Chỉ số US Dollar Index (DXY), đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) giảm 0,3% ở mức thấp nhất trong hai tháng là 96,520, giảm 1,6% cho tuần.

Quyết định hạ lãi suất 0,5%/năm, về mức 1 - 1,25%/năm của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có phần bất ngờ đối với thị trường, bởi trước đó giới đầu tư kỳ vọng phải tới kỳ họp ngày 17 - 18/3, điều này mới diễn ra.

Đây là đợt hạ lãi suất nhiều nhất của FED kể từ năm 2008, trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ đang đối diện với nguy cơ bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì dịch bệnh COVID-19 do chủng mới của virus Corona (SARS-CoV-2) gây ra.

{keywords}
Tỷ giá ngoại tệ 

Tuyên bố của FED nêu rõ: "Virus SARS-CoV-2 đặt ra các nguy cơ ngày càng lớn đối với hoạt động kinh tế và FED đang giám sát chặt chẽ các diễn biến và tác động của dịch bệnh đối với triển vọng kinh tế Mỹ".

Chủ tịch FED Powell đánh giá hiện còn quá sớm để nhận định về nguy cơ nền kinh tế Mỹ sẽ bị tổn thương bởi dịch COVID-19, dù nhiều lĩnh vực như du lịch đã báo cáo thông tin thua lỗ.

Tuy nhiên, trong phản ứng đầu tiên tiên sau khi FED thông báo hạ lãi suất, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng đáng nhẽ ngân hàng này cần phải giảm mãnh lãi suất hơn nữa để hỗ trợ nền kinh tế và nới lỏng chính sách tiền tệ một cách phù hợp với hành động của các đối tác.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) giảm 0,5% tỷ lệ dự trữ bắt buộc, giảm 0,05% đối với lãi suất giao dịch thỏa thuận đảo ngược ngắn hạn và lãi suất cho vay tiêu chuẩn. Các ngân hàng trung ương khác như Australia, Brazil, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nga… cũng cắt giảm lãi suất theo.

Tỷ giá USD/JPY lần đầu tiên giảm xuống dưới 106 kể từ tháng 8 trong phiên giao dịch châu Á. Zach Pandl, đồng giám đốc chiến lược thị trường ngoại hối và thị trường mới nổi của Goldman Sachs, nói với Bloomberg TV rằng đồng yên có thể tăng đến 95 nếu thị trường toàn cầu hỗn loạn trong vài tháng tới.

Đồng euro cũng đạt mức cao nhất so với đồng USD kể từ tháng 8, trong bối cảnh lo ngại rằng Ngân hàng Trung ương châu Âu có thể làm bất cứ điều gì để ngăn chặn sự khác biệt giữa lãi suất đồng euro và USD. Tỷ giá EUR/USD đã tăng cao tới 1,1249 USD, tăng gần 1,9% trong tuần này.

Nhiều chuyên gia dự đoán ECB sẽ hạ lãi suất tiền gửi từ -0,5% xuống -0,6%, khiến các ngân hàng thương mại mất chi phí nhiều hơn để gửi tiền dư thừa tại ECB, từ đó khuyến khích hoạt động cho vay. Trong cuộc họp tuần tới, ECB cũng sẽ công bố dự báo mới nhất về tăng trưởng kinh tế và lạm phát.

Ngày 6/3, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với đô la Mỹ ở mức: 23197 đồng (giảm 6 đồng). Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch NHNN hiện mua vào ở mức 23.175 đồng (không đổi) và bán ra ở mức 23.849 đồng (giảm 1 đồng).

Đầu giờ sáng 6/3, đa số các ngân hàng thương mại giảm mạnh tỷ giá ngoại tệ đồng đô la Mỹ hôm nay so với cuối giờ phiên liền trước, phổ biến ở mức 23.140 đồng (mua) và 23.280 đồng (bán).

Vietcombank niêm yết ở mức: 23.150 đồng (mua) và 23.290 đồng (bán). Vietinbank và BIDV: 23.135 đồng (mua) và 23.275 đồng (bán). ACB: 23.150 đồng (mua) và 23.260 đồng (bán).

Đông Sơn