Bỏ việc lương 9 triệu đồng/tháng về bán hàng online

Chị T. (33 tuổi, quê ở Nam Định) kết hôn năm 2012 và có hai con trai. Thời điểm đó, chị làm kế toán cho một doanh nghiệp nhỏ với mức lương 6 triệu đồng/tháng, còn chồng làm quản lý nhà hàng thu nhập 10 triệu đồng. Sau 3 năm, chị được tăng lương lên 9 triệu đồng/tháng, chồng lương 12 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, thu nhập trên vẫn không đủ chi tiêu sinh hoạt cho gia đình 4 thành viên.

Mỗi tháng, chị tốn khoảng 7 triệu đồng tiền học, tiền bỉm sữa lặt vặt cho hai con. Chi phí ăn uống, điện nước,... của hai vợ chồng gói gọn trong 6 triệu đồng. Các khoản phát sinh khác như tiền hiếu hỉ, hỗ trợ bố mẹ già,... tầm 4 triệu đồng/tháng.

Dù tổng thu nhập hai vợ chồng 21 triệu đồng nhưng trừ các khoản chi tiêu cần thiết, mỗi tháng, anh chị chỉ dư hơn 3 triệu đồng. Tháng nào không may con ốm, phải đi viện là hết.

Sau gần 4 năm lập gia đình, hai vợ chồng chị T. dành dụm được 70 triệu đồng, chỉ đủ đề phòng ốm đau. Công việc bận rộn, nhu cầu học tập, ăn uống của con cái ngày một tăng, thu nhập của anh chị chỉ còn đủ tiêu, không dư nữa. Áp lực cơm áo gạo tiền lớn khiến chị T. quyết định từ bỏ công việc hiện tại để tìm hướng đi mới.

“Nhiều hôm phải làm sổ sách quyết toán, 9 giờ tối mình mới về nhà. Con cái phải nhờ ông bà nội đưa đón mà thu nhập thì chỉ có thế. Nếu cứ an phận như vậy thì chẳng biết bao giờ mới khá lên. Nhà cửa, chồng con thì không lo được chu đáo. Mình xin nghỉ việc, bố mẹ không ai ủng hộ, chỉ có chồng động viên. Nếu không thay đổi thì làm chẳng tiết kiệm được đồng nào mà các con ngày càng lớn, nhiều khoản phải đầu tư”, chị T. tâm sự.

Nghỉ việc, chị mày mò trên mạng, thấy hoạt động bán hàng online nở rộ nên mạnh dạn thử sức. Khi tìm hiểu, chị nhận ra nhu cầu sử dụng thực phẩm sạch khá cao mà người tiêu dùng thì quá bận rộn để mua sắm. Vừa hay bố mẹ đẻ ở quê làm nông, có cả vườn rau và ao chuôm rộng rãi nên chị không lo khoản tìm nguồn cung cấp.

Bán mặt hàng “của nhà trồng được”, thu lời vài chục triệu đồng/tháng

{keywords}
Các mặt hàng thực phẩm tươi sạch được chị T. lấy từ quê lên giao cho khách ở HN.

Nông sản, thực phẩm ở quê đảm bảo an toàn, không phun thuốc nên được người dân ưa chuộng. Từ rau củ quả cho đến cá, thịt gà, thịt lợn,... chị đều bán. Tháng đầu chưa quen, khách mua còn lẻ tẻ nên chị chỉ chốt được gần chục đơn/ngày, chẳng có lời lãi còn mất công vận chuyển.

Không nản chí, chị tích cực rao bán các mặt hàng nông sản, thực phẩm sạch của nhà trên nhiều hội nhóm mạng xã hội để tiếp cận khách hàng hơn. Sang tháng thứ 2, việc buôn bán online bắt đầu thuận lợi.

“Mình đăng bài trên trang cá nhân rồi trong các nhóm, khách mua thì mình chốt đơn. Được bao nhiêu đơn thì mình báo về nhà rồi bố mẹ chuẩn bị, sáng sớm gửi xe khách lên cho. Nhận được đồ thì mình mang đi giao cho khách luôn để giữ độ tươi của thực phẩm”, chị T. nói.

Rau sạch, thực phẩm tươi ngon mà chị lại khéo ăn nói nên khách hàng hài lòng, ủng hộ thường xuyên. Mỗi ngày chị chốt được khoảng 30-40 đơn. Chị cũng tự đảm nhiệm mọi việc, từ cân hàng, đóng túi cho đến đi giao hàng nên tiết kiệm được chi phí nhân công.

