Không những không kiếm được tiền mà mất luôn số tiền tiết kiệm, có người còn vay nợ để cố gắng gỡ nhưng cũng vô vọng.

"Miếng pho mát miễn phí"

Chị N.T.H ở tỉnh Tiền Giang, do dịch bệnh, lại ở nhà nên thường xuyên lên mạng thì thấy thông tin quảng cáo Tikishop tuyển nhân viên bán hàng online nên bấm vào xem. Lập tức hiện ra thông tin: “Xin chào, mình là giám đốc maketing của Tiki, hiện cửa hàng Tiki cần tuyển số lượng lớn nhân viên chuyên đặt hàng để nâng cao số lượng giao dịch và thứ hạng của cửa hàng.

Chỉ cần có kinh nghiệm mua sắm trực tuyến, mỗi ngày bạn có thể dễ dàng kiếm 800.000 đồng bằng điện thoại di động và tiền lương sẽ được quyết toán ngay trong ngày. Nếu bạn muốn tham gia công việc này, vui lòng add tài khoản Zalo của giám đốc maketing: 8434220xxxx. Hiện tại chỉ còn 30 suất duy nhất, chỉ trong ngày hôm nay!”

bs1.jpg -0
Anh T.T.Q mất tiền vì tham gia app Miliongame.

Với chiêu thức dẫn dụ người tham gia nạp tiền vào tài khoản cho các đơn hàng nhái theo trang thương mại điện tử của Tiki và được trả lại hoa hồng, bọn tội phạm đã tạo lòng tin cho người tham gia được trả hoa hồng mức cao, nhanh chóng, tiện lợi. Dẫn dụ từ mức VIP0 lên VIP1, VIP2, VIP3 với mức nạp tiền vào tài khoản ngày càng cao. Sự hối thúc được đơn hàng, được hoa hồng khiến người tham gia mất cảnh giác mà nạp tiền.

Khi số tiền nạp đã cao, chúng tìm cách để không thanh toán hoa hồng mà đưa đơn đặt hàng lên con số vài chục triệu, thậm chí cả trăm triệu với yêu cầu: “Bạn làm đơn hàng này xong sẽ được hoa hồng, bạn yên tâm; bao nhiêu người vẫn làm hàng ngày như bạn, công ty uy tín mà; hệ thống là tự động, bạn hoàn tất rồi sẽ nhận hao hồng…”.

Chúng liên tục hối thúc khiến người tham gia tiếc tiền mà cố vay mượn để lấy lại tiền. Tuy nhiên, tất cả là mánh khóe, bởi các đơn hàng với giá trị cao sẽ tiếp tục tăng lên, khiến người tham gia phải bỏ cuộc và mất tiền.

Theo chị H., chỉ trong 1 tuần tham gia, chị H. mất 50 triệu đồng. Các đối tượng nói chị nạp tiền vào để thực hiện nhiệm vụ thì mới rút được tiền, nhưng cứ nạp vào thì số đơn hàng càng nhiều, nếu muốn rút tiền phải nạp tiền tiếp. Ban đầu họ kêu chị nạp vào tài khoản của app này 100 ngàn, chỉ trong ngày là chị lời được 200 ngàn mà không cần phải làm gì. Số tiền nó chạy về tài khoản ngân hàng của chị nên chị tin. Sau đó nó kêu nạp tiền để thực hiện nhiệm vụ tiếp, mỗi lần nạp chỉ vài trăm ngàn, rồi 500 ngàn và sau đó đều có tiền lời chuyển vào tài khoản của chị. Cứ vậy, số tiền nạp tăng dần, nạp tiền vào thì nó lại báo đơn hàng tăng lên nói chị phải thực hiện nhiệm vụ để rút tiền lời.

Lướt mạng kiếm tiền - coi chừng sập bẫy -0
App có tên là Tikishop và Amazon có hành vi lừa đảo.

Khi nạp số tiền nhiều thì được nâng hạng lên VIP, càng lên hạng thì số đơn hàng càng nhiều và số tiền nạp cũng nhiều hơn. “Em lên đến VIP3 thì số tiền nạp là 50 triệu đồng, em nói không còn tiền, chỉ có nhiêu đó tiền tiết kiệm nuôi con nhỏ nên em xin nó cho em rút tiền không tham gia nữa nhưng nó nói hệ thống tự động, đã tham gia thì phải tiếp tục chơi mới rút được tiền. Em xin nó cho em về VIP0 để nhận ít đơn hàng, nó nói để nó báo với bộ phận chăm sóc khách hàng sẽ giúp em hạ bậc xuống để em nhận hoa hồng. Cứ tưởng như vậy số đơn hàng sẽ ít nhưng lúc nó báo đơn hàng với số tiền 90 triệu đồng thì em tá hỏa…”, chị H. chia sẻ.

