Từ cuối năm 2018, trong group kín Facebook có tên “VNN***tầng 1”, quản trị viên của nhóm đăng bán hàng loạt các sản phẩm với mô tả đây là "bánh cần sa", "bánh phê" với giá từ 100.000-500.000 đồng.

"Bánh cần sa" núp bóng bánh quy

Đáng chú ý, các bài đăng giới thiệu công năng, tác dụng của loại "bánh phê" này luôn được gửi kèm liên kết đến gian hàng trên trang thương mại điện tử Shopee.

“Như vậy, người mua chỉ cần đặt hàng, việc vận chuyển và thu tiền hộ sẽ do Shopee đảm nhận thay cho người bán”, Lê Minh Hiệp, người có kinh nghiệm thương mại điện tử 7 năm và đang là quản trị viên cộng đồng bán hàng Facebook với 8.000 thành viên phân tích.

{keywords}
Bốn chiếc bánh quy với giá 500.000 nghìn đồng trên Shopee được một số người quảng cáo có chất gây nghiện để chào mời trên Facebook.

Theo lời người bán trên Facebook, những loại “bánh phê” này sẽ gây “tăng động”, “trở nên vớ vẩn” và “trêu chọc người khác”... bên dưới dòng quảng cáo là đường dẫn đến Shopee.

“Nó khác với hút ở chỗ là ngấm từ từ. Sau đó, nó giựt cho nát người như mới hút 3-4 điếu, đủ để phê 3-4 giờ”, tài khoản quản trị viên nhóm Facebook “VNN****tầng 1” mô tả cảm giác khi sử dụng “bánh phê” được bán trên Shopee.

Theo số liệu trên Shopee, chủ gian hàng đã bán thành công 70 đơn hàng gồm bánh quy, bánh kem, socola được giới thiệu có nguyên liệu cần sa và các chất kích thích với số tiền thu về gần 20 triệu đồng.

Giá của các sản phẩm trong gian hàng này dao động từ 100.000-500.000 đồng. Điều này khiến nhiều nhiều người không khỏi thắc mắc sản phẩm chỉ là bánh quy. “Bốn cái bánh quy này có gì mà giá 500 nghìn đồng ghê vậy”, tài khoản Minh Vương đăng thắc mắc của mình trong một nhóm Facebook cộng đồng bán hàng Shopee.

Ngoài Facebook, chủ gian hàng cũng xây dựng website nhằm giới thiệu công dụng của các loại thực phẩm chức năng "người lớn". Nếu có ý định đặt mua, người dùng sẽ được dẫn liên kết về Shopee.

Việc tư vấn mua hàng được chủ gian hàng thực hiện trong nhóm kín Facebook. Trên Shopee, người bán không trả lời các tin nhắn thắc mắc của người mua.

Chính sách dễ dãi, tiếp tay vận chuyển hàng cấm

“Không phải ngẫu nhiên mà chủ cửa hàng này chọn Shopee làm đơn vị trung gian vận chuyển. Shopee là nền tảng thương mại điện tử kiểm soát lỏng lẻo nhưng có quy mô lớn tại Việt Nam”, ông Hiệp nói thêm.

Cũng theo ông Hiệp, bản thân ông chỉ mất chưa tới 30 phút để mở một cửa hàng trên Shopee. “Tất cả những gì tôi cần là số điện thoại để xác nhận mã OTP, tài khoản ngân hàng để rút tiền về”, ông Hiệp chia sẻ.

{keywords}
"Bánh phê" được giới thiệu công dụng trên Facebook và đính kèm liên kết đến gian hàng Shopee.

“Với mức giá đắt như các loại bánh quy trên, người mua bình thường sẽ không bao giờ đặt hàng. Chỉ những người trong cộng đồng nhóm kín Facebook được xây dựng bởi người bán mới "chốt đơn". Từ đó loại trừ khả năng bán cho nhầm người”, ông Hiệp phân tích.

