- Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ vừa ký quyết định phê duyệt phương án cổ phần hóa tại một loạt công ty con của PVN, trong đó có PV POWER. Đây là DN điện lực lớn thứ 2 ở Việt Nam sau EVN, sự xuất hiện của ông lớn này là cơ hội lớn cho các nhà đầu tư dài hạn, dòng tiền ngàn tỷ sẽ chuyển hướng vào một địa chỉ đầu tư ngành cơ bản và dài hạn.

Theo phương án cổ phần hóa Công ty mẹ - Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam - PV Power được phê duyệt thì PV Power sẽ theo hình thức bán bớt một phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Giá trị doanh nghiệp tại thời điểm 31/12/2015 của PV Power được xác định là một con số rất lớn: 60.623 tỷ đồng( tương đương 3 tỷ USD). Giá trị thực tế phần vốn Nhà nước tại PV Power là 33.556 tỷ đồng và trong đó giá trị quyền sử dụng đất là 18,79 tỷ đồng.

Theo quyết định cổ phần hoá, vốn điều lệ của PV Power là 23.418.716.000.000 đồng. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam sẽ chỉ còn nắm giữ 51% vốn điều lệ (1.194.354.516 cổ phần) đến hết năm 2025.

{keywords}

Trong khi đó, cổ phần bán ưu đãi cho người lao động trong doanh nghiệp gần 2,8 triệu cổ phần, chiếm 0,118% vốn điều lệ. Số cổ phần bán đấu giá công khai là 468 triệu cổ phần, chiếm 20% vốn điều lệ. Giá bán khởi điểm khi đấu giá là 14.400 đồng/cổ phần.

Số cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược là 676 triệu cổ phần, chiếm gần 29% vốn điều lệ.

Quyết định của Chính phủ nêu rõ, nhà đầu tư chiến lược (cả trong và ngoài nước) phải kinh doanh có lãi trong 2 năm gần nhất, không có lỗ lũy kế. Đồng thời cam kết không chuyển nhượng cổ phần trong 5 năm. Đặc biệt ưu tiên các nhà đầu tư biểu quyết chấp thuận nhận chuyển giao các nhà máy điện do Tập đoàn Dầu khí xây dựng cho PV Power phù hợp quy định pháp luật thời điểm chuyển giao.

Với quy mô IPO và thoái vốn lớn, hiện nay, rất nhiều nhà đầu tư chiến lược như: Quỹ Vinacapital, BNP Paribas, Standard Chartered Bank... rất quan tâm việc cổ phần hóa PV Power. Thông qua tổ chức tư vấn lớn là JP Morgan, PV Power cũng đã tiếp xúc và tìm kiếm nhiều đối tác để lựa chọn cổ đông chiến lược…

Cùng với 2 “ông lớn” của ngành dầu khí là BSR và PV Oil, dự kiến việc IPO của PV Power chính là cú thoái vốn lớn mà chứng khoán chờ đợi trong thời gian tới.

PV Power hiện là một trong doanh nghiệp lớn của ngành điện Việt Nam, chỉ đứng sau Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Năm 2007, PV Power “khởi nghiệp” với chỉ 1 Nhà máy điện - Cà Mau 1 đi vào hoạt động. Tới thời điểm này, PV Power đã nắm trong tay một loạt các nhà máy điện quy mô lớn như: Nhà máy điện Cà Mau 1&2, Nhà máy điện Nhơn Trạch 1, Nhà máy điện Nhơn Trạch 2, Nhà máy Thủy điện Hủa Na, Nhà máy Thủy điện Đakđrinh, Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1… 

Sau khi hoàn thành bàn giao Nhà máy điện Phú Quý cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam quản lý và vận hành từ năm 2016, tổng công suất nguồn của PV Power đang duy trì ổn định ở mức 4.208,2MW. Tăng trưởng điện năng trong suốt những năm qua liên tục duy trì ở mức 9-10%.

Doanh thu và lợi nhuận của PV Power cũng tăng trưởng nhanh chóng, thậm chí đà tăng càng mạnh hơn trong giai đoạn về sau.

Nếu như giai đoạn 2007-2012, doanh thu của Tổng công ty đạt 69.533 tỷ đồng thì tới giai đoạn 2013-31/3/2017, con số này đã tăng gần 60% lên 109.008 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng doanh thu bình quân đạt trên 5% một năm.

Năm 2016, tổng sản lượng điện sản xuất cả năm của PV Power ước đạt 21,131 tỷ kWh; Doanh thu hợp nhất toàn Tổng Công ty đạt 28.212 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 1.517 tỷ đồng. Năm 2017, PV Power đặt mục tiêu tổng sản lượng điện sản xuất đạt trên 21 tỷ kWh, doanh thu hợp nhất 29.313 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 1.234 tỷ đồng.

Trong đợt IPO này, tổng công ty dự kiến sẽ chào bán 20% cổ phần cho nhà đầu tư và chào bán 29% cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược, Nhà nước sẽ giữ lại 51%.Tỷ lệ này có thể giảm xuống dưới 50% từ năm 2019, phụ thuộc vào quá trình tái cấu trúc các khoản nợ và đàm phán với các bên cho vay.

Mạnh Phan