Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) được xác định đây là một trụ cột quan trọng trong chiến lược cải cách, đổi mới hoạt động ngân hàng. Đến nay, hệ thống thanh toán điện tử liên ngân đã kết nối rộng khắp hệ thống các TCTD trên phạm vi cả nước và được vận hành liên tục, đáp ứng yêu cầu thanh, quyết toán tức thời, xử lý giao dịch chính xác, an toàn và bảo mật và nhu cầu giao dịch thanh toán ngày càng tăng của nền kinh tế. 

Các dịch vụ, tiện ích ngân hàng trên nền tảng ứng dụng công nghệ hiện đại, theo tiêu chuẩn, thông lệ quốc tế không ngừng nâng cao cả về số lượng, chất lượng tương đương với trình độ trên thế giới.

Hiệu quả thực tiễn

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú nhận định, hiện đại hóa ngân hàng nhằm đưa hệ thống ngân hàng Việt Nam phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững, phát huy tối đa vai trò huyết mạch của nền kinh tế, đóng góp đắc lực vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

"Với mục tiêu cụ thể, đó là tập trung phát triển cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh chuyển giao và ứng dụng công nghệ mới, tiên tiến trong hệ thống ngân hàng, đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế. Chú trọng việc ứng dụng các phương thức, phương tiện thanh toán, dịch vụ và tiện ích ngân hàng hiện đại, dễ sử dụng và phù hợp với các điều kiện ở Việt Nam", ông Tú nói.

{keywords}

Ứng dụng và phát triển CNTT của NHNN là tiền đề quan trọng, tạo đà vững chắc để tổ chức triển khai thành công Chính phủ điện tử tại NHNN.

Thực tế, nhiều năm qua, NHNN luôn tập trung vào cải thiện hạ tầng CNTT, qua đó nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia, thực hiện tốt vai trò trung tâm thanh toán của nền kinh tế. Trong hoạt động nghiệp vụ, hệ thống dữ liệu đã được tin học hóa kết nối với toàn hệ thống ngân hàng, làm cơ sở hoạch định và thực thi các chính sách quản lý.

Năm 2012, NHNN đã ban hành Kế hoạch ứng dụng CNTT của ngành Ngân hàng giai đoạn 2011-2015 để đẩy mạnh phát triển và ứng dụng dịch vụ ngân hàng điện tử, nâng cao chất lượng dịch vụ ngân hàng, thúc đẩy giao dịch thanh toán qua ngân hàng, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt.

NHNN đã ban hành kế hoạch ứng dụng CNTT ngành ngân hàng giai đoạn 2013-2015 đã tạo môi trường thuận lợi ứng dụng toàn diện CNTT vào các hoạt động nghiệp vụ ngân hàng.

CNTT đã được ứng dụng rộng rãi trong hoạt động quản lý, điều hành nội bộ, thực hiện dịch vụ công của NHNN. Từ nhiều năm nay, các đơn vị của NHNN đã sử dụng linh hoạt Hệ thống quản lý văn bản điện tử thay thế gần như toàn bộ văn bản giấy đối với các giao dịch hành chính trong nội bộ NHNN.

Hiệu quả ứng dụng CNTT trong hoạt động quản lý, điều hành đã tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp có thể tiếp cận nhanh nhất những văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và NHNN qua Cổng thông tin điện tử của NHNN, góp phần cải cách TTHC, hiện đại hóa nền hành chính, tiến tới nền hành chính điện tử.

Cải cách TTHC

Hiện nay, hệ thống các NHTM từng ngày đang tích cực ứng dụng các tiến bộ CNTT vào hoạt động quản lý kinh doanh, đặc biệt là trong hoạt động thanh toán và mở rộng nhiều dịch vụ ngân hàng với mục tiêu cung ứng vốn, các sản phẩm, dịch vụ mới phục vụ cho nền kinh tế.

Các dịch vụ ngân hàng điện tử được các NHTM ứng dụng và triển khai mạnh mẽ, đây được xem là cuộc cách mạng trong lĩnh vực tài chính ngân hàng.

Nó không chỉ mở ra cơ hội phát triển cho ngành tài chính ngân hàng mà còn cho các ngành khác như công nghệ thông tin, du lịch, sản phẩm và dịch vụ tiêu dùng... Ngân hàng điện tử là một phần của thương mại điện tử và tiến trình toàn cầu hoá, đưa nền kinh tế của Việt Nam hội nhập và phát triển ngang bằng với thế giới.

Trong vòng 10 năm qua, hệ thống ngân hàng Việt Nam đã đưa dịch vụ ngân hàng điện tử phát triển mạnh mẽ và đạt được những thành tích đáng kể. Ngân hàng điện tử thúc đẩy nhanh chóng quá trình cải tổ làm thay đổi hệ thống ngân hàng Việt Nam nói riêng và kinh tế Việt Nam nói chung.

Bên cạnh đó, ứng dụng CNTT góp phần phát triển hệ thống thanh toán quốc gia, tạo được lòng tin của dân chúng đối với hoạt động tiền tệ-ngân hàng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Trong xu thế hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa hiện nay, phát triển Chính phủ điện tử là xu hướng tất yếu, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp.

Vừa qua NHNN đã ban hành kế hoạch triển khai Chính phủ điện tử theo Nghị quyết 36a của Chính phủ (Quyết định 1a/QĐ-NHNN ngày 4/1/2016). Theo đó, NHNN đã tích cực đẩy mạnh sử dụng CNTT và truyền thông để tự động hóa, số hóa các thủ tục, giấy tờ, dịch vụ hành chính.

Trong Kế hoạch triển khai Chính phủ điện tử, ứng dụng CNTT được coi là bước đột phá trong công tác cải cách và hiện đại hóa ngành ngành Ngân hàng, là tầm nhìn chiến lược của Ngành, là nền tảng quan trọng để cải cách trong các lĩnh vực hoạt động ngân hàng.

Triển khai Chính phủ điện tử phải đáp ứng yêu cầu làm thay đổi cơ bản phương thức quản lý, điều hành và cung cấp dịch vụ trong ngành Ngân hàng theo hướng hiện đại, hiệu quả, gắn với thực hiện mục tiêu tiết giảm chi phí hành chính, sử dụng có hiệu quả ngân sách nhà nước và phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong hoạt động công vụ và giải quyết TTHC; đồng thời từng bước cải thiện và nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ hành chính công, các sản phẩm dịch vụ ngân hàng, đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu quản trị nội bộ, hoạt động hành chính trong từng đơn vị thuộc NHNN.

Nội dung quan trọng xuyên suốt trong kế hoạch triển khai Chính phủ điện tử, NHNN sẽ tập trung ứng dụng CNTT để đổi mới phương thức cung cấp thông tin và dịch vụ hành chính công cho người dân và doanh nghiệp, xây dựng môi trường làm việc điện tử giữa NHNN với các cơ quan nhà nước trên phạm vi toàn quốc. Phấn đấu đến năm 2020, cung cấp hầu hết các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 phục vụ người dân và doanh nghiệp. Đạt sự hài lòng của người dân đối với dịch vụ hành chính công của NHNN tỷ lên trên 80%.

Bên cạnh đó, để áp dụng quản lý nhà nước bằng CNTT, góp phần xây dựng Chính phủ điện tử thì việc đảm bảo an toàn, bí mật thông tin là nhiệm vụ rất quan trọng. Để thực hiện chính phủ điện tử an toàn tại NHNN, song song với việc áp dụng CNTT vào quản lý nhà nước, NHNN sẽ tập trung xây dựng các thiết chế đảm bảo an toàn thông tin.

Khánh Ly