Dù nhiều thương hiệu xe sang, nhiều nhãn hàng hiệu vào chiếm lĩnh thị trường hàng hóa, nhưng người Việt vẫn được xếp hạng tiết kiệm nhất thế giới.

Theo khảo sát mới công bố của hãng Nielsen, ngày 20/5, thì người tiêu dùng khu vực Đông Nam Á tiếp tục là những người thích tiết kiệm tiền nhất thế giới, với gần hai phần ba để dành tiền nhàn rỗi vào tài khoản tiết kiệm, so với mức bình quân 48% trên toàn cầu.

Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ tiết kiệm cao nhất (78%), tiếp theo là Indonesia, Philippines, Singapore...Để làm đầy tài khoản tiết kiệm, đa số người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu vào việc mua quần áo mới; cố gắng tiết kiệm tiền điện, gas, các chi phí giải trí gia đình hay trì hoãn việc nâng cấp các thiết bị công nghệ, thay thế các mặt hàng gia dụng lớn.

Việt Nam đâu đó còn tiêu hoang: Tội gì!

Tuy nhiên, khảo sát của Nielsen cho thấy xu hướng chi nhiều tiền hơn của người Việt, phản ánh qua chỉ số niềm tin người tiêu dùng tăng đáng kể trong quý I/2015, từ mức 106 điểm quý trước lên 112 điểm, cao nhất trong gần 5 năm.

Kết quả này đã giúp Việt Nam đứng thứ 6 trên 41 quốc gia và vùng lãnh thổ về mức độ lạc quan của người tiêu dùng.

{keywords}

VN mua sắm nhiều xe sang vẫn tiết kiệm nhất thế giới

Ông Vaughan Ryan - Tổng giám đốc Nielsen Việt Nam nhận định: "Những gì chúng ta đang thấy ở đây không phản ánh đúng thực trạng của thị trường, mà đúng hơn là phản ánh hy vọng và tâm trạng của người tiêu dùng Việt trong tương lai".

Thực tế, hiện nay, thu nhập bình quân theo đầu người VN đã đạt gần 2.000 USD, cụ thể là 1.960 USD/năm, đây được đánh giá là mức thu nhập trung bình.

Thế nhưng, người dân lại phải tiêu dùng cho những thứ hàng hóa đắt nhất thế giới. Ví dụ như sữa. Hồi năm 2009, giá sữa Việt Nam đã được cho là đứng hàng cao nhất thế giới, ngang với Mỹ và Canada. Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương công bố vào tháng 7/2012 cho biết, giá sữa Việt Nam cao hơn 23% so với Philippines,14% so với Malaysia...

Ô tô ở Việt Nam cũng phải cõng 5 loại thuế và 9 loại phí, Tổng giám đốc Porsche Việt Nam cho biết, người Việt Nam phải mua xe đắt gấp 2-3, thậm chí 4 lần so với thế giới.

Loại nhiên liệu thiết yếu nhất của đời sống là xăng, vốn thường được cơ quan quản lý nói thấp hơn các nước láng giềng, chiều tối ngày 20/5, giá xăng A92 và E5 tăng thêm 1.200 đồng/lít, kèm theo đó là giá cả các mặt hàng cũng ngày càng tăng cao.

Qua những con số này cho thấy, người Việt đang phải tiết kiệm trong khi giá cả các mặt hàng đang tăng lên từng ngày.

Sắm siêu xe, rinh hàng hiệu

Điều đáng nói, trong khi một số bộ phận phải chi tiêu tằn tiện, thì nhiều thương hiệu xe sang vẫn đã tìm chỗ đứng trong thị trường Việt Nam, như Lamborghini, Jaguar, Bentley và Rolls-Royce.

Hay mới đây, 10/50 chiếc Mercedes-Maybach S600 giá 96 tỷ VND/chiếc đã được giới siêu giàu Việt Nam đã “đặt gạch”. Thậm chí, theo báo cáo của VAMA, lượng tiêu thụ của toàn thị trường ôtô Việt Nam trong tháng 3/2015 đạt 16.399 xe, tăng 33% so với tháng trước và tăng 41% so với cùng kỳ năm trước.

Về thời trang, theo Euromonitor International, các thương hiệu Louis Vuitton, Dior, Burberry, Ermenegildo Zegna, Bulgari, Hermes... đều đã có mặt tại Việt Nam.

Mới đây, Việt Nam cũng được xếp hạng là nước tiêu thụ vàng đứng thứ 7 thế giới, đặc biệt là các loại trang sức, kim cương, đá quý đặc biệt phổ biến.

Trước những chi tiêu mạnh này, ông Nguyễn Văn Đực - Tổng Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành cho biết: "Tôi không ngạc nhiên trước việc này, vì đấy là thói quen đã ăn vào máu của người Việt không chỉ riêng giới nhà giàu mà ngày cả với dân nghèo.

Việt Nam nổi tiếng tiêu tiền tùy tiện nhất thế giới!

Dân không có nhà ở, phương tiện đi lại nhưng vẫn phải xài Iphone, trẻ con cưỡi trâu cũng xài điện thoại Iphone, bà bán đồng nát cũng dắt túi Iphone… trong khi đó, tỉ lệ ăn nhậu được thống kê VN đang dẫn đầu Đông Nam Á".

Theo ông Đực, điều bất cập nhất là, một nước nghèo, điều kiện kinh tế khó khăn như hiện nay mà tình trạng tiêu xài hoang phí như vậy vẫn diễn ra hàng ngày?

Trước đó, trong buổi tọa đàm góp ý kiến sửa đổi dự thảo Luật ngân sách nhà nước (sửa đổi), ngày 12/5 do Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM tổ chức, TS Trần Du Lịch đã phải thốt lên: "Tôi đã đi nhiều nước nhưng không có nước nào xài tiền tùy tiện như Việt Nam. Tôi làm việc với Quốc hội Pháp, họ không mời được bữa cơm vì chưa thông qua ngân sách".

Còn chuyên gia Nguyễn Trần Bạt dẫn lời một giáo sư người Pháp nhận xét rằng: "Người Việt tiêu xài còn hơn cả Mỹ!".

TS. Võ Trí Thành thuộc Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương nhận định: "Tăng tiêu dùng, nhất là từ nguồn nhập khẩu, sẽ làm đảo lộn cán cân thanh toán vĩ mô. Đây là điều đáng lo ngại”.

(Theo Đất Việt)