CTCP Đầu tư Thế giới Di động (MWG) của ông Nguyễn Đức Tài vừa công bố kết quả kinh doanh tháng 1/2020 với doanh thu thuần hợp nhất đạt 12,56 ngàn tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2019, hoàn thành 10% kế hoạch năm (122,445 ngàn tỷ đồng).

Lợi nhuận sau thuế trong tháng 1/2020 tăng 22% lên 553 tỷ đồng và hoàn thành 11% kế hoạch năm (4.835 tỷ đồng).

Tính theo ngành, tăng trưởng bán điện thoại đạt trên 10%, mức tăng theo tháng cao nhất kể từ đầu 2019 đến nay. Nhóm sản phẩm điện tử cũng tăng trên 10%, nhóm điện lạnh - gia dụng tăng trên 20% và máy tính xách tay tăng trên 30%... Doanh thu chuỗi Bách Hoá Xanh cũng tăng 20% so với cùng kỳ. Nhìn chung, tốc độ tăng khá tốt và đây là khoảng thời gian chưa có dấu hiệu bị ảnh hưởng bởi dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19. MWG của ông Nguyễn Đức Tài chưa có ý định điều chỉnh kế hoạch năm 2020.

Đại diện MWG cũng cho biết, doanh nghiệp này không gặp vấn đề lớn về nguồn cung do dịch Covid-19. MWG có chính sách tồn kho khoảng 2-3 tháng cho các mặt hàng tại TGDĐ và khoảng 3-4 tháng cho hệ thống ĐMX.  

{keywords}
Nhiều hãng hàng không Việt gặp khó do dịch Covid-19.

Bên cạnh đó, công ty đã có nhiều kế hoạch khác nhau có thể phát sinh và chuận bị các phương án để ứng phó với tình hình. Dù vậy, nếu tình hình dịch bệnh vẫn kéo dài hơn dự kiến thì có khả năng thiếu hụt về nguồn hàng và doanh nghiệp có thể tác động ít nhiều.

CTCP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) của bà Cao Thị Ngọc Dung cũng vừa công bố báo cáo hoạt động tháng 1/2020 với doanh thu thuần đạt 1.668 tỷ đồng, tăng nhẹ 0,6% và lợi nhuận sau thuế 167 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ năm trước, bất chấp tháng 1 trùng kỳ nghỉ Tết và mất 5 ngày kinh doanh.

Trong kỳ này, biên lãi gộp của PNJ đạt mức cao kỷ lục từ trước tới nay: 23,4%, tăng mạnh so với mức 22% của cùng kỳ năm ngoái và 20,4% của cả năm 2019.

Tuy nhiên, doanh thu kênh sỉ giảm 32% so với cùng kỳ do kỳ nghỉ của khách hàng châu Âu liền kề với kỳ nghỉ tết, giá vàng cao kỷ lục và tình hình dịch Corona diễn biến phức tạp dẫn đến nhu cầu mua sắm xa xỉ phẩm giảm, ảnh hưởng đến đầu ra của khách hàng sỉ.

Trái ngược với MWG và PNJ, nhiều doanh nghiệp khác đã chứng kiến tác động tiêu cực mạnh từ dịch Covid-19.

Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) ước tính ảnh hưởng đến từ dịch bệnh do virus corona gây ra có thể khiến tổng sản lượng vận chuyển hành khách thông qua toàn mạng cảng ước giảm 35 triệu lượt khách trong năm 2020. Điều này có thể khiến cho lợi nhuận từ hoạt động sản xuất kinh doanh của ACV chỉ đạt 1.700 tỷ đồng, giảm hơn 6.000 tỷ đồng so với kế hoạch năm.

Giá cổ phiếu ACV giảm khá mạnh trong 1 tháng qua, từ mức 70.000 đồng/cp xuống còn 60.000 đồng/cp.

