Thị trường tài chính chao đảo

Thị trường chứng khoán (TTCK) Mỹ đêm qua tiếp tục diễn biến khó lường khi đang ở vùng đỉnh cao mọi thời đại. Các chỉ số bất ngờ sụt giảm vào giữa phiên và một loạt các yếu tố kỹ thuật bị phá vỡ.

Đóng cửa phiên giao dịch đêm qua (giờ Việt Nam), chỉ số công nghệ Dow Jones giảm phiên thứ 4 trong tổng cộng 5 phiên vừa qua với mức giảm hơn 128 điểm xuống còn 29.220 điểm. Trong phiên có lúc chỉ số này giảm tới gần 390 điểm.

Chỉ số tầm rộng S&P 500 giảm 0,4% xống 3.373 điểm. Còn chỉ số công nghệ Nasdaq Composite mất 0,7% còn 9.751 điểm.

Giá vàng tăng vọt lên đỉnh cao mới trong 7 năm.

Trong cả năm trước đó, chứng khoán Mỹ chủ yếu theo một hướng đi lên và hàng chục lần lập đỉnh cao kỷ lục mọi thời đại sau khi chính quyền tổng thống Mỹ Donald Trump có những biện pháp cắt giảm thuế cho doanh nghiệp trong nước, kéo dòng vốn về Mỹ, thất nghiệp giảm xuống mức thấp nhất 50, cũng như có những thắng lợi về mặt thương mại với nhiều đối tác chính như Trung Quốc, Nhật, bắc Mỹ…

Hiện tại, các đánh giá đều cho rằng các tín hiệu cho thấy nền kinh tế Mỹ vẫn rất tốt.

Trên CNBC, theo Phó Chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Richard Clarida, các yếu tố cơ bản cho thấy nền kinh tế Mỹ đang vững chắc và triển vọng “là một bức tranh sáng”. Thị trường lao động ở mức tốt nhất trong 50 năm là một yếu tố “siêu tích cực” và lạm phát đang tiến tới mục tiêu của ngân hàng trung ương Mỹ.

Trên thực tế, chứng khoán Mỹ có giảm nhiều phiên nhưng các chỉ số vẫn đang ở vùng đỉnh cao mọi thời đại.

Dù vậy, những phiên bán tháo bất ngờ cũng cho thấy một thực tế là sự thận trọng của giới đầu tư đang lên cao và triển vọng trong tương lai của nền kinh tế Mỹ chưa biết sẽ như thế nào, có còn tươi sáng nữa hay không.

Áp lực bán mạnh trên TTCK Mỹ diễn ra trong bối cảnh tâm lý né tránh rủi ro gia tăng xuất phát từ lo ngại dịch COVID-19 sẽ làm chậm tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Trên CNBC, nhiều chuyên gia cho rằng sự đình trệ của Trung Quốc và khả năng suy giảm tăng trưởng mạnh của nền kinh tế số 2 thế giới sẽ ảnh hưởng tới nhiều nước, trong đó có cả Mỹ, khi mà nhiều chuỗi cung ứng toàn cầu đặt tại nước này.

{keywords}
Chứng khoán Mỹ có dấu hiệu bị bán tháo sau một thời gian dài lập đỉnh.

Cảnh báo của Apple về khả năng sụt giảm doanh thu trong quý đầu năm được công bố vài hôm trước cho thấy điều này.

Trung Quốc dự báo khó khăn, Mỹ cẩn trọng

Hiện Trung Quốc đã đưa ra nhiều biện pháp để kích thích nền kinh tế với động thái mới nhất là hạ lãi suất cho vay cơ bản (LPR) nhằm gia tăng thanh khoản cho thị trường và hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong cuộc chiến ngăn chặn dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19.

Cụ thể, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PboC) đã hạ lãi suất cơ bản LPR kỳ hạn 1 năm giảm từ 4,15% một tháng trước xuống còn 4,05%, trong khi LPR kỳ hạn trên 5 năm giảm 5 điểm cơ bản xuống 4,75%.

Trước đó, Trung Quốc đã hạ lãi suất trung và dài hạn cũng như bơm hàng trăm tỷ USD vào nền kinh ttees.

Dù vậy, giới đầu tư vẫn lo ngại nền kinh tế Trung Quốc sẽ khó hồi phục nhanh khi mà mức nới lỏng nói trên vẫn khá khiêm tốn và dịch bệnh vẫn còn khó lường.

Hơn thế, Trung Quốc cũng đứng trước một lựa chọn khó khăn là đảm bảo một sự cân bằng trong quan hệ thương mại với Mỹ theo thỏa thuận giai đoạn 1 vừa được kỳ hồi năm. Theo đó, Trung Quốc sẽ phải giữ đồng NDT không được mất giá nhiều và tăng nhập khẩu hàng Mỹ…

Một điểm khó nữa là Trung Quốc sẽ đối mặt với một mối đe dọa khác khi kích hoạt các biện pháp thích kinh tế nhằm ổn định thị trường tài chính là vấn đề nợ xấu. Nợ xấu là một vấn đề mà Trung Quốc đã muốn xử lý từ nhiều năm nay nhưng phải trì hoãn lại để vực dậy nền kinh tế bị suy giảm tăng trưởng do cuộc đối đầu thương mại với Mỹ.

Với những biện pháp hỗ trợ mối, nhiều khả năng trong thời gian tới nợ xấu trong hệ thống ngân hàng Trung Quốc cũng như tỷ lệ nợ của nước này trên GDP sẽ gia tăng mạnh và khiến nút thắt này khó cởi bỏ.

{keywords}
Ông Donald Trump tìm cách vượt qua tác động xấu từ kinh tế Trung Quốc.

Hiện tại, chính quyền của ông Tập Cận Bình vẫn khá lạc quan với tình hình kinh tế và xử lý dịch bệnh. Theo đó, sự bùng phát của dịch covid-19 do virus corona không nên là lực cản ngăn Trung Quốc đạt đến các mục tiêu kinh tế xã hội trong dài hạn.

Dù vậy, hầu hết các chuyên gia phương Tây đều lo ngại tác động sẽ kéo dài trong vài quý. Về dài hạn, dòng vốn có thể dần dần dịch chuyển khỏi Trung Quốc để tránh sự phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường, giống như đợt dịch chuyển khi có chiến tranh thương mại Mỹ-Trung.

Hiện tại, giới đầu tư cũng đang chờ đợi quyết định của Mỹ về chính sách tiền tệ.

Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell vẫn tiếp tục tin tưởng vào triển vọng của nền kinh tế Mỹ trong cuộc điều trần mới nhất trước Thượng viện, ngay cả khi cho rằng dịch Covid-19 sẽ sớm gây tác động.

Dù vậy, Fed đang chịu áp lực lớn từ ông Donald Trump và ngân hàng trung ương mỹ cũng đã cho biết sẽ tiếp tục theo sát diễn biến của dịch bệnh và chờ tác động qua các số liệu kinh tế. Ông Powelll cũng cho biết, Fed sẽ cân nhắc kích thích nền kinh tế bằng việc mua lượng lớn trái phiếu chính phủ, được biết đến là biện pháp nới lỏng định lượng, nếu nền kinh tế rơi vào suy thoái.

TTCK và tài chính Mỹ và thế giới có thể sẽ còn nhiều biến động mạnh trong thời gian tới. Giá vàng được dự báo có thể tiếp tục leo cao sau khi đạt mức đỉnh 7 năm trong hôm nay. Vàng có thể lên tới 1.700 USD trong bối cảnh các nước bước vào một cuộc đua nới lỏng tiền tệ mới.

M. Hà