Có nguồn lực tài chính khổng lồ, hàng loạt các ngân hàng dễ dàng nắm được các cơ hội ở vào thời điểm nền kinh tế Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ. Đây là lý do khiến dòng tiền ồ ạt đổ vào các cổ phiếu ngân hàng trong thời gian vừa qua.

Theo Sở GDCK Hà Nội (HNX), Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam - Vietcombank (VCB) đã bán xong 7,6 triệu cổ phiếu HVN của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam - CTCP (Vietnam Airlines) trong khoảng thời gian từ 25/1-8/2/2018. Sau giao dịch, Vietcombank còn sở hữu 14,8 triệu cổ phiếu HVN tương đương 1,21%.

Ở vào khoảng thời điểm này, giá cổ phiếu Vietnam Airlines dao động trong khoảng 50.000-70.000 đồng/cp, cao hơn rất nhiều so với mức 22.300 đồng Vietcombank mua HVN từ ngày đấu giá cổ phần lần đầu (IPO).

Giả sử nếu Vietcombank bán được ở mức giá bình quân 60.000 đồng/cp, ngân hàng này thu về khoản lãi 360 tỷ đồng, tương đương với khoản lãi trong cả năm của một doanh nghiệp thuộc top khá trên thị trường chứng khoán (TTCK)

{keywords}
 

Trước đó, không ít người đã tiếc nuối vì đã “thờ ơ” với phiên IPO của Vietnam Airlines. Cổ phiếu này đã tăng kịch trần ngay ngày chào sàn hồi đầu năm 2017. Cả 2 ngân hàng Vietcombank và Techcombank đều đã thắng lớn ngay sau khi HVN chào sàn với mức giá phiên đầu tiên đạt 39.200 đồng/cp.

Trong phiên IPO HVN hồi 2014, hai ngân hàng này đã đứng ra mua tới 99% tổng khối lượng chào bán, tương ứng với số lượng mua vào là 22,4 triệu và 25,58 triệu cổ phiếu.

Tổng cộng cả 2 ngân hàng khi đó chi ra 1.070 tỷ đồng để mua cổ phần HVN. Vừa qua, Vietcombank mới bán 7,6 triệu cổ phiếu (tương đương khoảng 30% số cổ phiếu mua) thì đã thu về toàn bộ số tiền đã bỏ ra.

Trong phiên giao dịch 26/2, cổ phiếu HVN tăng nhẹ lên mức 52.800 đồng/cp. Nhóm cổ phiếu ngân hàng tiếp tục sôi động.

Trong năm 2017 vừa qua, hàng loạt ngân hàng có lợi nhuận vượt xa kỳ vọng, báo lợi nhuận cao chót vót. Ba ngân hàng có vốn nhà nước chi phối là Vietcombank, Vietinbank, BIDV tiếp tục dẫn đầu trong bảng xếp hạng với lợi nhuận trước thuế lần lượt là 11,3 ngàn tỷ đồng, 9,2 ngàn tỷ đồng và 8,8 ngàn tỷ đồng.

Trong năm vừa qua, ngân hàng lãi đậm vẫn phần lớn đến từ nguồn tín dụng với tỷ lệ thu nhập lãi cận biên (Net Interest Margin - NIM), phần chênh lệch giữa thu nhập lãi và chi phí lãi phải trả của ngân hàng, tăng khá mạnh nhờ giảm được chi phí, nợ xấu giảm…

Hoạt động cho vay tiêu dùng thông qua các công ty tài chính với lãi suất cho vay rất cao, thậm chí ở mức cắt cổ, cũng góp phần giúp các ngân hàng lãi lớn. Bên cạnh đó, thu nhập từ hoạt động phi tín dụng cũng tăng lên như: dịch vụ, kinh doanh ngoại hối và mua bán chứng khoán như trường hợp Vietcombank nói trên.

Trên TTCK nói chung, các cổ phiếu ngân hàng cùng với một số cổ phiếu trụ cột đầu ngành khác như Vinamilk, Vingroup, Petrolimex, FPT,... tiếp tục diễn biến tích cực và là động lực chính kéo thị trường đi lên.

Với những diễn biến tích cực như hiện tại và chu kỳ tăng giá thường thấy vào thời điểm các doanh nghiệp niêm yết tổ chức đại hội cổ đông hàng năm vào tháng 3-4, nhiều khả năng chỉ số VN-Index sẽ vượt đỉnh cao lịch sử 1.170 điểm hồi năm 2007.

Trước đó, kết thúc phiên giao dịch 26/2, VN-index tăng 11,68 điểm lên 1.114,53 điểm; HNX-Index giảm 0,06 điểm xuống 126,18 điểm. Upcom-Index tăng 0,18 điểm lên 59,74 điểm. Thanh khoản đạt 320 triệu cổ phần được giao dịch. Giá trị đạt 9.000 tỷ đồng, cao hơn so với mức trung bình những tuần sôi động gần 4,8 ngàn tỷ đồng hồi tháng 6-7.

V. Hà