Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Dầu Khí Toàn Cầu (GPBank) vừa công khai đăng thông báo tìm đối tác để tái cơ cấu.  Theo thông báo, thực hiện chỉ đạo của NHNN, GPBank đang có nhu cầu tìm kiếm các nhà đầu tư có năng lực, đáp ứng các điều kiện theo quy định tại Luật Các Tổ chức tín dụng và pháp luật khác có liên quan tham gia cơ cấu lại GPBank.

Theo đó, các nhà đầu tư có đủ năng lực, kinh nghiệm có nhu cầu quan tâm tham gia tái cơ cấu GPBank sẽ nộp Phương án cơ cấu chậm nhất vào 16h00 ngày 16/12/2019 tại trụ sở GPBank (Tòa nhà Capital Tower, Tầng 19, số 109 phố Trần Hưng Đạo, Phường Cửa Nam, Quận Hoàn Kiếm, Thành phố Hà Nội); hoặc Ban Kiểm soát đặc biệt GPBank (số 49 Lý Thái Tổ, phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội).

Như vậy, đây là động thái mới nhất của GPBank trong việc kiếm đối tác, đàm phán với các nhà đầu tư trong và ngoài nước có nguyện vọng tham gia phương án cơ cấu ngân hàng này theo chỉ đạo của NHNN.

{keywords}
GPBank tìm đối tác.

GPBank là một trong 3 ngân hàng bị mua lại 0 đồng và chuyển đổi thành ngân hàng do Nhà nước sở hữu 100% từ năm 2015. NHNN sau đó đã cử các cán bộ của Vietinbank sang tham gia quản trị, điều hành ngân hàng GPBank.

Mặc dù hoạt động huy động vốn và dư nợ cho vay, phát triển khách hàng mới tại ngân hàng đã ổn định trở lại, nhưng GPBnak vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn với khối nợ xấu khổng lồ và tốc độ thu hồi chậm chạp.

Theo Báo cáo kiểm toán các tổ chức tài chính ngân hàng của Kiểm toán nhà nước (KTNN) năm 2017, thực trạng tài chính của GPBank không được cải thiện, hoạt động kinh doanh tiếp tục thua lỗ lớn, việc thu hồi nợ xấu khó khăn.

Theo KTNN, tính tới cuối 2016, GPBank âm vốn chủ sở hữu gần 10,4 ngàn tỷ đồng (gần 500 triệu USD), cao hơn hàng trăm tỷ đồng so với thời điểm mua bắt buộc (07/7/2015) do thua lỗ thêm. Nợ xấu của GPBank còn rất lớn, tới 2,8 ngàn tỷ đồng, chiếm 59,32% dư nợ.

Cũng theo KTNN, trong năm 2016 GPBank thu hồi 307 tỷ đồng nợ xấu, đạt 14,99% kế hoạch; ước tính chỉ có thể thu hồi 866 tỷ đồng nợ xấu, chiếm 31,53% tổng nợ xấu. KTNN cũng cho biết, GPBank có 3.420 tỷ đồng phát sinh trước năm 2012, trong đó 2.982 tỷ đồng liên quan đến nguyên chủ tịch, phó chủ tịch HĐQT Tạ Bá Long và Đoàn Văn An (Cơ quan cảnh sát điều tra - Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam); tạm ứng 362 tỷ đồng mua bất động sản nhưng bị tranh chấp pháp lý, chưa hoàn thiện thủ tục chuyển nhượng…

{keywords}
Báo cáo của KTNN.

Trước đó, hồi năm 2014, đã từng có thông tin GPBank sẽ được đối tác nước ngoài mua 100%. Tuy nhiên, cho đến nay việc mua bán này đã không được thực hiện.

Tình hình tài chính của GPBank được cho là có thể bớt u ám hơn sau phiên đấu giá hôm 27/4/2018 ngân hàng này bán thành công toàn bộ hơn 1,87 triệu cổ phần (26,9% vốn điều lệ) tại công ty có đất vàng khách sạn Kim Liên và thu về 570 tỷ đồng.

Trên thị trường chứng khoán (TTCK), trong phiên giao dịch 21/11 chỉ số VN-Index tiếp tục giảm và đánh mất mốc 1.000 điểm. Một số cổ phiếu blue-chips giảm điểm như Vinamilk, Vietcombank, Techcombank, Vingroup, Thế Giới Di Động…

Áp lực bán ra tăng cao trong bối cảnh giới đầu tư lo ngại về kết quả cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung sau khi tổng thống Donald Trump tuyên bố cứng rắn sẽ tăng thuế với Trung Quốc nếu không đạt được thoả thuận và Thượng viện Mỹ thông qua dự luật về Hong Kong.

{keywords}
Nhiều ngân hàng vẫn đối mặt với khó khăn.

Một số công ty chứng khoán (CTCK) có những cái nhìn khá thận trọng.

Theo BVSC, VN-Index đang chịu áp lực giảm điểm và nhiều khả năng sẽ kiểm định vùng hỗ trợ 993- 1.000 điểm. Đây là vùng hỗ trợ được BVSC kỳ vọng sẽ giúp thị trường hồi phục tăng điểm trở lại.

Tuy vậy, BVSC cũng lưu ý rằng, xung lực giảm điểm của chỉ số đang khá lớn nên kể cả trong kịch bản hồi phục, thị trường cũng có thể sẽ phải cần thêm thời gian tích lũy trước khi phát đi tín hiệu hồi phục rõ nét hơn trong ngắn hạn.

Về tổng thể, BVSC vẫn kỳ vọng thị trường sẽ sớm kết thúc nhịp điều chỉnh tại vùng hỗ trợ 993-1.000 điểm để quay lại xu hướng tăng điểm trong giai đoạn cuối năm. Hôm nay 21/11 là ngày đáo hạn hợp đồng tương lai tháng 11 nên các cổ phiếu trong rổ VN30 có thể sẽ có biến động mạnh. Dù vậy, các cổ phiếu này cùng các nhóm ngành khác như ngân hàng, bất động sản, khu công nghiệp… vẫn được xem là cơ hội mua cho các nhà đầu tư trong nhịp điều chỉnh hiện tại.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 20/11, VN-Index tăng 7,79 điểm xuống 1.000,56 điểm; HNX-Index giảm 0,58 điểm xuống 104,91 điểm. Upcom-Index giảm 0,14 điểm xuống 56,88 điểm. Thanh khoản toàn thị trường đạt 230 triệu đơn vị, trị giá 4,8 ngàn tỷ đồng.

V. Hà