Một trong những mục tiêu của đề án tái cơ cấu hệ thống ngân hàng (NH) Việt Nam là tăng cường sự an toàn cho hệ thống. Tuy nhiên, đang có những dấu hiệu cảnh báo về vấn đề này. Nếu không được cải thiện, lộ trình tái cơ cấu có thể bị ảnh hưởng.

Những cảnh báo

Câu chuyện nóng về việc Bộ Tài chính “truy” cổ tức tiền mặt tại 2 ngân hàng (NH) thương mại có cổ phần nhà nước chi phối đã làm lộ ra một vấn đề đáng lo ngại, vượt ra ngoài những tranh cãi khoản cổ tức nộp về ngân sách.

Mấy ngàn tỷ là lớn nhưng nếu so sánh mấy phần trăm cổ tức tiền mặt với tổng thu ngân sách quốc gia thì là một tỷ lệ rất nhỏ. Bộ Tài chính cũng đã khẳng định, 'truy' cổ tức không phải vì ngân sách khó khăn. Đồng quan điểm này, một chuyên gia tài chính cho rằng, ‘cơm không ăn gạo còn đó’. Hàng loạt NH cổ phần không chia cổ tức trong nhiều năm nay để dành nguồn lực phát triển dài hạn với sự đồng thuận từ phần lớn các cổ đông.

Câu chuyện chia hay không chia cổ tức tiền mặt, nhìn từ góc độ gia tăng năng lực tài chính, đáp ứng các chuẩn mực quốc tế của NH Việt trong bối cảnh hội nhập và áp lực cạnh tranh, đang gia tăng hơn bao giờ hết thực sự là một vấn đề đáng nói.

{keywords}

Đang có những dấu hiệu cảnh báo cho thấy chỉ số an toàn của NH không những không được cải thiện mà đang suy giảm.

Trên thực tế, số tiền cổ tức mà Bộ Tài chính có thể thu được từ 2 NH này khoảng 4.700 tỷ đồng so với dự kiến thu ngân sách năm nay khoảng 1 triệu tỷ.

Các NH trong cuộc cho biết, họ có thể sẵn sàng trả khi có ý kiến của cấp thẩm quyền. Tuy nhiên, điều mong muốn nhất của các NH này là để lại cổ tức, nói đúng hơn là nhà nước tiếp tục đầu tư vào NH, để nâng cao năng lực tài chính. Đại diện phía các NH cho rằng, việc trích tiền mặt trả cổ tức vào thời điểm này là không phù hợp và có thể gây ra nhiều hệ lụy tiêu cực. Một trong số đó là xu hướng suy giảm nghiêm trọng hệ số an toàn vốn (CAR) của các NHTMNN.

Trong một báo cáo vừa công bố của trung tâm nghiên cứu độc lập BIDV, đến cuối 2015, khối NN quốc doanh và NH có vốn NN chi phối (gồm 4 NH: Agribank, BIDV, VietinBank, Vietcombank) chiếm trên 45% hoạt động của hệ thống nhưng có hệ số an toàn CAR giảm nhanh từ mức 10,8% năm 2011 xuống mức 9,4% hiện nay - gần chạm ngưỡng tối thiểu 9% theo quy định của NHNN, thấp hơn mức bình quân của ASEAN là 10,3%.

Thậm chí, một chuyên gia cho biết, các chỉ số này mới chỉ tiệm cận tiêu chuẩn an toàn theo Base II và sẽ xuống thấp hơn nếu áp dụng Base III. Đây thực sự là một điều đáng cảnh báo về sức khỏe của các NH lớn.

Theo một báo cáo của Trung tâm nghiên cứu độc lập BIDV, nếu tận thu sẽ dẫn đến hệ quả là vốn tự có của khối NHTMNN không tăng. Khi nền tảng năng lực tài chính không cải thiện thì không thể tăng cho vay và dự báo dư nợ tín dụng thiếu hụt 280 ngàn tỷ đồng. Điều này khiến nền kinh tế giảm đi gần 50 ngàn tỷ đồng vốn đầu tư, GDP giảm gần 70 ngàn tỷ đồng trong giai đoạn 2016-2020.

