Thời gian gần đây, do thiếu hụt tiền trang trải cuộc sống nên chị P. (trú tại tỉnh Trà Vinh) nghĩ đến việc vay tiền để chi tiêu. Nghe một số người nói có dịch vụ vay tiền qua ứng dụng (app) trên điện thoại di động nên chị P. lần mò tìm hiểu.

Thấy một app có cho vay tiền với lãi suất vay chỉ có 0% (nếu trả đủ trong vòng 7 ngày), thủ tục đơn giản, nhanh chóng, dễ vay, chỉ cần cung cấp số chứng minh nhân dân, 5 số điện thoại di động của gia đình, người thân, nên chị P. đã thực hiện các thao tác vay tiền trên ứng dụng này với số tiền 3 triệu đồng.

Vỡ nợ sau khi vay tiền 50 app trong vòng 1 tháng -0

Qua tuần đầu tiên, chị P. trả đầy đủ theo điều kiện hợp đồng và không phải mất tiền lãi, chỉ mất một ít “phí dịch vụ”.  Tiếp đó, chị P. nhận được nhiều tin nhắn, số điện thoại lạ gọi đến gợi ý vay tiền, với lý do chị P. là khách hàng uy tín, đủ điều kiện để nhận được ưu đãi khi vay tiền qua app trên di động.

Do cần tiền chi tiêu nên chị P. tiếp tục đăng ký vay tiền trên một app cho vay khác với số tiền 3 triệu đồng, điều kiện là quá 7 ngày sẽ bị phạt 10% trên số tiền vay. Tuy nhiên, khi đăng ký vay xong chị P. chỉ nhận được 2,3 triệu đồng chuyển vào tài khoản, số tiền bị trừ thì các đối tượng cho rằng thu lãi trước và đây là “phí dịch vụ”.

Do chị P. không xoay sở trả tiền đúng hạn, các đối tượng liên tục gọi điện cho chị và người thân của chị với mục đích đe dọa đòi nợ. Không muốn liên lụy đến gia đình, người thân, chị P. tiếp tục vay tiền qua các app khác trên di động để trả nợ. Theo chị P., các app chị vay đều có chung đặc điểm đó là vay 3 triệu đồng nhưng người vay chỉ nhận 2,3 triệu đồng và phải trả trong 7 ngày. Nếu không trả nợ đúng hạn thì cứ qua 1 ngày, tài khoản vay trên app bị phạt 10% trên số tiền vay.

Cụ thể, khi qua ngày thứ 8, người vay phải trả số tiền là 3,3 triệu đồng. Trong đó, gồm 3 triệu đồng tiền gốc và 300 ngàn đồng tiền phạt. Số nợ cứ thế tăng dần theo từng ngày.

Biết là vay tiền như vậy phải chịu lãi suất cao, bị phạt nặng khi không trả đúng hạn, nhưng chị P. vẫn không dừng lại hoặc tìm hướng khác. Chị vẫn tiếp tục vay tiền của nhiều app khác nhau để tiêu xài và trả nợ cho các khoản vay qua app trước đó.

Cứ như vậy, chỉ trong vòng 1 tháng, chị P. đăng ký vay tiền của khoảng 50 app trên mạng. Số tiền chị P. thực lĩnh chỉ được khoảng hơn 100 triệu đồng nhưng tổng số tiền cả gốc, lãi và tiền phạt chị P. phải trả lên tới gần 500 triệu đồng. Với việc vay app này để trả nợ cho app kia và vay mượn của người thân, chị P. đã trả nợ cho các app được khoảng 200 triệu đồng. 300 triệu đồng còn lại chị không biết xoay tiền đâu để trả. Sau nhiều lần bị gọi điện thoại đòi nợ, thậm chí bị đe doạ, khủng bố tinh thần chị P. đã phải gửi đơn đơn đến cơ quan Công an cầu cứu.

Công an tỉnh Trà Vinh cho biết, hiện có nhiều app cho vay tiền do các đối tượng hoạt động “tín dụng đen” sử dụng công nghệ cao ẩn dưới dạng cho vay trực tuyến với lãi suất cao. Các đối tượng nắm bắt nhu cầu muốn vay tiền nhanh của người dân nên đã tạo ra nhiều ứng dụng trên điện thoại di động (app) để cho vay tiền. Do đó, người dân cần cảnh giác, tìm hiểu kỹ trước khi vay tiền để tránh vay phải những ứng dụng không được cấp phép.

(Theo Công An Nhân Dân)

Phí dịch vụ - chiêu trò để che giấu lãi suất 'cắt cổ' của các app 'đen'

Phí dịch vụ - chiêu trò để che giấu lãi suất 'cắt cổ' của các app 'đen'

Đối với các app cho vay theo kiểu “tín dụng đen”, các đối tượng điều hành sẽ tung các chiêu trò để tránh tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”.