Trong phiên giao dịch 16/12, cổ phiếu QCG của CTCP Quốc Cường Gia Lai tiếp tục tăng thêm 1,1% lên mức 7.250 đồng/cp. Như vậy, từ đầu tháng 11 tới tới, cổ phiếu này đã tăng thêm gần 30%.

Cổ phiếu QCG diễn biến tích cực bất chấp doanh nghiệp nhà ông Nguyễn Quốc Cường ghi nhận một quý III hoạt động khá yếu kém với lãi ròng tiếp tục giảm sâu 88% xuống chỉ còn hơn 4 tỷ đồng, so với quy mô vốn 2.750 tỷ đồng và tổng tài sản gần 10,5 nghìn tỷ đồng.

Mặc dù lợi nhuận giảm nhưng doanh nghiệp nhà ông Cường vẫn đầu tư trăm tỷ vào công ty liên kết.

Gần đây, doanh nghiệp nhà Cường “đô la” tiếp tục biến động mạnh. Bà Nguyễn Thị Như Loan thôi kiêm nhiệm chức danh chủ tịch (và chỉ còn nắm giữ chức tổng giám đốc) sau khi con trai rời công ty và phát triển các dự án riêng.

Bà Loan hiện là cổ đông lớn nhất khi nắm giữ gần 102 triệu cổ phiếu QCG tương đương 37,04% vốn tại QCG. Con gái bà Loan - Nguyễn Ngọc Huyền My đang nắm giữ gần 39,4 triệu cổ phiếu QCG (tương đương 14,32%); em gái bà Loan là Nguyễn Thị Ánh Nguyệt nắm giữ gần 9,7 triệu cổ phiếu QCG (3,52%). Ông Nguyễn Quốc Cường (con trai bà Loan) nắm giữ 537.500 cổ phiếu QCG (0,2%).

Trước đó, hồi tháng 11/2018 ông Nguyễn Quốc Cường đã rút khỏi tất cả các vị trí tại QCG. Ông Cường rút khỏi vị trí Phó Tổng Giám đốc, thành viên HĐQT của QCG chỉ 1 ngày sau khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương ban hành thông cáo báo chí kỳ họp 31, trong đó có nội dung kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với ông Tất Thành Cang, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ TP.HCM.

Ở vào thời điểm đó, QCG gặp nhiều rắc rối, trong đó có vụ mua bán đất vàng giá bèo có liên quan tới ông Tất Thành Cang.

Cụ thể, Công ty Tân Thuận là doanh nghiệp 100% vốn thuộc Văn phòng Thành ủy TP.HCM đã bán chỉ định hơn 30ha đất đã đền bù tại Khu dân cư Phước Kiển (xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè) cho CTCP Quốc Cường Gia Lai (QCG) với giá 1,29 triệu đồng/m2 hồi tháng 6/2017.

Tuy nhiên, vụ mua bán đất vàng giá bèo đã không trôi. Thành ủy TP.HCM sau đó có văn bản yêu cầu hủy hợp đồng chuyển nhượng giữa Tân Thuận và QCG. Theo đó, việc ký chuyển nhượng này không báo cáo cho tập thể Thường trực và tập thể Ban Thường vụ Thành ủy, không đúng quy chế quản lý, sử dụng tài sản công. Hơn thế, giá chuyển nhượng chưa đảm bảo giá trị ngang giá thị trường tại thời điểm chuyển nhượng. QCG của nhà ông Nguyễn Quôc Cường sau đó đã trả lại lô đất đã mua.

{keywords}
Cổ phiếu doanh nghiệp nhà Cường đô la vẫn thu hút sự quan tâm của thị trường.

Vào tháng 12/2018, Hội nghị Trung ương 9, khóa XII đã thông qua việc kỷ luật ông Tất Thành Cang bằng hình thức cách chức Ủy viên Trung ương Đảng khóa XII, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM nhiệm kỳ 2015-2020 vì đã có những khuyết điểm, vi phạm rất nghiêm trọng.

Trong một diễn biến mới  nhất, hôm 16/12 Viện Kiểm sát nhân dân TP. HCM đã phê chuẩn Quyết định khởi tố bị can đối với ông Tất Thành Cang, cựu Phó Bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM để điều tra về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí”.

Trong vài năm gần đây, QCG gặp rất nhiều khó khăn vì vốn đọng trong các dự án bị đình trệ.

Trong 10 năm kể từ ngày lên sàn, cổ phiếu QCG liên tục biến động mạnh, nhiều lần tăng giảm 5-7 lần khiến nhiều nhà đầu tư chóng mặt, không thể đoán định triển vọng thực sự của doanh nghiệp này là như thế nào sau những thông tin ngược chiều từ ban lãnh đạo doanh nghiệp.

Trong khi Quốc Cường Gia Lai chìm ngập trong khó khăn, kinh doanh bết bát, oằn mình trả nợ, ông Cương “đô la” vẫn nổi đình đám với hotgirl và siêu xe. Sau Hà Hồ, Hạ Vi, Cường đô la đã cưới và có con với Đàm Thu Trang. Gần đây, Cường đô la đã tuyên bố rút khỏi Hành trình siêu xe CarPassion sau 10 năm thành lập và tham gia.

Sau hơn 2 năm tách ra khỏi Quốc Cường Gia Lai, doanh nhân Nguyễn Quốc Cường đổi tên công ty riêng thành C-Holdings. Chánh Nghĩa Quốc Cường (nay là C-Holdings) được thành lập ngày 25/9/2018; trước khoảng thời gian mà ông Nguyễn Quốc Cường từ nhiệm tại CTCP Quốc Cường Gia Lai (QCG) khoảng 2 tháng.

Trên thị trường chứng khoán (TTCK), đầu giờ sáng 17/12, chỉ số VN-Index giảm xuống ngưỡng 1.060 điểm.

Theo SHS, VN-Index có thể sẽ rung lắc và giằng co trước áp lực chốt lời với vùng kháng cự trong khoảng 1.070- 1.080 điểm (đỉnh tháng 5/2018) và ngưỡng hỗ trợ gần nhất quanh 1.045 điểm (đỉnh tháng 6/2018). Nhà đầu tư có tỷ trọng cổ phiếu cao có thể tiếp tục tận dụng những nhịp tăng điểm trong phiên để hạ tỷ trọng cổ phiếu. Nhà đầu tư có tỷ trọng tiền mặt cao hạn chế mua đuổi và có thể canh những nhịp điều chỉnh về quanh ngưỡng 1.045 điểm (nếu có) để giải ngân thăm dò.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 16/12, VN-Index tăng 11,72 điểm lên 1.066,99 điểm; HNX-Index tăng 3,75 điểm lên 171,62 điểm. Upcom-Index tăng 0,64 điểm lên 70,25 điểm. Thanh khoản đạt 13,3 nghìn tỷ đồng.

V. Hà