Sáng 26/2, cổ phiếu RIC của Công ty cổ phần Quốc tế Hoàng Gia tăng trần phiên thứ 30 liên tiếp, mỗi phiên tăng thêm khoảng 7%. Như vậy, chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, kể từ đầu 2021 tới nay, RIC đã tăng khoảng 7 lần từ mức 5.000 đồng/cp lên 35.300 đồng/cp.

Đây là một diễn biến khó tưởng tượng vì doanh nghiệp này làm ăn thua lỗ trong năm 2020 vừa qua và thị trường chứng khoán Việt Nam gần đây phải trải qua nhiều phiên điều chỉnh giảm mạnh, có những phiên mất tới 6-7%.

Trong năm 2020, RIC lỗ ròng gần 82 tỷ đồng, cao hơn so với khoản lỗ 73 tỷ đồng trong 2019. Trong lịch sử, doanh nghiệp này từng có những năm thua lỗ cả trăm tỷ đồng.

RIC là chủ khách sạn 5 sao Royal Hạ Long, đồng thời là đơn vị vận hành casino duy nhất tại Quảng Ninh. Tuy nhiên, doanh nghiệp này liên tục báo lỗ và gặp nhiều khó khăn trong 2020 vì đại dịch Covid.

{keywords}
Thị trường chứng khoán thế giới và Việt Nam diễn biến khó lường.

Trước đó, trong tháng 1, cổ phiếu SPH của Xuất nhập khẩu Thủy sản Hà Nội cũng ghi nhận mức tăng gần 4,5 lần từ mức 5.200 đồng/cp lên 23.200 đồng/cp cho dù doanh nghiệp này cũng không ghi nhận thông tin gì nổi bật, ngoài thông tin trả cổ tức 800 đồng/cp khá bình thường.

Cổ phiếu SGT của Sài Gòn Telecom cũng tăng gấp 3 lần trong khoảng hơn 1 tháng cho dù làm ăn lẹt đẹt, thua lỗ trong quý IV/2020.

QCG của CTCP Quốc Cường Gia Lai là một cổ phiếu biến động rất mạnh theo những thông tin bất ngờ của doanh nghiệp này. Hồi đầu 2017, QCG từng tăng khoảng 7 lần trong vòng khoảng 1 tháng rồi tụt giảm sâu. Đầu 2020, QCG cũng tăng khoảng 2,5 lần nhưng cũng nhanh chóng giảm mạnh sau đó.

Đầu 2021, QCG của nhà ông Nguyễn Quốc Cường (Cường “đôla”) diễn biến tiêu cực, trái ngược với sự bứt phá mạnh mẽ của đa số cổ phiếu trên TTCK hồi đầu năm. QCG diễn biến tiêu cực gắn liền với những cú lỗ, sự rút lui của các nhân vật chủ chốt và gần đây là vụ kiện tụng liên quan tới một đối tác liên quan tới một dự án bất động sản quan trọng.

Trong năm 2020, nhiều cổ phiếu tăng vài ba lần, thậm chí hơn 10 lần, giúp không ít nhà đầu tư chứng khoán bội thu trong một năm Covid khó khăn. Cuối 2020, bất chấp thị trường điều chỉnh giảm nhẹ sau khi lần đầu tiền trong vòng hơn năm bứt phá lên ngưỡng 1.100 điểm, nhóm cổ phiếu của ông Trịnh Văn Quyết tiếp tục tăng khá mạnh cho dù trong đó có những mã đã tăng vài ba, thậm chí trên 10 lần trong một năm vừa qua.

Trên thị trường, giới đầu tư cũng chứng kiến nhiều mã tăng mạnh trong năm 2020 như cổ phiếu mới lên sàn THD của Công ty Cổ phần Thaiholdings của đại gia Ninh Bình Nguyễn Đức Thụy (Bầu Thụy). Cổ phiếu THD đã tăng gấp hơn 5 lần sau khoảng 6 tháng lên sàn.

VIX của Công ty Cổ phần Chứng khoán VIX cũng là cổ phiếu tăng mạnh trong năm 2020 với mức tăng khoảng 6 lần. VCI của Công ty Cổ phần Chứng khoán Bản Việt của bà Nguyễn Thanh Phượng tăng 4,2 lần, từ vùng đáy 13.000 đồng/cp hồi cuối tháng 3 lên mức 55.000 đồng/cp cuối 2020.

Trên thị trường chứng khoán (TTCK), VN-Index tiếp tục giảm và đã về ngưỡng 1.160 điểm.

Theo MBS, thị trường chốt phiên giảm điểm cùng xu hướng so với thị trường quốc tế, quán tính này tiếp tục được thể hiện trong phiên giảm hôm qua, đã có thời điểm VN-Index bị ép xuống dưới ngưỡng 1.154 điểm (tương đương giảm hơn 20 điểm), tuy vậy lực cầu bắt đáy đã kéo thị trường hồi phục và thu hẹp mức giảm còn hơn 15 điểm.

Xét về mặt dòng tiền thì nhịp hồi cuối phiên và việc thị trường có thể hấp thụ lớn hơn lượng hàng T+ về tài khoản là mặt tích cực. Rủi ro lúc này là ở thị trường quốc tế trong bối cảnh thị trường trong nước đang duy trì chuỗi tăng kéo dài. Việc thị trường có điều chỉnh cũng là điều dễ hiểu sau chuỗi tăng vừa qua và nếu tiếp tục duy trì được mức tương quan thấp so với thị trường quốc tế trong 4 tuần vừa qua, tác động từ thị trường quốc tế là không đáng ngại.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 25/2, VN-Index tăng 3,42 điểm lên 1.165,43 điểm; HNX-Index tăng 8,31 điểm lên 246,2 điểm. Upcom-Index tăng 0,26 điểm lên 76,48 điểm. Thanh khoản toàn thị trường đạt 15,7 nghìn tỷ đồng.

V. Hà