Thông tư 18/2019 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định cho vay tiêu dùng của công ty tài chính thay thế, sửa đổi Thông tư 43/2016 sẽ có hiệu lực từ ngày hôm nay, 1/1/2020.

Theo Điểm đ Khoản 2 Điều 7 được sửa đổi, bổ sung như sau:

Biện pháp đôn đốc, thu hồi nợ phù hợp với đặc thù của khách hàng, quy định của pháp luật và không bao gồm biện pháp đe dọa đối với khách hàng, trong đó số lần nhắc nợ tối đa 05 (năm) lần/01 (một) ngày, hình thức nhắc nợ, thời gian nhắc nợ do các bên thỏa thuận trong hợp đồng cho vay tiêu dùng nhưng phải trong khoảng thời gian từ 7 (bảy) giờ đến 21 (hai mươi mốt) giờ.

{keywords}
Thông tư 18/2019 quy định công ty tài chính không nhắc nợ, đòi nợ, gửi thông tin về việc thu hồi nợ tới người thân của khách hàng. (Ảnh minh họa)

Không nhắc nợ, đòi nợ, gửi thông tin về việc thu hồi nợ của khách hàng đối với tổ chức, cá nhân không có nghĩa vụ trả nợ cho công ty tài chính, trừ trường hợp có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Các công ty tài chính phải bảo mật thông tin khách hàng theo quy định của pháp luật.

Tại Khoản 4 Điều 10 Thông tư 18/2019 cũng quy định, công ty tài chính phải cung cấp cho khách hàng dự thảo hợp đồng cho vay tiêu dùng, giải thích chính xác, đầy đủ, trung thực các nội dung cơ bản tại hợp đồng cho vay tiêu dùng, trong đó bao gồm cả quyền và nghĩa vụ của khách hàng vay tiêu dùng, các biện pháp đôn đốc, thu hồi nợ, biện pháp xử lý trong trường hợp khách hàng không thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng cho vay tiêu dùng và có xác nhận của khách hàng về việc đã được công ty tài chính cung cấp thông tin theo quy định tại khoản này, để khách hàng xem xét, quyết định trước khi ký kết hợp đồng cho vay tiêu dùng.

(Theo Thời đại)