Tháo chạy dây chuyền

Thị trường chứng khoán (TTCK) Mỹ vừa trải qua một phiên giảm điểm tồi tệ chưa từng có trong năm 2019 và cũng là phiên giảm điểm ngang ngửa với phiên tồi tệ nhất hồi tháng 8/2015 sau cú sốc tiền tệ do Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ.

Kết thúc phiên giao dịch 14/8 (rạng sáng 15/8 giờ Việt Nam), chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm hơn 800 điểm xuống sâu dưới ngưỡng 25,5 ngàn điểm; chỉ số công nghệ Nasdaq giảm trên 3%, trong khi chỉ số tầm rộng S&P 500 cũng giảm ở mức tương tự.

Như vậy, chỉ sau một vài phiên giao dịch chao đảo trong tháng 8/2019, TTCK Mỹ đã đánh mất toàn bộ các kỷ lục lịch sử đã thiết lập nhờ những thành quả về kinh tế như: tăng trưởng ở mức cao, thất nghiệp thấp nhất 50 năm... nhờ những chính sách cắt giảm thuế của chính quyền ông Donald Trump.

{keywords}
Chứng khoán Mỹ tụt giảm sau tín hiệu đáng sợ.

Cú giảm giá sốc của chứng khoán Mỹ diễn ra trong bối cảnh làn sóng bán tháo lên chưa từng có trong năm 2019 sau khi thị trường thế giới chứng kiến hàng loạt những bất ổn về địa chính trị cũng như triển vọng kinh tế thế giới kém sáng sủa. 

Làn sóng này được kích hoạt ngay sau khi TTCK đón nhận một tín hiệu đáng sợ: hiện tượng đường cong lợi suất trái phiếu Mỹ đã bị đảo ngược, lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm đã thấp hơn mức lợi suất kỳ hạn 2 năm - một chỉ có độ chính xác cao về sự suy thoái kinh tế. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 30 năm cũng xuống mức thấp kỷ lục vào đêm qua.

Không chỉ ở Mỹ, lợi tức trái phiếu nhiều chính phủ trên thế giới tiếp tục giảm xuống.

Trong lịch sử, gần như tất cả các lần đường cong lợi suất trái phiếu Mỹ bị đảo ngược sau đó đều có suy thoái kinh tế.

Sở dĩ hiện tượng này xảy ra là bởi dòng tiền trên thế giới đồng thoát tháo chạy khỏi các loại tài sản rủi ro, trong đó có chứng khoán của các nước, và tìm đến các kênh đầu tư an toàn trong đó có vàng, đồng USD, đồng yen Nhật, Franc Thụy Sỹ, trái phiếu một số nước trong đó có Mỹ…

Trước đó, Trung Quốc và Đức đồng loạt công bố các số liệu kinh tế yếu kém, trong khi căng thẳng Mỹ-Trung cũng như bất ổn tại Hong Kong,... tiềm ẩn nguy cơ bùng phát và chưa thực sự có giải pháp nào cho các vấn đề hóc búa này.

Theo một báo cáo mới nhất, GPD của Đức trong quý 2 đã giảm 0,1% so với quý 1 và chỉ tăng 0,4% so với cùng kỳ năm trước. GDP khu vực sử dụng đồng euro chỉ tăng 0,2% so với quý trước và tăng 1,1% so với cùng kỳ.

Trong khi đó, Trung Quốc vừa công bố tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp trong tháng 7/2019 suy giảm khá mạnh, chỉ còn 4,8% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức thấp nhất kể từ 2002. Trong khi đó, tăng trưởng bán lẻ cũng chỉ đạt 7,6%, thấp hơn so với mức 9,8% trong tháng trước, thấp hơn mức dự báo 8,6%. 

{keywords}
Phiên 14/8 phần lớn thời gian đường cong lợi tức trái phiếu Mỹ đã đảo ngược.

Ông Donald Trump bất lực trước đồng USD mạnh

Đồng USD treo cao còn do dòng tiền tháo chạy khỏi chứng khoán thế giới, khỏi nhiều loại tiền tệ trên thế giới và tìm tới nước Mỹ, bao gồm cả trái phiếu nước này khiến lợi tức trái phiếu ngắn hạn tăng vọt.

Thị trường tài chính toàn cầu đang trong tình trạng bất ổn, liên tục chao đảo khiến giới đầu tư nghĩ tới những xáo trộn xảy ra tương tự như hồi tháng 8 trong các năm 1998, 2007, 2011 và 2015.

