Bản chất cơ bản của giao dịch dân sự là thỏa thuận giữa các bên cho nên cần hạn chế đến mức thấp nhất sự can thiệp của nhà nước, hay cách khác cần phải tôn trọng hợp đồng giữa các bên.

Trần lãi suất 20% dành cho ai?

Bộ Luật dân sự (sửa đổi) được Quốc hội thông qua ngày 24/11/2015 đã luật hoá mức lãi suất vay cố định tối đa là 20%/năm, trừ trường hợp luật khác có liên quan có quy định khác.

Việc quy định một mức lãi suất cố định tối đa trong Bộ Luật dân sự nhằm hạn chế tình trạng tín dụng đen, cho vay nặng lãi dẫn tới nhiều hệ luỵ tiêu cực cho xã hội. Vấn đề khống chế trần lãi vay đã thu hút nhiều ý kiến trái chiều, như: có nên áp trần lãi vay, mức lãi suất nào là phù hợp, vừa sức chịu đựng của người vay, vừa đảm bảo chi phí vốn và quan trọng hơn cả đối tượng cụ thể nào phải áp dụng luật này…

Theo giới chuyên gia phân tích về nội dung trên, thực tế hiển nhiên lãi suất chính là thước đo của quan hệ cung - cầu. Khách hàng có lịch sử tín dụng tốt, có uy tín, thương hiệu, dự án kinh doanh khả thi và có tài sản thế chấp - hay còn được gọi là khách hàng đạt chuẩn - thì khi vay vốn có thể được tổ chức tín dụng “áp” một mức lãi suất hợp lý, hai bên cùng có lợi và đồng hành lâu dài.

Nhưng đối với khách hàng mà các tiêu chí đánh giá độ an toàn đều yếu hơn, mục đích sử dụng vốn ẩn chứa nhiều rủi ro hơn, thì tổ chức tín dụng buộc phải áp mức lãi suất cao hơn là điều hoàn toàn đúng theo quy luật cung-cầu.

{keywords}

Do vậy, các chuyên gia nhận định, việc áp trần lãi suất 20%/năm chỉ phù hợp với các giao dịch vay mượn dân sự giữa các cá nhân hoặc tổ chức tự phát (không có sự bảo hộ của pháp luật) mà không phù hợp với hoạt động tín dụng của các ngân hàng thương mại, công ty tài chính, các tổ chức tài chính vi mô, hợp tác xã… vốn chịu sự quản lý bởi Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan chức năng.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, trong nền kinh tế thị trường thì hàng hóa trao đổi phải được thương lượng, đàm phán, thỏa thuận trên tinh thần tự nguyện giữa các bên.

Cũng theo ông Hiếu, lãi suất vừa là giá của đồng tiền cho vay nhưng đồng thời nó cũng là cái giá cho rủi ro của bên cho vay. Cho vay rủi ro cao thì ắt lãi suất phải cao, rủi ro thấp thì hưởng lãi suất thấp. Trên thế giới, ngay cả ở những nước tiên tiến với thị trường cho vay tiêu dùng đã đi trước Việt Nam rất nhiều năm, lãi suất cho vay tiêu dùng nhiều khi lên đến 30%, thậm chí cao hơn nhưng không bị công luận phản đối như tại Việt Nam.

Cung - cầu quyết định

{keywords}

Trước hết phải khẳng định, việc sửa đổi Điều 476, Bộ luật Dân sự về quy định trần lãi suất trong quan hệ vay mượn dân sự là cần thiết. Bởi khi chúng ta ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, thì các quy định của pháp luật cũng phải tiệm cận hơn với quy luật thị trường, đặc biệt là càng phải dự liệu được những tình huống sẽ nảy sinh khi thực hiện nền kinh tế thị trường đầy đủ.

Và do đó, càng cần có nhiều công cụ để bảo vệ người dân, bảo vệ các hoạt động kinh tế lành mạnh. Chính vì lẽ đó, rất cần một tư duy thị trường rành mạch xung quanh chuyện “trần lãi suất”, để những quy định mới sau sửa đổi vừa có đủ hiệu lực điều chỉnh hành vi của xã hội, vừa có thể thúc đẩy phát triển nền kinh tế thị trường đang còn sơ khai ở nước ta.

Cuộc sống luôn nảy sinh những nhu cầu sử dụng tài chính trước khi có khả năng tài chính, đây là thực tế xảy ra ở bất cứ quốc gia nào, trình độ kinh tế nào, cho dù có đi theo con đường xây dựng kinh tế thị trường hay không. Khi trong xã hội có nhu cầu vay, thì sẽ xuất hiện người cho vay. Các quan hệ dân sự này sẽ ngày càng đa dạng và phong phú, muôn hình vạn trạng đến mức, nếu pháp luật không nhận diện được những yếu tố cơ bản thì sẽ khó có thể bao quát được các tình huống cần điều chỉnh.

Hơn nữa, do hoạt động trong kinh tế thị trường, các định chế tài chính này cũng phải tuân theo các quy luật thị trường, mà trong đó quy luật cung - cầu là yếu tố điều tiết mạnh mẽ nhất. Các định chế này theo đó cũng phải chịu tác động của yếu tố cạnh tranh. Vì vậy, việc định giá vốn (lãi suất chính) không thể do các ngân hàng hay công ty tài chính tự định đoạt. Thị trường sẽ định đoạt mức lãi suất nào là hợp lý, mà thị trường luôn công bằng - nhiều khi “công bằng” đến khắc nghiệt.

“Nếu đã là kinh tế thị trường thì không nên quy định trần lãi suất. Hãy để các thành phần kinh tế tự thỏa thuận với nhau trên cơ sở tự nguyện, phù hợp và tuân thủ pháp luật”, ông Nguyễn Tri Hiếu khuyến nghị.

Đây cũng chính là lý do và là đích đến của tiến trình thực hiện tự do hóa lãi suất, giảm bớt các can thiệp bằng mệnh lệnh hành chính vào thị trường, hướng tới một thị trường tài chính lành mạnh, minh bạch. Vì thế, một lần nữa, rất cần tư duy rành mạch về tính tất yếu của yếu tố thị trường trong từng loại hình vay mượn. Có như vậy mới có thể đưa ra những quyết đáp đúng theo định hướng phát triển kinh tế thị trường.

Mai Hà