Anh P.T.A ở TP. Hồ Chí Minh cho biết anh cũng bị mất trắng gần 30 triệu khi tham gia app kiếm tiền đa cấp Tikishop, giờ bị bắt nạp thêm tiền mà không còn tiền để nạp.

Theo anh T.A, khi tham gia, ban đầu thì nạp ít tiền để thực hiện đơn hàng và nó chuyển tiền lời về tài khoản cá nhân của anh rồi kêu nạp tiền để có hoa hồng cao. Nhưng khi nạp tiền vào thì lại đưa đơn hàng giá cao hơn. Ví dụ mình nạp vào tài khoản 1,5 triệu mà nó đưa đơn hàng 2 triệu, mình phải nạp thêm tiền. Cứ vậy nó lại đưa đơn giá cao hơn để mình phải nạp tiền vào, không nạp thì mất tiền mà nạp cũng mất.

Cẩn trọng để tránh bị mất tiền oan

Theo chuyên gia công nghệ thông tin tại TP Hồ Chí Minh Nguyễn Ngọc Thành, gần đây xuất hiện một số ứng dụng dạng đa cấp đặt đơn ảo kiếm tiền nhái theo các thương hiệu thương mại điện tử có tiếng như là Tikishop, Amazon… Chiêu trò lừa đảo lấy tiền của người tham gia các app này là khi người chơi nạp tiền mua VIP và quay đơn kiếm tiền thì trong quá trình quay đơn, người chơi sẽ quay trúng món quà giá trị lớn hơn với số tiền mà mình đang có trong tài khoản. Lúc này người chơi sẽ không thể hoàn thành được đơn đó vì không đủ tiền trong tài khoản và toàn bộ số tiền của người chơi bị đóng băng trong app, muốn rút vốn cũng không được, muốn đặt đơn cũng không xong.

Lúc này người chơi liên hệ với quản lý các app để hỏi lý do, người này kêu người chơi muốn tiếp tục đặt đơn được thì phải nạp thêm tiền cho đủ với đơn hàng đang bị đóng băng để mở khóa số tiền và tiếp tục chơi. Đối với những người đã tham gia kiếm tiền với các app đa cấp lâu thì lúc này đã biết được chiêu trò lừa đảo của bọn app và quyết định dừng ngay. Còn đối với những người mới thì cứ tin và nghĩ rằng app uy tín nên tiếp tục đi nạp tiền vào để mở khoá, thậm chí có một số người đi vay mượn tiền để đầu tư vào app đa cấp.

Đối với những người tiếp tục nạp tiền vào để mở khoá sẽ có 2 trường hợp: App cho người chơi rút tiền ra để tạo lòng tin nhưng không cho rút hết toàn bộ; khi người chơi nạp tiền vào để mở khoá rồi tiếp tục quay đơn, trong quá trình quay đơn lại tiếp tục lần 2 gặp phải đơn hàng giá trị cao (chắc chắn sẽ cao hơn đơn hàng lúc đầu 100%), lúc này người chơi mới nhận ra rằng mình đang mắc kẹt vào chiêu trò của bọn lừa đảo, muốn tiếp tục cũng không được, muốn rời đi cũng không xong.

Lướt mạng kiếm tiền - coi chừng sập bẫy -0
Chị N.T.H cho biết bị mất tiền vì tham gia app Tikishop.

Ngoài các app có tên Tikishop, Amazon, còn có app kiếm tiền Miliongame với tên miền là 5615610.com. Anh T.T.Q ở quận 12 cho biết, anh mất hơn 10 triệu khi tham gia app Miliongame. “Y chang như đánh bạc ở các sòng bạc mà người ta thấy. Ban đầu khi số tiền nạp ít thì chúng cho rút tiền để làm tin, cứ như vậy người chơi đã tin tưởng và cắn câu, nạp tiền chơi tiếp thì chúng kêu nạp tăng số tiền để làm nhiệm vụ rồi rút tiền lời nhiều, nếu không nạp thì không rút được tiền gốc…”.

Sau khi anh Q. kể, tôi đã tham gia xem thực hư thế nào. Tôi nhắn tin qua Zalo để xin được tham gia. Sau một hồi trao đổi, người nữ nói tôi nên tham gia vì dễ kiếm tiền, “chơi là thắng”, rồi gửi cho tôi thông tin để tìm hiểu cách kiếm tiền, nếu đồng ý tham gia thì chuyển tiền để trở thành thành viên.