Với nước Mỹ, điểm giống nhau ở vào thời điểm này năm 2019 so với 1998 là nền kinh tế thế giới giảm tốc trong khi đồng USD vẫn đang mạnh lên so với nhiều đồng tiền khác. Trái phiếu Kho bạc của Mỹ cũng đang hấp dẫn như một loại tài sản an toàn.

Theo CNBC, các thị trường tài chính đang đối mặt với tình trạng tràn ngập trái phiếu lợi suất thấp, kết quả của nhiều năm chính sách tiền tệ dễ dàng và phi truyền thống của các ngân hàng trung ương trên thế giới.

Không những thế, triển vọng đen tối của các nền kinh tế và khả năng các thị trường chứng khoán bị bán tháo có thể khiến các NHTW tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ.

Trên thực tế, nếu xét riêng, gần như toàn bộ các chỉ số đều cho thấy nền kinh tế Mỹ vẫn đang rất tốt. Tăng trưởng kinh tế Mỹ ở mức cao, thất nghiệp thấp nhất 50 năm và gần đây nhất, lạm phát trong tháng 7 đã tăng tốc với chỉ số lạm phát lõi tăng mạnh nhất kể từ đầu năm 2006. Lạm phát đã lên mức mục tiêu 2% của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sau một thời gian dài ì ạch, ở mức quá thấp. 

{keywords}
Ông Trump liên tục chỉ trích Fed.

Tuy nhiên, điều đáng nói là kinh tế thế giới chao đảo và một cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung cũng như một đồng USD mạnh có thể sẽ khiến triển vọng đảo ngược.

Đã từ lâu và nhiều lần ông Donald Trump chỉ trích chủ tịch đương nhiệm Fed Jerome Powell cũng như bà cựu chủ tịch Janet Yellen về việc duy trì một đồng USD mạnh, trong khi nhiều cường quốc kinh tế khác như Trung Quốc và Nhật đang duy trì đồng nội tệ yếu để có lợi trong cạnh tranh thương mại.

Trung Quốc gần đây đã chính thức thả để đồng NDT tụt xuống dưới ngưỡng 7 NDT đổi 1 USD sau 9 phiên giảm liên tiếp và sau đó đã bị chính quyền ông Donald Trump chính thức cáo buộc là quốc gia thao túng tiền tệ. Nước Nhật trong khi đó duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng, lãi suất thậm chí âm, trong cả thập kỷ qua.

Đồng USD vẫn đang treo cao bất chấp Fed hôm 1/8 vừa qua đã có một quyết định giảm lãi suất lần đầu tiên trong vòng 1 thập kỷ. Fed đã hạ lãi suất 25 điểm cơ bản và chấm dứt chương trình giảm số dư trên bảng cân đối kế toán.

Tuy nhiên, mức giảm thấp hơn kỳ vọng của ông Donald Trump và tuyên bố “đây chỉ là sự điều chỉnh giữa chu kỳ” của ông Powell khiến thị trường không có phản ứng tích cực. Đồng USD và trái phiếu Mỹ thậm chí mạnh hơn bởi ngay sau đó NHTW các nước đã ồ ạt cắt giảm lãi suất ở mức mạnh hơn.

Sau cú giảm sốc 800 điểm của TTCK đêm qua, tổng thống Mỹ Donald Trump đã ngay lập tức đả kích chủ tịch Fed, cho rằng ông là người “không có năng lực” và Fed là cơ quan đã “kìm giữ” nền kinh tế Mỹ.

Trước đò, hồi tháng 7, ông Trump cũng đã chỉ trích Fed trên Twitter cho rằng Fed là vấn đề khó khăn nhất mà nước Mỹ phải đối mặt. Theo đó, Fed đã tăng lãi suất quá sớm, quá thường xuyên và siết chặt, trong khi các nước khác thì ngược lại.

Ở chiều ngược lại, Fed có lẽ đã không nghĩ như vậy bởi cơ quan này cần sự độc lập và cần dư địa chính sách để phòng ngừa khủng hoảng. Và với những tín hiệu tích cực hơn về lạm phát trong tháng 7 vừa qua, Fed có thêm lý do để trì hoãn lãi suất. Nếu trong cuộc họp 17-18/9 tới, Fed không giảm lãi suất thêm 1 lần nữa như kỳ vọng của thị trường, thì nhiều khả năng chứng khoán Mỹ cũng như thế giới sẽ chứng kiến thêm nhiều cơn bão tố.

M. Hà