Sử dụng nhóm kín để quảng bá sản phẩm và dùng Shopee để phân phối nên những gian hàng như vậy rất khó để phát hiện, thống kê số lượng. Vì vậy, mức độ ảnh hưởng của việc kinh doanh "bánh cần sa" trên Shopee cũng khó thống kê.

Hiện nay, những khách hàng lớn có ký kết hợp đồng với đơn vị vận chuyển sẽ có giấy phép đăng ký kinh doanh, dễ dàng cho truy xuất thông tin khi xảy ra sự cố. Đối với khách hàng nhỏ lẻ, các đơn vị vận chuyển sẽ yêu cầu kiểm tra hàng trước khi nhận vận chuyển để đảm bảo không có hàng cấm.

“Riêng với Shopee, việc nhận đơn của đơn vị vận chuyển khá dễ dãi. Người bán chỉ cần đóng gói cẩn thận và giao cho shiper. Thậm chí, vỏ hộp có thể để logo của các sàn thương mại điện tử khác cũng được”, ông Hiệp chia sẻ.

Đặc biệt, hiện Shopee không thu phí dịch vụ. Thậm chí, những đơn hàng trên 150.000 đồng còn được sàn thương mại điện tử này miễn phí vận chuyển. Điều này khiến Shopee trở thành sàn thương mại được nhiều người bán hàng tạm bợ, kém chất lượng lựa chọn làm trung gian trong đó có các loại bánh được giới thiệu có cần sa và gây phê.

Shopee thừa nhận không đủ sức kiểm duyệt, đã báo công an điều tra

Gần đây, trước thông tin sàn thương mại Shopee tràn lan hàng giả, nhái đại diện công ty này cho rằng họ không đủ năng lực để phân biệt.

“Với lượng người tham gia kinh doanh và số lượng mặt hàng lớn và Shopee không phải là một tổ chức có thẩm quyền/chức năng/nghiệp vụ cũng như không có đủ năng lực chuyên môn để thẩm định chất lượng sản phẩm đăng bán có phải là hàng giả/hàng nhái hay không, rất khó để có thể phân biệt đâu là hàng giả, hàng nhái kém chất lượng khi khách hàng đăng bán”, đại diện Shopee trả lời.

{keywords}
Hình ảnh sản phẩm được người mua chụp và đăng trong nhóm kín để "review" sản phẩm cho người mua sau.

Trong chính sách của mình, Shopee tuyên bố miễn trừ trách nhiệm với chất lượng sản phẩm. Nếu xảy ra tranh chấp, khách hàng và người bán trực tiếp khiếu nại, các sàn TMĐT trên sẽ đứng ngoài.

Cũng theo Shopee, trách nhiệm đảm bảo tính chính xác, trung thực của thông tin về hàng hóa, dịch vụ cung cấp trên sàn giao dịch thương mại điện tử theo quy định tại Điều 37.3 của Nghị định 52 là của chủ gian hàng. 

Hiện mức phạt cao nhất mà sàn thương mại này áp dụng là tạm khóa gian hàng trong 28 ngày, nhẹ nhất trong các sản thương mại điện tử tại Việt Nam.

"Với mức phạt "tạm khóa 28 ngày" cùng cơ chế đăng ký gian hàng dễ dàng, có thể thấy Shopee chưa thật sự làm hết khả năng để ngăn chặn hàng giả, nhái kém chất lượng trên nền tảng của mình", Trọng Nhân, chuyên gia marketing, thương hiệu thuộc Mieu chia sẻ.

Chúng tôi đã liên hệ với Shopee về việc "bánh cần sa" được rao bán trên nền tảng thương mại điện tử này. Tuy không trả lời các câu hỏi cụ thể nhưng Shopee đã xóa tất cả sản phẩm được đề cập và tài khoản của người bán. 

"Liên quan đến vụ việc này, Shopee đã tiếp nhận thông tin và đang phối hợp với cơ quan cơ quan công an có thẩm quyền để xử lý theo quy định pháp luật", đại diện Shopee trả lời trong mail.

(Theo Zing)