Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) vừa công bố kế hoạch kinh doanh năm 2021 với lợi nhuận trước thuế tăng trưởng 70% so với năm 2020 lên 5.555 tỷ đồng.

Đây là một mục tiêu đầy tham vọng và được đưa ra tkhi SHB vừa dứt được gánh nặng từ vụ sáp nhập Habubank vào SHB giai đoạn 2016-2020. Kết thúc 2020, SHB đã cơ bản hoàn tất các tồn đọng của đề án sáp nhập với lợi nhuận vọt lên cao nhất trong 10 năm trong khi tỷ lệ nợ xấu thấp nhất 10 năm.

Bên cạnh đó, năm 2020 SHB còn hoàn thành cả 3 trụ cột Basel II, hình thành trụ cột an toàn cho giai đoạn tăng trưởng hiệu quả, chất lượng theo chiến lược kinh doanh tiếp theo. Ngân hàng cũng hoàn thành tăng vốn lên hơn 17.500 tỷ đồng thông qua chi trả cổ tức và phát hành cổ phiếu mới.

Ngân hàng ACB sẽ công bố các mục tiêu cụ thể tại ĐHCĐ dự kiến diễn ra vào tháng 4 nhưng theo tinh thần các chỉ tiêu kinh doanh bằng hoặc cao hơn 2020.

Vietcombank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2021 tăng 12% lên 25,2 nghìn tỷ đồng và tỷ lệ nợ xấu dưới 1% trong năm nay. Trong khi đó, MBBank đưa ra mức lợi nhuận trước thuế sẽ tăng 25-30% so với 2020. Ông lớn VietinBank cũng đặt tăng trưởng khoảng 10-20%.

{keywords}
Các ngân hàng đặt tăng trưởng lợi nhuận cao trong 2021.

OCB cũng cho biết, lợi nhuận trước thuế mục tiêu 2021 của ngân hàng này tăng khoảng 15%, đạt 5,56 nghìn tỷ đồng. Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2021 tăng 30%.

Hầu hết các dự báo đều cho rằng các ngân hàng sẽ tăng trưởng tốt trong 2020. CTCK VNDirect dự báo, lợi nhuận của các ngân hàng sẽ tăng trong năm 2021 bởi hệ thống ngân hàng là kênh chính, nơi Chính phủ sử dụng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

VCSC cũng cho rằng, các ngân hàng sẽ ghi lợi nhuận 2021 tăng tăng tích cực hơn năm 2020 do Nhà nước nhiều khả năng duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng để thúc đẩy nền kinh tế. Trong khi nợ xấu của ngân hàng hiện không phải là điều quá lo ngại bởi các ngân hàng đã tăng trích lập dự phòng rủi ro trong năm 2020.

Theo SSI Research, thu nhập lãi thuần của các ngân hàng năm 2021 sẽ tăng khoảng 15% so với năm 2020 trên cơ sở tín dụng toàn ngành tăng khoảng 12 - 13%. Bên cạnh đó, thu nhập ngoài lãi năm nay sẽ tăng khoảng 8,7% so với năm trước do thu nhập thuần từ phí phục hồi.

Trong những ngày đầu năm mới, các cổ phiếu ngân hàng tiếp tục tăng giá khá ấn tượng và là trụ đỡ cho thị trường chứng khoán trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tác động tiêu cực tới tâm lý của các nhà đầu tư.

Cổ phiếu SHB liên tục tăng mạnh. Trong khoảng 3 tháng qua, cổ phiếu SHB diễn biến rất tích cực và hiện vùng đỉnh cao trong hơn 10 năm qua. Vào đầu năm 2021, cổ phiếu SHB đã có sự hồi phục trở lại và hiện tại đang nằm trong nhịp tích lũy ngắn hạn tại ngưỡng giá 16.000 đồng, vốn hoá thị trường đạt hơn 27.700 tỷ đồng.

Thanh khoản những phiên gần đây với lượng giao dịch cổ phiếu lớn, duy trì giá trị ổn định cho thấy cổ phiếu vẫn đang hấp dẫn dòng tiền của nhà đầu tư. Các chỉ báo xu hướng hiện đang ở trong trạng thái khả quan, sẵn sàng bứt phá lên tạo sóng tăng mới.

Hàng loạt các cổ phiếu ngân hàng dường như cũng “miễn nhiễm” với tác động tiêu cực của Covid-19 trên thế giới và tác động tiêu cực đến thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam.

Trong khi VN-Index chịu áp lực giảm từ vùng đỉnh vì Covid-19 thì cổ phiếu Ngân hàng Vietinbank (CTG) tăng từ mức 21.000 đồng hồi đầu tháng 1/2020 lên mức 38.000 đồng/cp như hiện tại. Cổ phiếu Sacombank (STB) tăng từ mức 10.000 đồng hồi đầu tháng 1 lên mức 19.000 đồng/cp như hiện tại. Cổ phiếu VPBank (VPB) từ mức 20.000 đồng hồi đầu tháng 1 lên 42.000 đồng/cp như hiện tại.

Hàng loạt các cổ phiếu các ngân hàng khác như Vietcombank (VCB), BIDV (BID), Ngân hàng Á Châu (ACB), Techcombank (TCB), MBBank (MBB), HDBank (HDB)… đều ghi nhận mức tăng trưởng ít nhiều.

Trên thị trường chứng khoán (TTCK), VN-Index ở quanh ngưỡng 1.170 điểm.

Theo BVSC, VN-Index dự báo có thể thử thách vùng kháng cự 1.175-1.185 điểm. Tuy nhiên, chỉ số nhiều khả năng sẽ chịu áp lực rung lắc mạnh khi tiếp cận vùng cản này. Về tổng thể, thị trường vẫn sẽ dao động trong vùng được giới hạn bởi cận trên là vùng cản 1.185-1.200 điểm và cận dưới 1.150-1.155 điểm. Diễn biến của thị trường nhiều khả năng sẽ tiếp tục theo chiều hướng giằng co với các nhịp tăng giảm đan xen trong phiên, kèm theo đó là sự phân hóa mạnh giữa các dòng cổ phiếu. Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn sẽ tiếp tục quá trình điều chỉnh. Dòng tiền sẽ tập trung mạnh ở nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ trong giai đoạn này

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 10/3, chỉ số VN-Index tăng 8,11 điểm lên 1.170,08 điểm; HNX-Index tăng 2,28 điểm lên 267,1 điểm. Upcom-Index tăng 0,7 điểm lên 80,24 điểm. Thanh khoản đạt 21,1 nghìn tỷ đồng.

V. Hà