Nợ xấu tại nhiều ngân hàng tăng cao (có ngân hàng tăng tới 60%) và được nhận định tiếp tục tăng mạnh khi hết thời hạn giữ nguyên nhóm nợ của khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Chưa tính Covid-19, nợ xấu đã tăng mạnh

Quý I/2021, lợi nhuận Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) tăng trưởng mạnh tới 3.104 tỷ đồng nhưng dư nợ tín dụng tăng không bằng tốc độ của chi phí dự phòng rủi ro.

{keywords}
Nợ xấu của hệ thống ngân hàng được nhận định sẽ tăng lên khi hết thời hạn giữ nguyên nhóm nợ đối với các khoản nợ của khách hàng bị tác động bởi dịch Covid-19 Ảnh minh họa: Tạ Hải

Theo đó, chi phí dự phòng rủi ro của ACB tăng vọt lên 606 tỷ đồng, gấp 6,5 lần cùng kỳ năm 2020. Lý do nợ xấu kỳ này tăng tới 60,5% lên 2.954 tỷ đồng. Đây là lần đầu tiên sau nhiều quý, tỷ lệ nợ xấu của ACB gần 1%, từ mức 0,59% hồi cuối năm 2020.

Lý giải nguyên nhân, Công ty chứng khoán SSI tiết lộ, ACB đã chủ động phân loại lại nợ của một khách hàng DN lớn có thể gặp khó khăn trong tương lai, đồng thời tăng khoản trích lập dự phòng.

Đại hội cổ đông thường niên ACB 2021 vừa qua đã thông qua tỷ lệ nợ xấu dưới 1%, song lãnh đạo ngân hàng cũng lo ngại khi nhóm khách hàng hoạt động trong lĩnh vực du lịch và khách sạn (chưa kịp phục hồi lại chịu tác động bởi làn sóng Covid-19 mới) đang có dư nợ khoảng 9.000 tỷ đồng.

Không chỉ ACB, từ đầu năm nay, nhiều ngân hàng khác cũng tăng mạnh nợ xấu: MB tăng 28,8%, HDBank tăng 20,3%, NamABank tăng 19,2%, PGBank tăng 10,6%...

Tính chung cả hệ thống ngân hàng, đến ngày 31/3, tổng dư nợ xấu theo con số tuyệt đối của 26 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính là hơn 93.200 tỷ đồng, tăng 5,3% so với cuối năm 2020. Một số ngân hàng có số nợ xấu cao là: BIDV, VPBank, Vietinbank, SHB…

Còn xét theo con số tương đối, tỷ lệ nợ xấu hệ thống cũng tăng thêm 0,02% lên 1,41%. Dẫn đầu tỷ lệ nợ xấu thuộc về VPBank với 3,46% (gồm cả nợ xấu của FE Credit).

Việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho phép các ngân hàng giữ nguyên nhóm nợ đối với các khoản nợ của khách hàng bị tác động bởi dịch Covid-19 làm cho bức tranh nợ xấu chưa phản ánh đúng thực tế.

Do đó, khi các ngân hàng được dần trích lập dự phòng trong ba năm theo quy định của NHNN, bức tranh nợ xấu sẽ thay đổi.

Theo ước tính của TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, nợ xấu của hệ thống ngân hàng có thể tăng lên 2,5 - 3% vào cuối năm nay.

“Dù mức độ rủi ro và sức chịu đựng của thị trường tài chính Việt Nam đang ở trung bình khá, song nguy cơ chuyển sang trạng thái rủi ro cao hơn rất tiềm ẩn, nếu thiếu các biện pháp kịp thời, hiệu quả”, ông Lực nói.

Vượt khó nhờ lãi suất?

Nợ xấu tăng, các ngân hàng đã tăng mạnh tỷ lệ dự phòng như một biện pháp phòng ngừa. Có số nợ xấu cao nhất hệ thống, BIDV đã đẩy mạnh dự phòng bao phủ nợ xấu khi nâng quy mô quỹ trích lập dự phòng mức 23% lên 23.422 tỷ đồng cuối quý I/2021, cải thiện tỷ lệ bao phủ nợ xấu từ 89% lên gần 108%.