Sau khi tôi đồng ý tham gia, người này gửi cho tôi thông tin mời chào kiếm tiền “kêu như chuông”: Chào mừng bạn đến với trang kiếm tiền online của chúng tôi! Hãy tự mình thay đổi tương lai của mình trong ngày hôm nay! Bạn có một cái điện thoại smartphone; bạn tạo tài khoản trong hệ thống; bạn tham gia nhóm kiếm tiền online và trở thành thành viên chính thức. Bạn chọn mức vốn tham gia 150k -  300k - 500k. Vốn khởi điểm khi tham gia nhóm: 150k hoặc 300k hoặc 500k. Lợi nhuận 150k+30%=200k; Lợi nhuận  300k+30%=400k; Lợi nhuận 500+30%=650k. 150k sau 15 phút bạn có 50k/1 lần, 4 lần bạn sẽ có 200k; 300k sau 15 phút  bạn có 100k/1 lần, 4 lần bạn sẽ có 400k;  500k sau 15 phút bạn có 150k/1 lần, 4 lần bạn sẽ có 600k.

Nếu đồng ý tham gia sẽ được hướng dẫn thực hiện chuyển khoản để lên điểm trên hệ thống. Cam kết lợi nhuận luôn luôn là 30% trên tổng số tiền bạn đầu tư…

Sau khi tôi đồng ý tham gia và chuyển 150 ngàn đồng vào tài khoản 1020738988 (Vietcombank), chủ tài khoản là Nguyễn Thanh Trang, tôi chụp màn hình đã chuyển khoản gửi người này và tôi nhận được đường link nhóm HSC – Kiếm tiền Online trên Zalo để gia nhập nhóm. Người này nói tôi gửi chụp màn hình đã chuyển khoản vào nhóm này để điều phối viên biết và xác nhận việc chuyển tiền của tôi. Tiếp theo, người này hướng dẫn tôi thực hiện rất nhiều bước như: nhấn vào link http://5615610.com/#/me để tải ứng dụng về điện thoại, cài đặt theo video hướng dẫn và tạo một tài khoản riêng trên ứng dụng, rồi thực hiện một số bước để lên điểm trong ứng dụng này; sau đó tải link app chính thức http://zalo.appdlweb.com và cài đặt rồi tạo một tài khoản chính thức trên app này.

Tôi nhập mã số được cung cấp thì hiện ra một tài khoản có tên là HSC – Lý, hình đại diện là logo có tên hsc Đầu tư. Người này nói tôi gọi là thầy Lý và hướng dẫn tôi thực hiện một số thao tác làm nhiệm vụ. Sau một hồi thì rồi nhắn tin cho tôi: “Nhiệm vụ đã kết thúc. Hãy liên hệ điều phối đơn để rút tiền”.

Tôi quay lại nhắn tin cho người điều phối viên nói là thầy Lý kêu nhiệm vụ đã xong, liên hệ để rút tiền. Sau khi kêu tôi đợi một chút để kiểm tra, điều phối viên nói tôi xem số tiền lời trong tài khoản tôi thấy có hơn 200 ngàn. Tôi nói để số tiền này chơi tiếp thì điều phối viên nói tôi cứ rút hết về rồi nạp chơi tiếp…

 Thời gian qua, cơ quan điều tra và báo chí đã thường tuyên truyền để người dân cảnh giác thủ đoạn lừa đảo này nhưng số người biết chưa nhiều. Bởi nhiều người ít đọc báo mà chủ yếu lướt mạng rồi thấy các thông tin từ Facebook đẩy các quảng cáo này đến người dùng ngày càng nhiều với cách làm tiện lợi. Trong khi đó, người chơi không tìm hiểu kỹ, dễ tin vào cái tên có chi tiết giống với các thương hiệu nổi tiếng… Khi bước chân vào rồi mới biết bị lừa, nhưng có không ít người vẫn ảo tưởng rằng bọn lừa đảo “thương tình” cho rút tiền nên nghe theo và ngày càng mất tiền nhiều hơn.

Hầu hết những đối tượng nhắn tin qua zalo mời chào “con mồi” đều để hình đại diện là các thiếu nữ rất xinh để “câu”. Có người mất nhiều tiền đành gọi điện thì đối tượng đang “chat” không bao giờ nghe máy và nói lý do đang ở công ty, quy định của công ty là trong giờ làm việc không được nghe hay gọi điện thoại…

Đó là một số hình thức lừa đảo qua mạng khá tinh vi trong thời gian gần đây, mỗi người cần nâng cao cảnh giác không nghe theo lời mời gọi sẽ kiếm được số tiền nhiều trong thời gian ngắn. Với những lời chào mời như thế, cần phải luôn nhớ rằng chẳng có miếng pho mát nào là miễn phí cả.

(Theo An Ninh Thế Giới)

Kiếm tiền trên mạng: Coi chừng sập bẫy

Kiếm tiền trên mạng: Coi chừng sập bẫy

Đánh vào tâm lý muốn kiếm tiền của người dùng trong thời gian giãn cách phòng, chống dịch Covid-19, nhiều trang web nổi lên với những lời mời "chỉ cần click là có tiền" khiến không ít người sập bẫy.