Cây vải thiều tại Bắc Giang bước vào chính vụ thu hoạch với sản lượng 180 nghìn tấn, thời gian bắt đầu 20/5 đến 20/7. Song, tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh đang rất phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất và tiêu thụ loại quả đặc sản này.

Để tiêu thụ vải thiều thuận lợi, UBND tỉnh Bắc Giang đề nghị huyện Lục Ngạn thành lập các tổ chốt, trạm tại các tuyến đường chính giáp ranh với các huyện Lục Nam, Sơn Động (Bắc Giang), Đình Lập, Hữu Lũng (Lạng Sơn) để kiểm soát công tác phòng, chống dịch Covid-19, bảo đảm an toàn vùng sản xuất vải thiều, thời hạn bắt đầu từ 20/5.

Đồng thời, ưu tiên tiêm vắc xin Covid-19 cho người dân vùng có vải, vận động người trồng vải không đi khỏi địa bàn. Khuyến khích, thúc đẩy đầu tư các lò sấy vải thiều.

Xây dựng kịch bản huy động lực lượng cho công tác thu hoạch, tiêu thụ vải thiều trên địa bàn; triển khai việc thành lập các tổ liên kết giữa các hộ trồng vải với nhau theo khu vực, địa bàn để hỗ trợ trong thu hái, vận chuyển.

Huyện Lục Ngạn và Tân Yên rà soát, khẩn trương lập danh sách, khoanh vùng và lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 với toàn bộ công nhân trên địa bàn huyện đi làm tại các khu công nghiệp; tầm soát đối với các trường hợp là F1 đưa về khu cách ly tập trung của tỉnh.

{keywords}
Vải thiều Bắc Giang năm nay sẽ được đẩy mạnh bán online trên mạng xã hội và các sàn thương mại điện tử (ảnh: BH)

Phối hợp với Sở NN-PTNT tỉnh xây dựng phương án thu hoạch, đóng gói vải thiều đáp ứng các điều kiện, yêu cầu để xuất khẩu và tiêu thụ trong nước; có thể truy xuất được nguồn gốc sản phẩm với các thông tin về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói đảm bảo rõ ràng, an toàn dịch Covid-19.

Trong trường hợp cần thiết, báo cáo Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Quân khu 1 cho phép lực lượng quân đội trên địa bàn tỉnh hỗ trợ người dân thu hoạch, đóng gói, vận chuyển vải thiều trên cơ sở kế hoạch hiệp đồng lực lượng về công tác phòng chống thiên tai.

Về công tác tiêu thụ vải thiều, tỉnh Bắc Giang đề nghị Sở Công Thương phối hợp cùng các địa phương làm việc với phía Trung Quốc để thúc đẩy, tạo điều kiện, kịp thời cho thương nhân Trung Quốc được nhập  cảnh, sang khảo sát, đàm phán thu mua vải thiều tại Bắc Giang trong thời gian sớm nhất. Đẩy mạnh sự hỗ trợ của các cơ quan ngoại giao, tham tán kinh tế của Việt Nam ở nước ngoài như Nhật Bản, Úc, Singapore, châu Âu... trong việc quảng bá, tiêu thụ vải thiều của tỉnh tại thị trường xuất khẩu. 

Cần chủ động mời gọi các các chợ đầu mối trong toàn quốc, với các  đối tác tiêu thụ lớn như: hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, các doanh nghiệp chế biến nông sản thực phẩm đến tỉnh Bắc Giang khảo sát, liên kết, ký hợp đồng tiêu thụ vải thiều. 

Ngoài ra, UBND tỉnh Bắc Giang còn yêu cầu tập trung cao cho hình thức tiêu thụ, chào bán sản phẩm vải thiều trên các sàn thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng online như: tiki.vn, lazada.vn, sendo.vn, voso.vn...; bán hàng online trên các trang mạng xã hội zalo, facebook, youtube.

Bên cạnh đó, hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia, thiết kế các gian hàng tiêu thụ trên Sàn thương mại điện tử uy tín như Alibaba, Amazon, Sendo, Voso, Shopee,... phối hợp với các sàn thương mại điện tử kết nối với các chuỗi cung ứng, đảm bảo hệ thống hậu cần như vận chuyển, kho lạnh, đóng gói để đưa sản phẩm vải thiều đảm bảo chất lượng đến tay người tiêu dùng.

Trước đó, tỉnh đã gửi công văn đề nghị Bộ Công Thương, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số phối hợp, hỗ trợ xây dựng chương trình đẩy mạnh phân phối vải thiều Bắc Giang qua “Gian hàng Việt trực tuyến” và trên các sàn thương mại điện tử để đưa sản phẩm vải thiều hướng tới một kênh phân phối mới, hiện đại và bền vững trên nền tảng số.

T.A

Bán hàng vào chợ mới, vải thiều u trứng đắt giá hiếm có

Bán hàng vào chợ mới, vải thiều u trứng đắt giá hiếm có

Vải thiều u trứng Thanh Hà năm nay chính thức lên sàn thương mại điện tử. Đáng chú ý, những hộp vải hữu cơ này còn được rao bán với giá cao chót vót.