Trong phiên giao dịch cuối tuần trước, cổ phiếu TCM của CTCP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công tiếp tục tăng mạnh, thêm 2,4% lên 30.800 đồng/cp. Đây là vùng giá cao nhất của cổ phiếu này trong 3 năm qua.

Cổ phiếu TNG của CTCP Đầu tư và Thương mại TNG cũng tăng mạnh phiên thứ 2. Nhiều mã cũng khởi sắc như STK, MSH, VGT,...

Sau một năm bứt phá ngoạn mục trong năm 2018, nhóm cổ phiếu dệt may đã đợt điều chỉnh trong tháng 3 nhưng đang có dấu hiệu trở lại một thời kỳ tăng giá với khá nhiều yếu tố hỗ trợ tích cực, từ nội tại cho tới những yếu tố bên ngoài.

Trong năm 2018, ngành dệt may Việt Nam ghi nhận những con số kỷ lục về xuất khẩu với doanh thu và lợi nhuận tăng mạnh. Tổng giá trị xuất khẩu dệt may và sơ sợi tăng 17% so với năm trước lên 36 tỷ USD. Tốc độ tăng tiếp tục được duy trì trong quý 1/2019.

Các doanh nghiệp dệt may niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán cũng chứng kiến doanh thu tăng mạnh và lợi nhuận tăng tới 28% so với năm trước đó, với những gương mặt điển hình như May Thành Công (TCM) và May Sông Hồng (MSH), Dệt may Phong Phú (PPH)...

Trong 2018, May Thành Công (TCM) ghi nhận doanh thu tăng 14% lên gần 3,7 ngàn tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế tăng 35% lên 260 tỷ đồng... với thị trường xuất khẩu chính là Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc...

TNG có thị trường xuất khẩu chính là EU và Mỹ và bán lẻ khá tốt ở thị trường nội địa.

{keywords}
Dệt may Việt Nam có thể hưởng lợi từ căng thẳng thương mại Mỹ-Trung.

Nhiều doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi với mức thuế suất 0% khi xuất khẩu sang các nước thành viên CTPPP (hiệu lực từ đầu 2019) nếu sở hữu chuỗi giá trị sản xuất từ sợi cho tới sản phẩm may mặt và đáp ứng được yêu cầu xuất xứ.

Triển vọng của ngành dệt may từ các hiệp định thương mại sẽ còn tươi sáng hơn nếu Mỹ tăng thuế lên toàn bộ các mặt hàng nhập từ Trung Quốc. Hiện Việt Nam là nhà xuất khẩu hàng dệt may lớn thứ 2 tại Mỹ với thị phần chiếm khoảng 13 tổng giá trị nhập khẩu của Mỹ, chỉ đứng sau Trung Quốc (chiếm khoảng 36%). 

Trong nhiều năm gần đây, thị phần của dệt may tại Mỹ liên tục tăng, trong khi Trung Quốc giảm xuống. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu vào thị trường Mỹ của Việt Nam cũng liên tục gia tăng ở mức cao và ổn định.

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung được cho là sẽ tạo cơ hội cho nhiều nước xuất khẩu dệt may trong đó có Việt Nam và Mexico. Trong đó, Việt Nam sẽ hưởng lợi nhiều hơn so chi phí nhân công vẫn còn thấp và năng suất ngày càng cao.

Bên cạnh đó, hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có thể cũng sẽ được thông qua trong năm 2019 và đây sẽ là một cơ hội lớn nữa cho các doanh nghiệp dệt may Việt Nam.

Một điều đáng chú ý là đa phần các doanh nghiệp dệt may đều có chỉ số giá/ thu trên mỗi cổ phiếu (P/E) hiện ở mức rất thấp, chỉ khoảng 7 lần. Đây là cơ sở để giá cổ phiếu có thể bứt phá nếu các doanh nghiệp có thêm thuận lợi từ hoạt động sản xuất kinh doanh và xuất khẩu.

Trong phiên cuối tuần qua, hàng loạt cổ phiếu dệt may đã tăng mạnh.

TTCK Việt Nam và thế giới hiện tại vẫn đang chờ đợi những tín hiệu từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ.- Trung. Trong tuần qua, tổng thổng Mỹ Donald Trump đã tăng thuế từ 10% lên 25% đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc và bắt đầu khởi động kế hoạch tiếp tục áp thuế lên 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc.

Ông Trump cũng đe dọa Trung Quốc nếu không nhanh chóng đàm phán sẽ đón nhận thỏa thuận tồi tệ hơn nhiều  trong trường hợp ông tái đắc cử năm 2020, điều mà ông chắc chắn sẽ trở thành hiện thực.

Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow cho biết có thể Tổng thống Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ gặp nhau tại hội nghị G20 tại Nhật Bản vào tháng 6 tới nhưng chưa xác nhận một kế hoạch cụ thể khi nào các nhà đàm phán Mỹ và Trung Quốc sẽ gặp lại nhau.

Trên thị trường chứng khoán (TTCK), đầu tuần mới, các thị trường châu Á đồng loạt giảm điểm từ 0,7%-3%, trong khi chỉ số chứng khoán hợp đồng tương lai Dow Jones cũng đã giảm 260 điểm.

Trên TTCK Việt Nam, thanh khoản tiếp tục suy yếu. Nhiều cổ phiếu blue-chips diễn biến tích cực nhưng cũng chỉ được 1-2 phiên. Chứng khoán trong nước chịu ảnh hưởng từ những diễn biến không thuận trên thế giới sau khi Mỹ và Trung căng thẳng về đàm phán thương mại.

Một số công ty chứng khoán (CTCK) tiếp tục có những cái nhìn thận trọng trong các dự báo.

Đánh giá về thị trường tuần tới, CTCK Vndirect chưa nhận thấy sự thay đổi đáng kể nào về xu hướng ngắn hạn của thị trường. Mức độ phức tạp của thị trường tăng lên khi có thêm nhiều biến cố ngẫu nhiên từ thị trường tài chính quốc tế có thể xoay chuyển bất ngờ chỉ sau một dòng tin tức về cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Vndirect cho rằng một đợt hồi phục ngắn có thể diễn ra chóng vánh; bấp bênh với tương quan rủi ro vẫn lớn hơn cơ hội.

CTCK Rồng Việt (VDSC) cho biết còn tương đối sớm để nói về một sự đảo chiều xu hướng, rủi ro "bulltrap" vẫn còn hiện hữu. Nhà đầu tư tiếp tục ưu tiên nắm giữ tiền mặt và việc giải ngân bắt đáy (nếu có) thì chỉ nên tiến hành ở mức độ hạn chế.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 10/5, VN-Index tăng 5,54 điểm lên 952,55 điểm; Hnx-Index tăng 0,6 điểm lên 105,86 điểm và Upcom-Index tăng 0,28 điểm lên 55,15 điểm. Thanh khoản đạt 160 triệu đơn vị, trị giá 3,3 ngàn tỷ đồng

H. Tú