Hụt bước tái cơ cấu?

Con số vài ngàn tỷ đồng so với kế hoạch thu ngân sách cả triệu tỷ đồng năm nay chiếm một tỷ trọng nhỏ, chỉ khoảng 0,47%. Trong khi đó, nếu phần cổ tức để lại đầu tư tiếp sẽ góp phần quan trọng gia tăng thêm năng lực tài chính của NH. Mặc dù, chừng đó vẫn chưa thể thỏa mãn được năng lực tài chính đáp ứng theo quy định và chuẩn quốc tế.

{keywords}

Việc suy giảm chỉ số an toàn, không đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế sẽ có rất nhiều bất lợi cho NH Việt Nam khi hội nhập.

Vì thế, nhiều chuyên gia lo ngại, nếu cứ "vắt chanh" mà không nuôi dưỡng thì đến lúc sẽ ‘kiệt’. Bởi, nếu không củng cố và gia tăng năng lực, đến mức nào đó thì các NH sẽ không đạt được mục tiêu gia tăng tiềm lực, cùng cố an toàn để tái cơ cấu, tiếp tục đổi mới và phát triển. Đáng ngại hơn, việc suy giảm chỉ số an toàn, không đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế sẽ có rất nhiều bất lợi cho NH Việt Nam khi hội nhập.

Chuyên gia Cấn Văn Lực cho rằng, hiện đang có chủ trương tăng thu cho ngân sách nhưng cần tận thu chỗ nào, đầu tư nuôi dưỡng chỗ nào và thời điểm nào mới là vấn đề. Ví dụ, việc thoái vốn nhà nước ở nhiều DN đang làm rất chậm. Nhiều nơi bán được giá nhưng không chịu thoái. Bên cạnh đó, nợ đọng thuế là 73 ngàn tỷ của năm 2015 đã thu được bao nhiêu?.

Bà Nguyễn Thùy Dương, Phó Tổng giám đốc phụ trách Dịch vụ Tài chính ngân hàng của Ernst & Young Việt Nam, nhìn nhận, “cơm không ăn gạo còn đấy”. Vấn đề quan trọng là phải tăng được vốn cho NH, phải có thêm nguồn vốn thì mới giải quyết được vấn đề. Nâng cao năng lực sẽ giúp NH trở nên hấp dẫn hơn.

Ông Gary Hwa Tổng giám đốc điều hành Dịch vụ Tài chính ngân hàng của Ernst & Young Châu Á - Thái Bình Dương khẳng định, việc Việt Nam hội nhập với khu vực và thế giới, nhất là với sự hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) và sắp tới là TPP thì áp lực cạnh tranh trong ngành NH sẽ rất lớn. Đây cũng là thách thức đối với NH Việt Nam.

Ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch BIDV, nhấn mạnh, việc đáp ứng tiêu chuẩn tài chính, củng cố hệ số an toàn là rất quan trọng trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh NH. Ngược lại NH lớn mạnh sẽ ảnh hưởng tích cực tới kế hoạch tăng trưởng kinh tế. Với nội tại NH, nâng cao năng lực giúp không phải tiết giảm, sa thải lao động, không chảy máu chất xám trong một AEC được dịch chuyển tự do lao động.

Trên thực tế, lộ trình về tái cơ cấu ngân hàng như đã nêu tại Đề án 254 của Chính phủ về cơ cấu lại các TCTD và Thông báo số 249/TB-VPCP cũng đã đặt ra yêu cầu tăng vốn, đảm bảo các chỉ số an toàn, nâng cao năng lực cạnh tranh đối với các TCTD, đặc biệt NH thương mại quốc doanh và các NH nhà nước nắm cổ phần chi phối. Nếu việc này không được thực thi tốt, rất có thể lộ trình tái cơ cấu sẽ bị hụt bước.

M. Hà