Tính chung, các ngân hàng quốc doanh có tỷ lệ bao phủ nợ xấu (280%) cao hơn khối ngân hàng ngoài quốc doanh (50 - 70% nhóm quy mô nhỏ và 100 - 150% nhóm quy mô lớn).

Theo TS. Cấn Văn Lực, nợ xấu chịu nhiều áp lực trong năm nay nhưng không nên quá lo bởi các ngân hàng cũng đã lường trước tình huống này bằng việc trích lập dự phòng và tăng cường xử lý các khoản nợ xấu, tài sản đảm bảo.

Ngay tại BIDV, website của ngân hàng này dày đặc thông báo bán đấu giá tài sản đảm bảo.

Đơn cử, BIDV vừa mới rao bán tài sản đảm bảo nợ vay quá hạn của Công ty CP Tập đoàn Khải Vy với giá hơn 1.015 tỷ đồng để thu hồi nợ (tạm tính đến ngày 31/12/2020). Hay SCB cũng rao bán toàn bộ khoản nợ tại dự án chung cư Hưng Long (quận 7, TP HCM) với giá khởi điểm hơn 2.352 tỷ đồng…

Trước thực tế không chỉ nợ xấu nội bảng tăng mà nợ xấu tiềm ẩn từ nợ cơ cấu của các ngân hàng cũng đang khá lớn. PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế cho rằng, điều này là do chính sách cơ cấu nhóm nợ của NHNN nhằm hỗ trợ DN khắc phục tác động của dịch Covid-19 (có hiệu lực từ ngày 17/5). Nợ xấu này sẽ dần hiện hình đến khi thời hạn của chính sách kết thúc.

“Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang quay lại, các ngân hàng phải chấp nhận hy sinh lợi nhuận, tăng cường trích lập dự phòng để tăng sức chống chịu trong tương lai”, ông Thịnh nói và cho rằng, các ngân hàng có lợi nhuận cao nhờ tăng trưởng mạnh trong năm 2020 và quý I/2021 chính là điều kiện thuận lợi để tăng trích lập dự phòng những quý tới.

Ngoài ra, một yếu tố khác được các ngân hàng sử dụng như một biện pháp tích lũy lợi nhuận phòng ngừa là nới rộng biên lãi ròng (chênh lệch lãi suất cho vay ra và lãi suất huy động được).

Trước đây, biên lãi ròng chỉ quanh 3% và được cho là con số hợp lý nhưng nay con số này đã tăng trên 4% bởi lãi suất huy động giảm mạnh trong khi lãi suất cho vay chỉ điều chỉnh nhẹ.

Mặt bằng lãi suất đầu vào đã giảm nhưng đầu ra chưa thực sự giảm nhiều cũng là yếu tố mà chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, biên lãi ròng của các ngân hàng sẽ còn tiếp tục tăng trong năm 2021, qua đó giúp lợi nhuận tăng trưởng. Đây cũng là cơ sở giúp các ngân hàng tự tin đặt mục tiêu lợi nhuận tăng mạnh năm 2021.

NHNN yêu cầu quyết liệt thu hồi nợ xấu

Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng (NHNN) cho biết, qua theo dõi, giám sát tình hình hoạt động năm 2020, NHNN nhận thấy một số tổ chức tín dụng có những dấu hiệu tiềm ẩn rủi ro như nợ xấu nội bảng có xu hướng tăng, tỷ lệ nợ xấu của một số công ty tài chính tiêu dùng ở mức cao và tăng lớn so với năm trước, lãi phải thu từ hoạt động tín dụng tăng lớn so với cuối năm 2019…

Do đó, cơ quan này yêu cầu các tổ chức tín dụng thực hiện quyết liệt các biện pháp để thu hồi nợ xấu, nợ đã sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro; thực hiện dự thu lãi, thoái các khoản lãi dự thu theo đúng quy định, nghiêm túc thực hiện việc dự thu lãi đối với các khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ theo quy định tại Thông tư số 01/2020/TT-NHNN và các văn bản sửa đổi, bổ sung…

(Theo Báo Giao Thông)

'Giật mình' nợ xấu ngân hàng

'Giật mình' nợ xấu ngân hàng

Dù Thông tư 03/2021/TT-NHNN của NHNN có hiệu lực từ ngày 17/5 tới đây, nhưng nợ xấu của một số ngân hàng trong quý I/2021 bắt đầu tăng mạnh.