ACV kiến nghị Tổ công tác trình Chính phủ, Thủ tướng xem xét, tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế chính sách, nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư, đặc biệt với hai dự án cải tạo, nâng cấp hệ thống đường băng tại Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và Nội Bài để có thể đáp ứng nhu cầu hoạt động khai thác khi thị trường hồi phục trở lại và an toàn hoạt động bay.

Nhiều hãng hàng không Việt cũng lao đao và chứng kiến giá cổ phiếu giảm mạnh.

Vietnam Airlines ước tính mất hàng trăm tỷ doanh thu mỗi tuần và đã rao cho thuê lại tàu bay từ tháng 4 trong bối cảnh dịch cúm do virus Covid-19 vẫn diễn biến căng thẳng, hoạt động hàng không, du lịch chịu ảnh hưởng nặng nề.

Ước tính sơ bộ, thiệt hại ban đầu của việc dừng các đường bay đến Trung Quốc là hơn 10 ngàn tỷ đồng do các hãng hàng không Việt Nam đồng loạt ngừng bay từ đầu tháng 2.

Cổ phiếu VJC của VietJet cũng giảm mạnh trong vòng 1 tháng qua, từ mức gần 150 ngàn đồng/cp xuống dưới 130 ngàn đồng/cp như hiện tại.

Theo Cục Hàng không Việt Nam, sản lượng khách quốc tế thông qua các cảng hàng không trong tháng 2/2020 giảm gần 40% so với cùng kỳ, chỉ còn 870 ngàn khách do ảnh hưởng trực tiếp của dịch Covid-19.

Kịch bản tốt nhất nếu hết dịch trong tháng 4, thì ước tính lượng khách qua cảng trong năm 2020 vẫn có tăng trưởng nhẹ. Trong trường hợp xấu nhất nếu tới tháng 8 mới hết dịch thì lượng khách sẽ giảm 15,5% còn 98,5 triệu khách.

Trên thị trường chứng khoán (TTCK), áp lực bán ra vẫn còn và nhiều cổ phiếu trụ cột trên sàn vẫn diễn biến khó lường.

Nhiều cổ phiếu ngân hàng vẫn diễn biến khá tích cực sau thông tin tốt 2019 và khả năng lọt mắt xanh của các NĐT châu Âu sau hiệp định EVTFA.

Một số công ty chứng khoán (CTCK) có những cái nhìn thận trọng.

Theo CTCK Bảo Việt (BVS), trong tuần mới dự báo thị trường sẽ điều chỉnh vào đầu tuần trước khi hồi phục trở lại về cuối tuần. Về tổng thể, VN-Index vẫn sẽ dao động trong kênh giá đi ngang được giới hạn bởi cận dưới 920-925 điểm và cận trên 940-943 điểm trong ngắn hạn.

BVS cho rằng chỉ số có thể cần thêm thời gian tích lũy trước khi bứt phá qua cận trên của kênh giá này và bước vào nhịp tăng điểm mới trong ngắn hạn. Điểm tiêu cực hiện tại vẫn là áp lực bán ròng của khối ngoại chưa có dấu hiệu dừng lại. Thêm vào đó, trong tuần 24-28/2, thị trường chung và nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn có thể sẽ bị biến động mạnh về cuối tuần do hoạt động tái cơ cấu danh mục của các quỹ đầu tư theo các bộ chỉ số của MSCI Frontier Market.

Còn theo TVSI, rủi ro giảm sâu của thị trường chứng khoán vẫn chưa quá lớn. Dao động giằng co dự báo sẽ tiếp tục duy trì trong những phiên tới kể từ 24/02.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 21/2, VN-Index giảm 5,04 điểm xuống 933,09 điểm; HNX-Index giảm 1,49 điểm xuống 108,09 điểm. Upcom-Index giảm 0,05 điểm xuống 56,3 điểm. Thanh khoản toàn thị trường đạt hơn 4,5 ngàn tỷ đồng.

V. Hà