Đầu giờ sáng 12/3, cổ phiếu MWG của CTCP Đầu tư Thế giới Di Động của ông Nguyễn Đức Tài tiếp tục giảm sàn với mua bằng 0, trong khi dư bán lên tới gần nửa triệu đơn vị. Đây là phiên giảm thứ 9 trong 10 phiên gần đây, trong đó có tới 3 phiên giảm sàn.

Tính từ cuối tháng 1 tới giờ, cổ phiếu MWG của ông Nguyễn Đức Tài đã giảm khoảng 32%, từ mức trên 120 ngàn đồng/cp xuống mức 81.300 đồng/cp như hiện tại.

Cổ phiếu PNJ của CTCP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận của bà Cao Thị Ngọc Dung cũng ở trong tình trạng tương tự, giảm sàn 3 trong 4 phiên gần đây. Cổ phiếu này cũng giảm hơn 30% kể từ cuối tháng 1, từ mức khoảng 92.000 đồng/cp xuống dưới 64.000 đồng/cp như hiện tại.

{keywords}
Chứng khoán sáng 12/3 tiếp tục giảm mạnh và mất mốc 800 điểm.

FPT Retail (FRT) cũng giảm như vậy, nhưng tính trong 6 tháng qua, cổ phiếu này còn giảm manh hơn, từ mức 47.000 đồng/cp xuống còn 16.500 đồng/cp. Cổ phiếu mặt bằng bán lẻ Vincom Retail (VRE) của tỷ phú Phạm Nhật Vượng giảm từ mức gần 35.000 đồng hồi tháng 1 xuống 24.000 đồng như hiện tại.

Các cổ phiếu bán lẻ giảm trong bối cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam nói cung cũng đang giảm mạnh. Sau phiên giảm kỷ lục hơn 55 điểm đầu tuần, chỉ số VN-Index hôm qua (11/3) giảm thêm hơn 26 điểm và mở cửa sáng nay 12/3 giảm thêm gần 40 điểm và lần đầu tiên sau nhiều năm xuống dưới ngưỡng 800 điểm.

Cổ phiếu bán lẻ còn bị ảnh hưởng nặng nề hơn bởi nhu cầu mua sắm giảm mạnh trong bối cảnh người dân thắt chặt chi tiêu và hạn chế tới những nơi đông người.

CTCP Đầu tư Thế giới Di Động của ông Nguyễn Đức Tài hôm 11/3 vừa ghi nhận một nhân viên thuộc hệ thống Điện Máy Xanh (tại Đà Nẵng) dương tính Covid-19 do tiếp xúc gần với 2 du khách người Anh bị nhiễm. Theo MWG, ngay khi nhận biết những trường hợp có tiếp xúc với bệnh nhân dương tính với Covid-19, Công ty đã nhanh chóng thông báo với các cơ quan chức năng và tuân thủ nghiêm ngặt mọi hướng dẫn nhằm bảo vệ sức khỏe của nhân viên và cộng đồng.

VinCommerce cho biết, để ứng phó khẩn cấp với dịch covid-19, đơn vị này áp dụng 3 tuyến phòng dịch nghiêm ngặt đối với hệ thống VinMart, VinMart+ và sẽ chủ động tạm đóng cửa các cửa hàng nằm trong khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao. Những cửa hàng khác nhận viên sẽ được trang bị đầy đủ dụng cụ bảo hộ gồm, khẩu trang, găng tay, nước rửa tay cho cả nhân viên và khách hàng. Bố trí đo thân nhiệt, đặt nước sát khuẩn tại nhiều nơi trong siêu thị cho khách hàng rửa tay

PNJ của bà Cao Thị Ngọc Dung giảm mạnh trong thời gian qua tuy nhiên, doanh nghiệp này vẫn đang đặt kế hoạch khá cao cho năm 2020.

Theo tài liệu ĐHCĐ mới được công bố, trong năm 2020, PNJ sẽ tiếp tục kiên định với chiến lược là: Tăng trưởng vững chắc; Phát triển năng lực; Làm giàu tài nguyên; Chuẩn bị tương lai.

PNJ dự kiến mở thêm 31 cửa hàng, đặt kế hoạch lợi nhuận tăng trưởng 13% trong năm 2020. PNJ đặt kế hoạch năm 2020 với doanh thu thuần 19.020 tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2019. Lợi nhuận sau thuế dự kiến đạt 1,35 ngàn tỷ đồng. Tỷ lệ cổ tức dự kiến giữ nguyên ở mức 18%.

Một số công ty chứng khoán (CTCK) có những cái nhìn thận trọng trong các dự báo.

Theo TVSI, thị trường mở cửa hồi phục nhưng không thể duy trì diễn biến tăng điểm. Đà giảm nhanh chóng trở lại với chỉ số, đồng thời hiệu ứng bán tháo xuất hiện trong phiên chiều cho thấy tâm lý thị trường hiện vẫn còn yếu. Rủi ro ngắn hạn theo đó tiếp tục được đánh giá ở mức cao. Trong phiên tiếp theo, VN-Index dự báo vẫn sẽ chịu áp lực giảm điểm. Mặc dù vậy, nếu thị trường vẫn giữ vững được vùng hỗ trợ 790-810 điểm, diễn biến hồi phục được kỳ vọng sẽ xuất hiện sau đó.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 11/3, VN-Index giảm 26,15 điểm xuống 811,35 điểm; HNX-Index giảm 0,67 điểm xuống 105,52 điểm. Upcom-Index giảm 0,94 điểm xuống 52,48 điểm. Thanh khoản toàn thị trường đạt hơn 6,6 ngàn tỷ đồng. 

Chứng khoán Việt Nam sáng 12/3: Tụt giảm mạnh, xuống dưới ngưỡng 800 điểm
Trên thị trường chứng khoán (TTCK), hầu hết các cổ phiếu giảm mạnh. Tính tới 9h40, VN-Index giảm hơn 45 điểm xuống còn 766,29 điểm.
Cổ phiếu bán lẻ là nhóm chịu ảnh hưởng nặng nhất từ đợt giảm này. Bên cạnh đó là nhóm dầu khí sau khi giá dầu thế giới đêm qua giảm 4%.
Các cổ phiếu MWG, PNJ, DGW, FRT... đều bị kéo xuống mức giá sàn. Các cổ phiếu dầu khí như GAS, PVS, PVD... cũng đồng loạt lao dốc.
Hàng loạt các cổ phiếu blue-chips giảm sàn như: Vingroup (VIC), Vinhomes (VHN), Vincom Retail (VRE), GAS, Thế Giới Di Động (MWG), HDBank (HDB), ROS, VPBank (VPB), BIDV (BIDV).
Chứng khoán Việt Nam tụt giảm trong bối cảnh chứng khoán thế giới, trong đó có Mỹ giảm mạnh vì dịch Covid-19 lan rộng, Ý và Đan Mạch phải phong tỏa cả đất nước và cuộc chiến dầu khí do Saudi Arabia đã bắt đầu. Đêm qua, chứng khoán Mỹ giảm gần 6% và rơi vào một thị trường đi xuống.
Thị trường Mỹ đã bắt đầu được gọi là thị trường con gấu khi các chỉ số chứng khoán chính ở đó đều suy giảm mạnh, mất trên 20%. Đây cũng là tình trạng chung ở nhiều TTCK khác trên thế giới.

V. Hà