- "Nếu có tăng thuế nữa thì người giàu vẫn chơi sang, bởi vì với họ, tiền không thành vấn đề. Xe sang trên 3.0 cứ tăng thuế thoải mái, xe dưới 2.0 lít thì nên giảm nữa".

Đó là một trong hàng trăm phản hồi của độc giả gửi tới VietNamNet trước đề xuất sốc của Bộ Công Thương mới đây: tăng từ 120-195% thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô con có dung tích xi lanh trên 3.0 lít.

Đánh thuế mạnh với du thuyền và máy bay

Ngay từ khi có ý tưởng soạn thảo chính sách tăng đột biến thuế tiêu thụ đặc biệt với xe trên 3.0, ông Trương Thanh Hoài, Vụ Công nghiệp nặng, Bộ Công Thương, tâm tư: "Khi Việt Nam còn nghèo, còn thiếu vốn đầu tư, mà ngoài đường có những chiếc xe chạy tới 30-40 tỷ đồng. Như vậy có hợp lý không?"

Trên thực tế, không ít bạn đọc cũng mang tâm tư như vậy.

Phản hồi về bài viết "Thuế ô tô trên 200%: Đừng dại chơi xe trên 2.0 lít", anh Phạm Ngọc Hùng viết: "Ủng hộ chính sách Bộ Công thương đề xuất! Chúng ta là nước nghèo, không nên chơi sang quá. Còn với các đại gia thì xe siêu sang có đắt thêm vài tỷ đồng cũng không có ý nghĩa gì lắm".

"Hãy đánh thuế những phân khúc xe sang, hàng rào thuế không có tác dụng với người giàu", độc giả tên Phát nhấn mạnh.

{keywords}
(ảnh minh họa)

Độc giả Quốc Bảo cũng phân tích: "Theo tôi, nên giảm thuế cho xe có dung tích 2.0 và đánh thuế thật mạnh vào các dòng xe trên 2.0. Mình làm chính sách phải lấy số đông làm trọng. Chính sách như đề xuất của Bộ Công Thương là hợp lý. Đừng nghe phàn nàn của hiêp hội VAMA (Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam), toàn là lợi ích nhóm thôi".

"Đúng là nên tăng thuế xe sang nhưng phải giảm thuế xe thường để người dân dễ có cơ hội tiếp cận", anh Trung gửi phản hồi ngắn gọn.

Độc giả Lê Chí Diễn tỏ ra cảm kích: "Lâu lắm rồi mới có chính sách đúng đắn như vậy" và đề nghị "cần phải làm luôn với máy bay và du thuyền cá nhân".

Cũng với quan niệm này, một độc giả khác tên Sơn bày tỏ: "Cứ siêu xe, siêu biệt thự, du thuyền, máy bay cá nhân, xe mô tô phân phối lớn, thuốc lá, bia, rượu, thực phẩm ngoại nhập... là cho thuế cao. Đã giàu, thích xơi đồ xịn, đồ ngoại thì chịu khó đóng thuế cao. Ích nước lợi nhà. Đối với siêu xe thì tăng thêm lệ phí cầu đường nữa".

"Tôi thấy Bộ này đưa ra dự thảo rất hay, nên áp dụng càng sớm càng tốt, giảm khoảng cách giàu-nghèo, loại trên 3.0 lít nên tăng cao hơn nữa", độc giả Phương Vang bày tỏ. Còn bạn đọc Nguyễn Hữu Phúc nói: "Quá chính xác! Tuy nhiên, dòng xe từ 2.5 lít trở lên cần tăng nhiều hơn nữa".

Tăng thì đúng nhưng giảm thì chưa trúng?

Tuy nhiên, cũng không ít bạn đọc cho rằng, đề xuất của Bộ Công Thương mới chỉ căn cứ trên tiêu chí "dòng xe ưu tiên" của Chiến lược và Quy hoạch về phát triển ngành ô tô, chưa tính đến đặc thù nhu cầu hiện nay của người tiêu dùng trong nước.

