{keywords}

Ở xã Cao Bồ (Vị Xuyên, Hà Giang), cây chè Shan tuyết không chỉ là kế sinh nhai mà còn là con đường thoát nghèo, là máu thịt và linh hồn của cả một miền biên viễn nơi cực Bắc tổ quốc. Cũng chính ở đó, hàng ngàn tấn chè đen, chè xanh hữu cơ được xuất đi các thị trường khó tính như Ðức, Mỹ, Canada,... mở hướng phát triển bền vững cho vùng chè cổ thụ vốn được coi là "vàng xanh" của núi rừng Hà Giang.

{keywords}

Những ngày cuối năm 2019, mất khá nhiều thời gian để vượt qua đoạn đường núi khúc khuỷu, chiếc xe ô tô 16 chỗ chở đoàn chúng tôi cũng đến được xã Cao Bồ. Ở độ cao trên 1.000 mét so với mực nước biển, cơn mưa rừng vừa tạnh, bản làng của người Dao bắt đầu hiện ra với những ngôi nhà khang trang.

Dẫn chúng tôi lên thăm rừng chè Shan tuyết cổ thụ, Chủ tịch UBND xã Cao Bồ Lý Quốc Hưng vừa đi vừa giới thiệu về loại cây đặc sản hàng trăm năm nay mà thiên nhiên ban tặng cho bà con người Dao trên mảnh đất này.

Theo lời ông Hưng, xét về cả số lượng lẫn tuổi đời thì ít có cây chè nơi nào sánh được với chè Cao Bồ. Bởi, trung bình mỗi cây chè nơi đây đều có “thâm niên” trên dưới 40 năm, thậm chí ở vương quốc chè cổ thụ này có nhiều cây lên tới hàng trăm năm tuổi.

“Ở đây còn có hai cụ chè tuổi đời ước tính khoảng 500 năm”, ông tiết lộ hai cụ chè này cao khoảng 20m, đường kính gốc lên tới 1 mét, 2 người lớn ôm không xuể.

Khi chúng tôi hỏi những cây chè cổ thụ này có nguồn gốc từ đâu, ông Hưng lắc đầu nói không biết chính xác được. Nhưng theo kinh nghiệm và lời của các cao niên trong bản, chè cổ thụ ở nơi đây tồn tại từ đời này qua đời khác, không ai biết giống chè này từ đâu mà có, song ai cũng coi đây là “báu vật” trời cho, là kho “vàng xanh” của người dân Cao Bồ.

{keywords}

Những người cao niên trong bản cũng kể lại, vùng chè này có cách đây 7 đời, tức là hơn 200 năm. Các cụ lấy quả từ cây chè già nhất để gieo thành cây. Giờ lứa ít nhất cũng tới vài chục năm tuổi.

Điểm đặc trưng của cây chè Shan tuyết Cao Bồ chính là “tuyết ở lá chè”. Ông Hưng giải thích, những cây chè trồng ở độ cao dưới 400m so với mực nước biển thì không bao giờ có tuyết. Như ở vùng Cao Bồ, cây chè được trồng ở độ cao tới 1.000m so với mặt nước biển nên tuyết nằm ở cánh chè. Đó là những sợi lông tơ khi đem sao lên mới chuyển màu trắng, trắng thì gọi là tuyết.

Theo con số mới thống kê, toàn xã Cao Bồ hiện có tới 850ha chè, trong đó diện tích cho thu hoạch khoảng hơn 700ha. Mỗi 1ha ước tính có trên 1.000 cây chè được trồng phân tán khắp các khu rừng.

Tháng 6/2016, Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam chính thức trao “Bằng công nhận cây Di sản Việt Nam” cho quần thể 220 cây chè Shan tuyết trên 100 năm tuổi ở xã Cao Bồ. Trước đó, cây chè Shan tuyết nơi đây cũng được Liên đoàn quốc tế về phong trào sản xuất nông nghiệp hữu cơ (IFOAM) cấp chứng chỉ Chè hữu cơ - Organic Cao Bồ.

Cao Bồ hiện nay có hai loại chè chính là chè vùng cao với tỷ lệ đường lớn hơn và chè vùng thấp với nhiều chất tanin hơn, khi uống vào sẽ có vị chan chát rất đặc thù.

{keywords}

Là hộ gia đình đổi đời từ cây chè cổ ở xã Cao Bồ, vợ chồng chị Lý Thị Dầu hiện sở hữu khoảng 3ha chè cổ thụ, một năm thu hoạch 3 vụ. Mỗi ngày, chị cùng mẹ chồng lên núi thu hái chè, tối về lại bận rộn với công việc chế biến.

Chị tiết lộ, thu nhập của gia đình chị ngày một khấm khá. Dù không hạch toán hay ghi sổ sách chi tiết, song áng chừng như vụ vừa rồi, nhà chị bán được 3-4 tạ chè khô với giá 300.000 đồng/kg.

