Vấn đề là gian lận ít thì khó phát hiện, còn gian lận lớn phát hiện được rồi cũng chìm xuồng. Đơn cử như vụ việc ở trạm thu phí Pháp Vân - Cầu Giẽ trước đây. “Vụ việc ở Pháp Vân - Cầu Giẽ phải đưa những người đứng đầu sai phạm ra xử lý, bản chất là tham ô, số tiền gian lận lên tới hàng trăm, hàng nghìn tỷ chứ không ít”, ông Đức nói.

Đặc biệt, sau vụ việc, cán bộ Công ty Cổ phần Tập đoàn Yên Khánh bị khởi tố vì dùng phần mềm giấu doanh thu thu phí trên cao tốc TPHCM - Trung Lương, câu chuyện minh bạch thu phí tiếp tục được đặt ra. Hay như đến nay, tranh cãi số thu phí thực tế mỗi ngày tại cao tốc Long Thành - Dầu Giây sau vụ cướp 2,2 tỷ đồng vẫn chưa dừng lại ngay cả khi doanh nghiệp dự án lên tiếng giải thích. 

{keywords}
Cao tốc Long Thành - Dầu Giây (Ảnh: Vietnamnet)

Bình luận về lý giải của doanh nghiệp cho rằng, số tiền đó được thu trong nhiều ngày, Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, chẳng có doanh nghiệp nào điên mà để cả đống tiền hàng tỷ đồng như vậy ở trạm thu phí. “Trạm thu phí là chỗ rất phập phù, an ninh không đảm bảo. Trạm nằm ngoài đường cao tốc, xe cộ qua lại nườm nượp, không dại gì mà để tiền nhiều ở đó. Chưa nói, nếu bài bản thì doanh nghiệp phải hợp tác với ngân hàng để chuyển tiền về gửi cho an toàn”, Luật sư Đức nói.

Trên cơ sở đó, ông Đức nhận định, khả năng rất cao là doanh nghiệp thu nhiều nhưng khai nộp ít, nếu đúng như vậy sẽ là chiếm đoạt, chiếm đoạt tài sản nhà nước chứ không còn là hành vi gian lận.

Với việc triển khai đồng loạt thu phí tự động trên cả nước, theo Luật sư Trương Thanh Đức sẽ đảm bảo minh bạch hơn. Tuy nhiên, ông vẫn lo ngại dù ít hay nhiều doanh nghiệp cũng sẽ tìm cách để “ăn” tiền của dân. “Giai đoạn đầu khi triển khai sẽ lộ ra nhiều bất cập, gian lận trong thu phí trước đây, và quan trọng nhất là... doanh nghiệp “không được ăn nữa”. Do đó, nhiều chủ đầu tư BOT sẽ tìm cách chống đối, chây ì chưa triển khai thu phí tự động”, ông Đức chia sẻ.
Theo Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật BASICO, thu phí tự động vài tháng hiệu quả sẽ giúp thu hồi vốn cực kỳ nhanh, có thể trả lương cho cán bộ nhân viên của các doanh nghiệp BOT tới 10 năm. Thực tế, theo ông Đức, vốn các dự án BOT hiện nay chủ yếu là nhà nước và các ngân hàng lo. 

Luật quy định về đầu tư dự án BOT cao tốc, doanh nghiệp phải có vốn trên 15% tổng vốn dự án. Nhưng nhiều dự án lớn như cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, chủ đầu tư chỉ phải lo hơn 10% vốn, còn lại là vay ngân hàng. Thế nhưng, ông Đức cho rằng, kể từ khâu lập dự án đầu tư và làm xong, chủ đầu tư đã có thể thu hồi vốn bằng cách dùng “mỡ nó rán nó”, khai khống tiền vay ngân hàng để hưởng lợi.

Ông Đức nghi ngờ, bây giờ họ lại kéo dài thời gian thu phí, móc túi tiền của dân. Luật sư Đức cũng cho rằng, doanh nghiệp cũng phải chi cho các “vây, cánh” xung quanh chứ không thể một mình hưởng lợi. Do đó, bất cập cần khắc phục ngay từ thể chế, chính sách pháp luật còn nhiều kẽ hở trong thu hút và triển khai các dự án BOT.

Việc các nhà đầu tư BOT viện lý do chưa triển khai thu phí tự động theo luật sư Trương Thanh Đức, bản chất vẫn là câu chuyện lợi ích nhóm, càng trì hoãn càng tốt cho họ.

(Theo Tiền phong)