Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) giai đoạn 2011 - 2015 đã không đạt kế hoạch. Chủ trương và tinh thần đề ra rất quyết liệt nhưng thực tế thực hiện rất chậm chạp. Đã có chỉ đạo, ai làm chậm, cản trở tiến trình cổ phần hóa (CPH) sẽ bị cách chức. Nhưng thực tế có rất ít trường hợp bị cách chức vì lý do này dù nhiệm vụ CPH luôn không hoàn thành.

Viện đủ lý do để không làm nhanh cổ phần hoá

"Nhiều vị giám đốc không muốn cổ phần hoá, lên sàn. Họ không mặn mà", ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp giãi bày, trong một cuộc họp báo về công tác này.

Cổ phần hoá, thoái vốn DNNN vẫn luôn là vấn đề nóng bỏng khi gắn với tiến trình này thường là hai chữ "chậm chạp", "không đạt kế hoạch".

Giai đoạn 2011-2015, theo báo cáo của Bộ Tài chính, cả nước đã sắp xếp được 588 doanh nghiệp, đạt tỷ lệ 93% kế hoạch, với 508 doanh nghiệp đã cổ phần hoá và 80 doanh nghiệp sắp xếp theo hình thức khác. Tại thời điểm này, cả nước vẫn còn 700 doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước.

Trên thực tế, 3 năm đầu, số DN hoàn tất quá trình này rất ít (2011: 14 DN, 2012: 26 DN, 2013: 73 DN) và chỉ thực sự tăng tốc vào 2 năm 2014-2015 (lần lượt cổ phần hoá 175 và 220 doanh nghiệp).

Tuy nhiên, năm 2016, tiến trình này bị chững lại khi chỉ có 56 doanh nghiệp đã phê duyệt phương án cổ phần hoá, nghĩa là, không có đơn vị nào đã hoàn thành xong. Đây cũng chính là những đơn vị phải cổ phần hoá từ giai đoạn trước tồn đọng lại.

Một vấn đề đáng lưu ý khác là, sau khi cổ phần hoá và IPO, tỷ lệ vốn Nhà nước nắm giữ chi phối tại các DN thuộc diện không cần ông chủ Nhà nước chi phối vẫn vô cùng lớn.

Cụ thể, có tới 196 DN, chiếm 60% số DN đã bán cổ phần vẫn còn tỷ lệ vốn Nhà nước trên 50%. Đặc biệt hơn, có tới 55 DN, chiếm 17 % số DN đã bán cổ phần vẫn còn số vốn NN nắm giữ trên 90% vốn điều lệ.

Một trong những lý do CPH và IPO kiểu 'đầu voi đuôi chuột' là do quy định còn lỏng lẻo. Chẳng hạn như ở trường hợp công ty Điện lực Vinacomin, theo chia sẻ của ông Tiến, phương án ban đầu, vốn NN giữ 51%, sau đó, công ty xin tỷ lệ nắm giữ của Nhà nước là 65% và cuối cùng, kết quả sau khi bán cổ phần ra công chúng thì tỷ lệ NN hiện vẫn còn tới 90%.

Đó là chưa kể, sau khi CPH, hầu hết các DN đều "trốn" lên sàn, cố tình tìm lý do để chậm bàn giao về SCIC như trường hợp những ông lớn Sabeco, đã phải mất 9 năm, Habeco mất tới 7 năm.

{keywords}


"Chính vì tư tưởng không thông nên đã trở thành rào cản lớn cho quá trình CPH", ông Tiến nhận định.

Có hàng trăm kiểu viện cớ trì hoãn quá trình này, được vị lãnh đạo Cục Tài chính doanh nghiệp dẫn chứng, như "nhiều DN kêu không có đủ chi phí cho việc cổ phần hoá, nên lựa chọn tư vấn kém, do vậy không cổ phần hoá được", hoặc "sau cổ phần hoá thì cố tình kéo dài thời gian quyết toán để chậm bàn giao về SCIC".

