Tỷ giá trong nước

Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với đô la Mỹ ở mức: 23.263 đồng (tăng 10 đồng). Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch NHNN hiện mua vào ở mức 23.175 đồng (không đổi) và bán ra ở mức 23.650 đồng (không đổi).

Các ngân hàng thương mại giữ tỷ giá ngoại tệ đồng đô la Mỹ phổ biến ở mức 23.280 đồng (mua) và 23.460 đồng (bán).

Vietcombank và BIDV niêm yết tỷ giá ở mức: 23.280 đồng/USD và 23.460 đồng/USD. Vietinbank : 23.275 đồng/USD và 23.455 đồng/USD. ACB: 23.295 đồng/USD và 23445 đồng/USD.

{keywords}
Tỷ giá ngoại tệ 

Tại Hội nghị tăng cường triển khai các giải pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 do NHNN phối hợp với UBND TP. Hà Nội tổ chức, Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp được thực hiện trên phương châm là chia sẻ khó khăn và đồng hành cùng với người dân, doanh nghiệp bằng chính nguồn lực của ngành ngân hàng.

Chương trình tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp được các TCTD triển khai là tiền huy động từ tiền gửi dân cư và các tổ chức kinh tế. Hơn nữa, TCTD cũng là doanh nghiệp và cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ bởi dịch Covid-19, song toàn ngành đã quyết tâm vượt qua khó khăn, điều chỉnh lại kế hoạch, chỉ tiêu kinh doanh, lợi nhuận để hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp.

Được biết, tính đến nay, các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho trên 215 nghìn khách hàng với dư nợ 138 nghìn tỷ đồng, miễn, giảm, hạ lãi suất cho hơn 320 nghìn khách hàng với dư nợ gần 1,13 triệu tỷ đồng, cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ 23/1 đến nay đạt trên 659 nghìn tỷ đồng cho hơn 188 nghìn khách hàng, lãi suất thấp hơn phổ biến từ 0,5 - 2,5% so với trước dịch.

Tỷ giá ngoại tệ

Chỉ số US Dollar Index (DXY), đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) giao dịch ở mức 100,203 giảm 0,3%.

Trong 12 tháng kết thúc vào tháng 4 vừa qua, thâm hụt ngân sách của Mỹ đã leo lên mức kỷ lục 1.935 tỷ USD. Nguyên nhân là do nền kinh tế lớn nhất thế giới vừa tăng chi tiêu lại vừa giảm thuế để đối phó với đà suy giảm, đồng thời nguồn thu ngân sách sụt giảm.

Chi tiêu tăng lên 5.200 tỷ USD, trong khi nguồn thu giảm xuống còn 3,265 tỷ USD.

Đặc biệt, chi ngân sách của tháng 4 tăng lên mức kỷ lục 979,71 tỷ USD, do Chính phủ thực hiện chương trình hỗ trợ lớn chưa từng có tiền lệ cho các hộ gia đình và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Để dễ so sánh, trong năm ngoái trung bình chi ngân sách mỗi tháng chỉ vào khoảng 384 tỷ USD.

Nền kinh tế Mỹ đã mất 20,5 triệu việc làm trong tháng 4 và tỉ lệ thất nghiệp tăng vọt lên 14,7%. Đây là số liệu việc làm tồi tệ nhất kể từ Đại Khủng hoảng trong thập niên 1930.

Dù vậy, Bộ Lao động Mỹ lưu ý trên thực tế số liệu có thể còn tối tăm hơn vì họ đã bỏ sót hàng triệu lao động mất việc khác do gặp vấn đề khi thu thập dữ liệu.

Chủ tịch FED Jerome Powell cho rằng, các biện pháp hỗ trợ tài khóa là cần thiết nhằm giúp hạn chế các thiệt hại kinh tế lâu dài và tăng cường khả năng hồi phục nhanh.

FED đã hạ mức lãi suất cơ bản xuống gần 0% và bơm hơn 2.500 tỷ USD vào thị trường và hệ thống tài chính nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và hộ gia đình vay với mức lãi suất thấp để vượt qua thời gian khó khăn hiện nay.

Tuy nhiên, ông Powell cho biết, mặc dù có ý kiến, bao gồm từ Tổng thống Donald Trump, FED vẫn sẽ không giảm mức lãi suất cơ bản xuống dưới 0%, điều chưa từng xảy ra ở nước Mỹ.

Đông Sơn