Phản hồi cho bài viết "Ô tô sang thuế 200%: tăng một gấp ba đốt túi nhà giàu", độc giả Nguyễn Bảo Lâm đưa ra phân tích: "Cần phải xem lại phương án tính thuế kiểu này vì nó có chỗ không ổn, đặc biệt là các xe trong khoảng 1.5 với 2.5 lít".

{keywords}

Điểm lại các dòng xe hiện nay, Bảo Lâm cho biết: "Hiện giờ, những chiếc xe dưới 1.5 thì 9/10 là những mẫu xe rất nhỏ như Morning hay Spack vốn chỉ phục vụ nhu cầu trong thành phố chứ không thể đủ mạnh khi chạy đường trường. Trong khi đó, những chiếc xe phục vụ nhu cầu đường xa trong tầm giá trung bình 1 tỷ cũng nhiều không kém thì dung tích cũng đã 1.6 như Cruze hay K3. Đặc biệt là các xe SUV như Everest hay Sorento, vốn dĩ rất được số đông ưa thích vì phù hợp với mặt bằng thu nhập chung của Việt Nam thì dung tích cũng đã là 2.2 lít. Chưa hết, người Việt Nam chơi xe bán tải ngày càng nhiều vì rẻ, tiện nghi không thua kém những chiếc xe 1 tỷ, nhưng lại không có xe nào dưới 2 "chấm", 10/10 các xe bán tải đều từ 2.2 tới 2.8 lít".

"Nếu như áp thuế mới, tăng thuế với những chiếc xe này thì người dân sẽ chịu thiệt rất rất nhiều", độc giả này nhấn mạnh.

Thậm chí, một số ý kiến còn tỏ ra hoài nghi về tính khả thi của chính sách này. Tâm lý đó là dễ hiểu, bởi trước đó, Bộ Công Thương dường như đã thất bại khi các mục tiêu chiến lược nội địa hoá xe ô tô con đều không đạt được.

Xét về chức năng, cơ quan ban hành chính sách thuế vẫn là Bộ Tài chính và Bộ này có quyền đồng tình hoặc không chấp thuận các đề xuất thuế của các Bộ khác.

Gần đây nhất là câu chuyện lộ trình giảm thuế nhập khẩu theo cam kết hội nhập trong ASEAN. Bộ Công Thương đã đề nghị vẫn giữ nguyên mức thuế nhập khẩu 50% cho đến năm 2017, đến năm 2018 giảm thẳng về 0%, nhưng Bộ Tài chính đã không đồng ý. Thông tư về biểu thuế mới này đã ban hành với việc sẽ giảm thuế nhập khẩu xuống 30% năm 2017 trước khi đưa thuế về 0%.

Một cách khách quan, Lê Hoàng Huy nhận định: "Theo biểu thuế này thì mọi người không nên phân biệt người giàu và người nghèo. Mọi người đều bình đẳng, nên nếu phân biệt như vậy lại mang tính nhỏ nhen và ganh tỵ. Biểu thuế này thực chất là đánh vào ý thức bảo vệ môi trường và tiết kiệm nhiên liệu. Không thấy nói xe sang (nhiều tiền) và xe bình dân (ít tiền). Ở đây chỉ đề cập đến dung tích động cơ. Máy to dùng nhiều xăng, xả khí thải nhiều, gây ô nhiễm nhiều nên tăng thuế là đúng. Tôi nghĩ mức thuế này vẫn nhẹ đối với các loại xe có dung tích xi-lanh từ 3,5L trở lên".

Song, đây mới chỉ là dự thảo về chính sách hỗ trợ ngành ô tô của Bộ Công Thương. Muốn đi vào thực tế, chính sách này sẽ phải có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ và có sự đồng thuận của Bộ Tài chính. Dự kiến, Chính phủ sẽ họp với các bộ ngành bàn về chính sách này vào ngày 20/1.

Phạm Huyền