“Nhờ làm chè theo hướng hữu cơ mà gia đình tôi thoát được cảnh đói nghèo. Nay dựng được căn nhà gỗ khang trang, xây khu nhà xưởng chế biến chè khá rộng rãi. Mới đây còn “tậu” được cả xe hơi, mua két sắt giữ tiền”, chị khoe.

Chị kể, khi sinh ra đã biết tới cây chè cổ thụ, bố mẹ chị, thậm chí cả bà nội của chị nay đã 90 tuổi cũng không biết ai trồng.

Trước thấy cây chè ở đây thì hái  về dùng, thừa thì bán, nhưng giá bán giá rất rẻ. Còn giờ được dạy làm chè chất lượng cao, có thương hiệu nên bán giá rất đắt.

“Cây chè này cũng không phải chăm sóc gì nhiều, mỗi năm chỉ phát cỏ một lần. Cây sinh trưởng tự nhiên, hoàn toàn không dùng phân bón. Ông cha đã để lại cho mình tài sản quý báu như vậy thì thế hệ con cháu mình tiếp nhận lại phải giữ gìn và chăm sóc như thế nào để có thể khai thác được nguồn lợi rất quý này”, chị Dầu chia sẻ.

Theo chồng chị Dầu - anh Hoàng Tinh Khiêm, mấy năm trước giá chè rất rẻ, cũng chưa mấy ai quan tâm đến sản phẩm chè hữu cơ. Cộng đồng người Dao khi ấy không mặn mà gì với cây trồng này. Nhưng bây giờ, cùng với các chương trình hỗ trợ của nhà nước, chính quyền địa phương, bà con vùng dân tộc thiểu số như hộ gia đình nhà anh được tham dự các khóa học kinh doanh, buôn bán, học kỹ thuật chế biến chè hữu cơ, thậm chí được hỗ trợ tiền xây nhà xưởng. Nhờ đó, các sản phẩm mà người dân làm ra đạt chuẩn, cây chè Shan tuyết ở xã Cao Bồi cũng được nâng tầm.

Ông Đặng Văn Chiến ở xã Cao Bồ cũng cho biết, gia đình ông bắt đầu canh tác từ năm 2008, sau hơn 10 năm, ông đã có trong tay một cơ ngơi khang trang với căn nhà còn thơm mùi gỗ và nhiều đồ đạc mới.

Ngồi nhẩm tính, ông Chiến tiết lộ, mỗi năm cây chè mang về cho gia đình ông từ 100-500 triệu đồng sau khi trừ chi phí chăm sóc, thu hoạch, sơ chế và vận chuyển. Đây là điều mà trước kia ông không bao giờ dám nghĩ mình sẽ làm được.

{keywords}

Với quy trình chuẩn hữu cơ, người dân địa phương hoàn toàn không sử dụng bất cứ loại thuốc trừ sâu hay phân bón hóa học nào trong suốt quá trình sản xuất. Các khâu từ trồng, thu hoạch, chế biến,... đều được làm tự nhiên theo cách thức cổ truyền nên sản phẩm chè hữu cơ Cao Bồ hiện làm ra không đủ cung cấp cho thị trường trong nước.

“Chè hữu cơ Cao Bồ còn được xuất khẩu đi rất nhiều nước như: Đức, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc,... Phản hồi từ các đối tác nước ngoài là hết sức tích cực”, ông Lý Quốc Hưng khoe.

Ông Hưng cho hay, vào thời điểm tháng hai, tháng ba âm lịch, mỗi cân chè Cao Bồ được bán với giá 60.000 đồng. Riêng năm 2019, mức giá đã tăng gấp đôi, lên mức 120.000 đồng/kg.

Trong 6 tháng đầu năm 2019, toàn xã đã thu hoạch được 200 tấn chè búp tươi, giá trị ước tính đạt 10 tỷ đồng. Bình quân mỗi gia đình thu nhập từ trồng chè khoảng 42-43 triệu đồng/năm. Cũng có những gia đình giàu lên vì trồng chè với thu nhập vài trăm triệu đồng/năm.

Cũng theo ông Hưng, hiện cả 11 thôn trong xã Cao Bồ đều trồng chè. Các hộ gia đình trong địa bàn xã (96% là dân tộc Dao, 3% là người dân tộc Tày) đều làm chè hữu cơ và xác định giữ thương hiệu chè hữu cơ là cốt lõi. Tất cả các thôn bản đều có quy ước bảo vệ thương hiệu chè hữu cơ, nghiêm cấm 100% gia đình không được sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ. Hàng năm, công ty chè và xã đều trả chi phí cho một công ty Thái Lan tư vấn và đánh giá, kiểm tra chất lượng sản phẩm đúng chuẩn.

“Với người Dao ở Cao Bồ, cây chè Shan tuyết cổ thụ giờ không chỉ là biểu tượng của vùng đất mà còn trở thành con đường giúp người dân địa phương từng bước thoát nghèo hiệu quả,” Chủ tịch xã Lý Quốc Hưng nhấn mạnh.

Bảo Hân–Thái An

Thiết kế: Đỗ Diễm Anh