Việc lên sàn UpCom sau CPH - một quy định bắt buộc cho các công ty đại chúng chưa niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán cũng bị trì hoãn mà lý do là, "Uỷ ban Chứng khoán cũng đưa ra nhiều tiêu chí này kia để lên sàn UpCom, thế thì DN tranh thủ lách, cố gắng không đạt tiêu chí để khỏi phải niêm yết trên sàn", ông Tiến nói.

Vị lãnh đạo này nhấn mạnh:"Phải nói thẳng ra, bản thân chính các DN không muốn CPH, không muốn bán nhiều. Bởi dư âm ở bộ GTVT (đơn vị dẫn đầu về số DN đã cổ phần hoá) là nhiều vị lãnh đạo DN sau CPH thì bị thất nghiệp, không có việc làm, bị chuyển về Bộ. Ít nhiều đồng chí tổ chức cổ phần hoá, IPO lại sợ người ta mua hết".

Cách đây 2 năm, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã từng chỉ đạo phải cách chức đồng chí nào chậm trễ cổ phần hoá" và theo ông Tiến, đã có trường hợp lãnh đạo DN đã bị cách chức vì liên quan lý do này.

Chậm 18 tháng là phạt nặng

Để thào gỡ tình trạng trên, Bộ Tài chính đang soạn thảo một Nghị định mới về CPH để thay thế các Nghị định số 59/2011, số 189/2013 và số 116/2015, đưa ra một khung pháp lý chặt chẽ hơn, thúc các DN phải CPH.

15 Tập đoàn và Tổng công ty vẫn có tỷ lệ vốn Nhà nước trên 90% sau IPO: 

Tổng công ty Thép Việt Nam (Nhà nước nắm giữ 93,6% vốn điều lệ), Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Nhà nước nắm giữ 95,5% vốn điều lệ), Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (Nhà nước nắm giữ 92,5% vốn điều lệ), Tổng công ty Lilama (Nhà nước nắm giữ 98% vốn điều lệ), Tổng công ty Viglacera (Nhà nước nắm giữ 93% vốn điều lệ).

Theo giới thiệu của Cục Tài chính doanh nghiệp, có 14 vấn đề liên quan lĩnh vực này sẽ được điều chỉnh và "đánh" trực tiếp vào những lỗ hổng mà các doanh nghiệp thường vin vào để chần chừ việc cổ phần hoá, IPO.

Chẳng hạn, để tránh tình trạng "bình mới rượu cũ", danh sách các doanh nghiệp phải CPH sẽ được công bố công khai cụ thể đến tỷ lệ vốn Nhà nước nắm giữ và số cổ phần sẽ bán ra bao nhiêu. Các tỷ lệ này sẽ là gần như là con số cứng, không có chuyện đã phê duyệt rồi lại DNNN lại "gãi đầu gãi tai, lấy lý do này kia để xin điều chỉnh lại"- theo ông Tiến.

Các DN sẽ bị bắt buộc lên sàn chứng khoán sau CPH với thời hạn là 18 tháng. Sau thời gian này, DN nào không thực hiện sẽ bị phạt rất nặng.

Tinh thần đổi mới ở cổ phần hoá giai đoạn tới là DN sẽ phải tự làm, tự kê khai, tự xác định, tự chịu trách nhiệm như nghĩa vụ với cơ quan thuế.

Theo ông Tiến, Bộ Tài chính sẽ thay đổi tiêu chí về chất lượng báo cáo tài chính theo chuẩn mực kế toán kiểm toán quốc tế và có hệ thống phần mềm kết nối với các DNNN để tăng giám sát, bắt buộc DN phải công khai, minh bạch.

"Tốt- xấu ra sao sẽ được sáng rõ, tránh tình trạng các DN giấu cái xấu trong báo cáo tài chính, loại trừ nhiều điểm khi gửi cơ quan quản lý và nhà đầu tư khiến cho, báo cáo có kiểm toán không khác gì báo cáo chưa kiểm toán", ông Tiến cho biết.

Tuy nhiên, "CPH chỉ là một miếng ghép của nền kinh tế. Nhà nước rút lui thì cần có những giải pháp để thúc đẩy các thành phần kinh tế còn lại hấp thụ được. Ta bỏ mảnh đất này thì cần có người tiếp quản, nếu không sẽ thành đất hoang", ông Tiến nói.

Phạm Huyền