Thực phẩm ở quê rẻ nhưng lên Hà Nội được giá cao hơn nên chị thu lời khá khẩm. Chưa kể, chị còn nhận giao tận nhà, vừa có thêm phí ship, vừa có công mang đồ tận nơi. Khách ở chung cư, chị mang tới tận cửa phòng. Nhiều người bận rộn rất thích mua thực phẩm từ chị T. để không mất công di chuyển.

Trung bình mỗi tháng, trừ các chi phí thì chị thu được khoảng 10 triệu đồng tiền lãi.

{keywords}
Mùa nào thức nấy, ngoài thực phẩm sạch từ quê, chị còn làm thêm nhiều loại đồ ăn để bán.

Thấy thời gian vẫn dư dả, chị lại nảy ra ý tưởng tự làm thêm đồ ăn. Mỗi mùa, chị làm những món khác nhau. Mùa hè thì làm chè, kem, thạch, nước ép,.... còn mùa đông thì chị bán thịt đông, giò xào,... Chị khéo tay, lựa chọn nguyên liệu an toàn, đảm bảo nên tạo được hương vị riêng.

Hôm nào có khách đặt tiệc với số lượng lớn, chị cũng nhận làm. Nhờ thế mà mỗi ngày, chị chốt được thêm 15-20 đơn nữa.

Sau 1 năm, lượng đơn hàng ngày của chị đạt tới 70-80 đơn đủ các loại, thu lời khoảng 1,2-1,5 triệu đồng. Thu nhập mỗi tháng trung bình cũng đạt gần 40 triệu đồng, có đợt đỉnh điểm, chị kiếm được cả 50 triệu đồng.

Dù kinh tế khấm khá hơn nhưng chị vẫn thực hiện kế hoạch thắt chặt chi tiêu, chủ yếu sử dụng tiền lương của chồng còn tiền lời bán hàng gửi sổ tiết kiệm. Năm đầu tiên, gom cả tiền tiết kiệm trước khi nghỉ việc và tiền mừng cưới, anh chị có gần 500 triệu đồng.

5 năm “tậu” hai mảnh đất bạc tỉ ở Thủ đô

Cuối năm 2017, được người quen giới thiệu, anh chị rút hết tiền tiết kiệm để mua mảnh đất 35m2 với giá 14 triệu đồng/m2 ở quận Hoàng Mai.

Hai năm tiếp theo, chị tiết kiệm được 780 triệu tiền lời từ việc bán hàng online. Lương chồng chị cũng tăng lên 15 triệu đồng/tháng. Lúc này, mảnh đất ở Hoàng Mai được khách trả giá 870 triệu đồng, anh chị bán luôn.

Không muốn để tiền “đóng băng”, vợ chồng chị tìm mua một mảnh đất khác ở quận Bắc Từ Liêm rộng 52m2 với giá 19 triệu đồng/m2 (khoảng 990 triệu đồng).

{keywords}
Không chạy theo cơn sốt, anh chị đầu tư mua đất ven đô.

Đầu năm 2020, dịch bệnh Covid-19 bùng phát và kéo dài, công việc của chồng chị bị ảnh hưởng vì hàng quán đóng cửa, chị cũng buôn bán được ít hơn nên thu nhập hai vợ chồng giảm đáng kể. Đến tháng 8, anh chị chỉ tích cóp được 150 triệu đồng. Thời điểm này, giá nhà đất cũng giảm mạnh nên chị T. quyết định đầu tư tiếp.

Tìm hiểu trên mạng, anh chị thấy có mảnh đất ở Hoàng Mai được rao bán với giá 800 triệu đồng, rộng 38m2 nên đi xem trực tiếp. Lô đất này gần khu vực “tậu” mảnh đầu tiên, thấy có tiềm năng nên vợ chồng chị “dốc hết vốn” để mua.

Sau 5 năm bỏ việc về bán hàng online, chị T. đã mua được hai mảnh đất ở Thủ đô khiến nhiều người không khỏi thán phục. Chị cảm thấy may mắn vì quyết định đúng đắn, dám thử sức với công việc mới dù gia đình không ủng hộ.

Hiện tại, chị vẫn duy trì công việc bán hàng online còn chồng chị cũng dần ổn định việc làm ở nhà hàng khi dịch bệnh được kiểm soát. Chị tiếp tục thực hiện kế hoạch chi tiêu tiết kiệm để tích cóp tiền cho những mục tiêu lớn hơn cũng như tìm hiểu mở rộng mặt hàng để phục vụ nhu cầu mua sắm của khách hàng, chuyên nghiệp hóa việc vận chuyển,...

(Theo Dân Trí)