Theo tìm hiểu, Bộ Tài chính đã cơ bản hoàn thiện dự thảo thông tư quy định về quản lý và sử dụng tài khoản của Kho bạc Nhà nước mở tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các ngân hàng thương mại.

Sau hai tháng xây dựng và lấy ý kiến hoàn thiện, nhiều khả năng thông tư mới sẽ được ban hành trong tháng 9 này và có hiệu lực từ tháng 11/2019.

Chính sách mới dự kiến trên, khi đi vào hiệu lực sẽ nắn lại dòng chảy của một nguồn tiền gửi lớn trong hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam, chủ yếu tại một số ít thành viên nhưng có quy mô lớn.

{keywords}
 

Như chúng tôi đề cập ở một bài viết gần đây, hướng quy định đưa ra trong dự thảo trên có những thay đổi căn bản so với hiện hành, đối với nguồn tiền gửi thanh toán của Kho bạc Nhà nước tại các ngân hàng thương mại - nguồn thời gian qua được xác định là tiền gửi không kỳ hạn với số dư đọng lại trên tài khoản.

Cụ thể, theo cơ chế hiện hành, nguồn tiền gửi thanh toán của Kho bạc Nhà nước (có những thời điểm ghi nhận hàng trăm nghìn tỷ đồng) từ các chi nhánh, các cấp huyện, tỉnh đến Trung ương chảy qua tài khoản thanh toán mở tại một số ngân hàng thương mại.

Nguồn tiền trên từ cân đối thu - chi, phục vụ hoạt động thanh toán của Kho bạc Nhà nước, và thường đọng lại trên tài khoản, thể hiện rõ trên báo cáo tài chính các ngân hàng thương mại liên quan mỗi kỳ công bố, bên cạnh lượng tiền gửi có kỳ hạn của tổ chức này xuất hiện khá lớn khoảng một năm trở lại đây.

Vào cuối mỗi ngày giao dịch, số dư đọng lại trên hệ thống các tài khoản đó theo quy định “có số dư Nợ”; lượng tiền gửi đọng lại được nhận lãi suất theo thỏa thuận với ngân hàng thương mại nơi mở tài khoản. Ngân hàng thương mại được sử dụng số dư đọng lại tương tự như tiền gửi thanh toán thông thường…

Nhưng, với quy định tại dự thảo và dự kiến sắp ban hành nói trên, thay đổi thể hiện rõ ở việc kết chuyển toàn bộ nguồn tiền gửi thanh toán đó về tài khoản tổng hợp của Kho bạc Nhà nước tại Trung ương và tài khoản này tập trung tại Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước.

“Có số dư bằng 0” nêu rõ trong dự thảo thay cho “có số dư Nợ” theo quy định hiện hành. Cùng đó, dự thảo thông tư mới cũng đã không còn điều khoản riêng về phần “Trả lãi tiền gửi” như áp dụng thời gian qua.

Do đặc thù yêu cầu về độ phủ mạng lưới thanh toán, cũng như từ lịch sử để lại..., nguồn tiền gửi thanh toán của Kho bạc Nhà nước từ trước đến nay chủ yếu tập trung tại “big 4” ngân hàng thương mại, gồm: Agribank, Vietcombank, BIDV và VietinBank. Báo cáo tài chính định kỳ ở nhóm thành viên này thường ghi nhận số dư riêng tiền gửi thanh toán của Kho bạc Nhà nước khá lớn.

Áp dụng cơ chế mới trong dự thảo, nguồn tiền gửi lớn này sẽ kết chuyển về tài khoản mở tại Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước. Theo đó, nhà điều hành chính sách tiền tệ sẽ có sự hợp tác chặt chẽ hơn từ chính sách tài khóa, để tăng thêm chủ động trong nắm bắt và cân đối lượng khi điều tiết nguồn vốn trong hệ thống hàng ngày.

(Theo BizLIVE)