Ngân hàng quốc tế (VIB) vừa công bố lợi nhuận trước thuế hợp nhất cả năm 2019 đạt 4.082 tỷ đồng, tăng trưởng 49%. ROE đạt mức 27,1% đứng trong nhóm dẫn đầu thị trường về hiệu quả sinh lời.

Tổng doanh của ngân hàng đạt 8.114 tỷ đồng, tăng 33% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu dịch vụ tăng gấp 2,4 lần, chiếm tỷ trọng 22% tổng doanh thu. Chi phí hoạt động đạt 3.428 tỷ đồng, tỷ lệ chi phí hoạt động trên doanh thu đạt mức 42%. Chi phí dự phòng 605 tỷ, giảm 7% nhờ tỷ lệ nợ xấu giảm và không còn nợ VAMC.

Tại ngày 31/12/2019, tổng tài sản của ngân hàng đạt gần 185 nghìn tỷ đồng. Dư nợ tín dụng đạt 133 nghìn tỷ đồng, tổng huy động vốn từ tiền gửi khách hàng và giấy tờ có giá đạt 140 nghìn tỷ đồng. Về chất lượng tài sản, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng giảm từ 2,2% đầu năm xuống còn 1,7% và không có nợ VAMC. Cuối tháng 12/2019, VIB đã trở thành ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam công bố hoàn thành cả 3 trụ cột Basel II, sớm hơn 1 năm so với quy định của NHNN. 

Trước đó, Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) cũng đã báo lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt hơn 1.390 tỷ đồng, tăng hơn 123% so với năm 2018. Đây là mức tăng trưởng cao nhất từ trước tới nay của ngân hàng. Tỷ lệ ROE là 12,03%.

Lợi nhuận trước thuế năm 2019 của Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) đạt 3.900 tỷ đồng, tăng 71% so với năm 2018 và vượt 22% kế hoạch năm. Tổng tài sản đạt gần 165 nghìn tỷ đồng. Tổng huy động vốn đạt trên 147 nghìn tỷ đồng, tăng 24% so với năm 2018.

Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) cũng vừa công bố báo cáo tài chính quý IV/2019 với lợi nhuận trước thuế cả năm 2019 đạt trên 2.000 tỷ đồng, tăng 68% so với năm trước đó. Tỷ lệ nợ xấu tính cả tại VAMC ở mức thấp, chỉ 1,57%.

Như vậy, sau vài năm tái cấu trúc, hệ thống ngân hàng Việt Nam đã có sự khởi sắc rõ ràng, nợ xấu giảm, lợi nhuận tăng mạnh và tỷ lệ an toàn tăng cao. Nhiều ngân hàng bứt phá mạnh mẽ và lọt nhóm có lợi nhuận ngàn tỷ. Đây là những nhân tố báo hiệu 1 thấp kỷ sôi động mới của giới ngân hàng.

Một điểm chung của các ngân hàng này là nguồn thu đa dạng hơn, nợ xấu thấp và độ an toàn cao hơn nhiều so với trước đây.

{keywords}
Hoạt động của ngân hàng đa dạng hơn.

VIB là ngân hàng có tốc độ tăng trưởng bán lẻ cao và chất lượng. Dự nợ cho vay khách hàng cá nhân và doanh nghiệp siêu nhỏ tại 31/12 đạt gần 110 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 46% so với đầu năm, chiếm 82% tổng dư nợ toàn hàng. VIB là Ngân hàng số 1 về thị phần cho vay mua ô tô tại Việt Nam trong 3 năm qua. Năm 2019, VIB vươn lên đứng số 1 về doanh số bảo hiểm Bancasurance trên toàn quốc.

SeABank trong khi đó cũng là ngân hàng đã "sạch" nợ tại VAMC, hoàn thành xong việc mua lại trước hạn toàn bộ trái phiếu đặc biệt tại VAMC. SeABank trở thành ngân hàng thứ 11 trong hệ thống "sạch" nợ tại VAMC sau Vietcombank, VIB, TPBank, Nam A Bank, MB, Techcombank, OCB, VPBank, Kienlongbank và Agribank.

Với LienVietPostBank, tỷ lệ nợ xấu nội bảng ở mức 1,44%. Nếu tính cả ngoại bảng tại VAMC thì tỷ lệ nợ xấu cũng chỉ 1,57%. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu (cả nợ chưa dự phòng tại VAMC) là 78%, cải thiện đáng kể so với mức 67% của năm 2018.

Trên thị trường chứng khoán (TTCK), 21/1 chỉ số VN-Index tăng nhẹ. Giao dịch ảm đạm do các nhà đầu tư hạn chế mua bán trước kỳ nghỉ tết dài. Nhiều cổ phiếu ngân hàng diễn biến tích cực.

Một số công ty chứng khoán (CTCK) có những cái nhìn thận trọng.

Theo BVSC, sau khi vượt qua vùng kháng cự quanh trọng 969-972 điểm, VN-Index được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng điểm và hướng đến thử thách vùng kháng cự gần 985-990 điểm trong ngắn hạn. Xu thế trung hạn của thị trường cũng đang có sự chuyển biến theo hướng tích cực hơn sau khi vùng quanh 972 điểm bị phá vỡ. Mặc dù vậy, BVSC vẫn phải lưu ý rằng, thị trường có thể xuất hiện các nhịp rung lắc, điều chỉnh đan xen trong quá trình đi lên.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 20/1, VN-Index giảm 0,33 điểm xuống 978,63 điểm; HNX-Index tăng 0,75 điểm lên 104,64 điểm. Upcom-Index tăng 0,07 điểm lên 55,49 điểm. Thanh khoản toàn thị trường đạt 4,3 ngàn tỷ đồng.

V. Hà