, "hiệu ứng Elon Musk" với khoản đầu tư 1,5 tỷ USD của Tesla vẫn là trợ lực lớn của Bitcoin. "Thành công của Bitcoin sẽ được xác định dựa trên tốc độ chấp nhận tiền mã hóa (như một hình thức thanh toán) của các công ty Mỹ và sự quan tâm ngày càng tăng của những tổ chức đầu tư", chuyên gia tài chính Edward Moya tại hãng tư vấn Oanda (Mỹ) nói với Zing.

"Bitcoin tăng giá trở lại vì giới đầu tư nhận thấy ngày càng nhiều tổ chức lớn cam kết với blockchain và tiền mã hóa. Dường như sự quan tâm của các tổ chức vẫn ở giai đoạn đầu. Điều đó mang tới niềm tin rằng giá Bitcoin sẽ tiếp tục được đẩy cao hơn", ông lập luận.

Mới đây, tỷ phú Mỹ Dan Loeb tiết lộ "đang lao sâu vào tiền mã hóa". Doanh nhân này là nhà sáng lập quỹ phòng hộ Third Point (New York). Ông sở hữu khối tài sản khoảng 3 tỷ USD.

{keywords}
Giá Bitcoin dao động quanh mức 60.000 USD/đồng. Ảnh: Coin Desk.

Các chiến lược gia tại Citigroup cũng khẳng định Bitcoin có những lợi thế so với hệ thống thanh toán toàn cầu hiện tại. "Bitcoin có thể trở thành công cụ thanh toán trong thương mại quốc tế vài năm tới", nhóm chuyên gia Citigroup, dẫn đầu là nhà chiến lược Kathleen Boyle, dự báo.

Tập đoàn năng lượng Na Uy Aker cũng tiết lộ đã đầu tư vào Bitcoin. PayPal mới mua lại công ty bảo mật tiền mã hóa Curv (có trụ sở tại Israel) nhằm "tăng tốc và mở rộng sáng kiến hỗ trợ tài sản kỹ thuật số". Trong khi đó, Meitu - công ty đứng sau ứng dụng chỉnh ảnh Meitu của Trung Quốc - chi 22,1 triệu USD mua 15.000 Ether và 17,9 triệu USD cho 379,1 Bitcoin.

"Nhu cầu đối với Bitcoin của các nhà đầu tư lẻ ngày càng gia tăng, trong khi sự quan tâm của những tên tuổi lớn cũng nhiều hơn. Trước mắt, đồng tiền này không đứng trước rủi ro pháp lý nào", ông Moya nhận xét.

Miễn nhiễm với lãi suất tăng

Việc lãi suất trái phiếu của Mỹ tăng cao gây áp lực lên những thị trường tài chính khác. Tuy nhiên, giá Bitcoin vẫn liên tiếp phá vỡ các mức cao. Giới chuyên gia nhận định mối tương quan giữa những thị trường này đang sụt giảm.

Theo ông Patrick Heusser, Trưởng bộ phận Giao dịch tại Crypto Finance AG (có trụ sở tại Thụy Sĩ), dựa trên các phân tích kỹ thuật, thị trường Bitcoin đã chứng kiến những thay đổi tích cực về mặt cấu trúc trong vài tuần qua. "Điều này mở đường cho bước chuyển mình lên mức kỷ lục mới", ông giải thích.

Các thông tin về gói kích thích kinh tế mới của Mỹ cũng giúp thúc đẩy giá tiền mã hóa. Theo Reuters, hôm 11/3, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký ban hành gói kích thích kinh tế và cứu trợ Covid-19 trị giá 1.900 tỷ USD. Trong khi đó, Bitcoin vốn được xem là một hàng rào chống lạm phát và hưởng lợi khi nguồn cung tiền tăng cao.

"Giá Bitcoin sẽ biến động mạnh trong thời gian tới. Nhưng đồng tiền này có thể đạt mức giá 100.000 USD/đồng vào quý III/2021", chuyên gia Jehan Chu

"Lãi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng trở lại mức cao nhất trong 12 tháng sau các biện pháp kích thích mới của ông Biden. Tuy nhiên, biến động giá của Bitcoin trái ngược hồi tháng 2. Giá vẫn tăng bất chấp lợi suất leo dốc", các chuyên gia của Coindesk bình luận.

Với vai trò hàng rào chống lạm phát, Bitcoin từ lâu đã được coi là một dạng "vàng kỹ thuật số". Trong cuộc phỏng vấn với Zing hồi đầu tháng 3, giáo sư Layne Hartsell tại Viện châu Á cho rằng một phần lớn vốn từ vàng sẽ chuyển sang Bitcoin.

"Nếu Bitcoin hoàn toàn thay thế vàng, giả sử về mặt lý thuyết là 100% giá trị của vàng, vốn hóa của Bitcoin có thể đạt 10.000 tỷ USD. Sau khi chia cho 20 triệu Bitcoin (ban đầu có 21 triệu Bitcoin, nhưng khoảng 1 triệu đã mất), mỗi đồng Bitcoin sẽ có giá 500.000 USD. Tuy nhiên, đó chỉ là một khả năng", ông lập luận.

"Tôi tin rằng một phần vốn từ vàng sẽ chuyển sang Bitcoin, tuy chúng ta vẫn không biết con số đó là bao nhiêu", GS Hartsell nói thêm.

{keywords}
Dòng chảy lớn từ thị trường vàng có thể chuyển sang Bitcoin. Ảnh: Reuters.

Ngoài ra, đà tăng của Bitcoin cũng được thúc đẩy bởi sự quan tâm ngày một lớn dành cho NFT. NFT (token không thể thay thế) là một dạng vật phẩm ảo được xác thực bằng công nghệ blockchain, có chữ ký số của người sở hữu.

"Kỷ lục NFT trị giá 69 triệu USD của Beeple đã chứng minh sức mạnh của tiền mã hóa, thu hút sự chú ý và tiếp nhiên liệu giúp nhu cầu tăng vọt", ông Jehan Chu tại công ty thương mại Kenetic (có trụ sở tại Hong Kong), nhận định. "Giá Bitcoin sẽ biến động mạnh trong thời gian tới. Nhưng đồng tiền này có thể đạt mức giá 100.000 USD/đồng vào quý III/2021", ông nói thêm.

Còn theo dự đoán của các chuyên gia Capital.com, nếu Bitcoin được giao dịch trên 58.000 USD/đồng trong tuần này, việc đạt 100.000 USD/đồng có thể xảy ra trong mùa xuân. Một kịch bản khác là giá Bitcoin điều chỉnh sau khi vượt 60.000 USD/đồng, rồi xuyên thủng ngưỡng 100.000 USD/đồng vào cuối năm.

(Theo Zing)