Được mùa nông dân vẫn khóc ròng

Những ngày này, dù được mùa nhưng người dân tại một số xã của huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) lại đối diện với thua lỗ nặng do giá dứa giảm kỷ lục.

Theo người dân trồng dứa ở xã Tân Thắng, Quỳnh Thắng (Quỳnh Lưu), năm ngoái giá dứa bán trung bình được từ 7.000-9.000 đồng/kg, người dân phấn khởi vì được mùa được cả giá. Thế nhưng, năm nay mới đầu mùa giá loại quả chủ lực tại địa phương này lại rớt thê thảm. Dứa loại 1 chỉ bán được khoảng 3.000 đồng/kg, dứa loại 2 thì giá giảm còn 1.000-1.500 đồng/kg.

Anh Lê Văn Phú ở xã Tân Thắng, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) than thở, gia đình anh trồng tổng cộng 2ha. Năm nay dứa chín sớm, giá lại xuống thấp, chỉ còn 3.000 đồng/kg. Bán hết 1ha mới được 40 triệu đồng như này thì gia đình anh lỗ nặng. Bởi, số tiền thu được không đủ tiền giống, phân bón và tiền công chăm sóc.

{keywords}
Giá dứa ở Nghệ An giảm mạnh, người nông dân tự chở ra quốc lộ bán để vớt vát vốn (ảnh: Báo Nghệ An)

Cùng cảnh ngộ, ông Phú ở xã Tân Thắng cũng cho biết, năm trước gia đình ông thu được khoảng 500 triệu, năm nay giá xuống thấp nên ước tính 4ha dứa chỉ thu được 200 triệu đồng. Tính ra, ông lỗ khoảng 100 triệu đồng, đó là chưa kể công thuê mướn người chăm sóc.

Cuối tháng 2 đầu tháng 3 vừa qua, người nông dân trồng khoai lang ở huyện Phú Thiện (Gia Lai) cũng khóc ròng vì khoai lang đến vụ thu hoạch nhưng bí đầu ra. Theo đó, giá loại khoai đẹp giảm chỉ còn 5.000 đồng/kg, loại 2 giảm còn 1.500 đồng/kg.

Theo nhiều hộ dân ở huyện Phú Thiện, trung bình mỗi 1ha khoai lang Nhật đầu tư hết khoảng 50-70 triệu đồng, còn nếu đi thuê đất làm thì tiền đầu tư sẽ cao hơn nhiều.

Các năm trước, thời điểm giá cao bán được từ 10.000-15.000 đồng/kg khiến bà con ai cũng phấn khởi. Bởi, trồng khoai lang thu lời gấp 3-4 lần trồng lúa. Thế nhưng năm nay không thấy thương lái tìm đến mua, cả xã Chư A Thai mới có 3-4 hộ bán được khoai nhờ “mời tiểu thương” ở chợ đến lấy hàng bán lẻ.

Để giải quyết tình trạng khó khăn cho bà con trồng khoai lang, các cuộc giải cứu lại diễn ra khắp các thành phố, nhất là ở TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

Thê thảm nhất là mặt hàng tiêu - loại cây được ví như “vàng đen” nhưng thời gian gần đây giá liên tục giảm sâu khiến người nông dân ở Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu, Gia Lai,... thua lỗ nặng, tiêu chín đỏ trên cây mà các nhà vườn không thèm thu hái.

Đáng chú ý, tại huyện Chư Sê - nơi từng được mệnh danh là thủ phủ hồ tiêu của Gia Lai - nay đã biến thành những “nghĩa địa tiêu” trên vùng đất đỏ. Các tỷ phú tiêu một thời giờ tha hương cầu thực nơi đất khách. Giá tiêu sụt giảm chạm đáy khiến đời sống của người dân lâm vào cảnh bế tắc, ngập trong đống nợ.

{keywords}
Cơ quan chức năng cho biết, nhiều mặt hàng giảm giá kỷ lục nguyên dân là do người dân ồ ạt mở rộng diện tích khiến cung vượt cầu

Ồ ạt mở rộng diện tích khiến cung vượt cầu

Về việc giá tiêu đang giảm chạm đáy, ông Nguyễn Nam Hải - Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), cho biết, năm 2013 và 2014 giá tiêu lên cơn sốt, tăng vót lên mức 230.000 đồng/kg. Khi giá tiêu lên đến đỉnh điểm, nông dân ở các địa phương mở rộng diện tích trồng. Thậm chí, tiêu còn được trồng ở cả những diện tích không đủ điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu với hy vọng đạt được giá trị cao.

Năm 2013, tại Việt Nam, diện tích trồng tiêu chỉ trên 53.000 ha. Tuy nhiên, sau 5 năm, đến 2018, diện tích trồng tiêu cả nước là 152.000 ha, tăng gấp 3 lần. Đơn cử theo quy hoạch đến năm 2020, diện tích hồ tiêu Gia Lai là 6.000 ha. Song, số liệu từ “Niên giám thống kê Gia Lai” cho thấy, đến cuối năm 2017, con số này đã lên tới 17.750 ha, vượt xa quy hoạch ban đầu. 

Hậu quả của việc ồ ạt mở rộng diện tích là cung vượt cầu, giá giảm mạnh. Từ mức giá đạt đỉnh 230.000 đồng/kg năm 2013 đến nay giá mặt hàng này đã giảm xuống chỉ còn trên dưới 45.000 đồng/kg. Đây là mức thấp nhất trong khoảng 10 năm trở lại đây, thấp hơn giá thành mà người nông dân làm ra là 50.000 đồng/kg.

Trên báo Dân Việt, ông Phan Tiến Dũng - Chủ tịch UBND xã Tân Thắng - cho biết, nguyên dân giá dứa giảm dịp này là do nông dân trong vùng ồ ạt mở rộng diện tích khiến cung vượt cầu.

Theo ông, diện tích dứa trên địa bàn xã hiện lên tới hơn 700ha. Năm ngoái dứa được mùa, nhưng không rớt giá nên bà con phấn khởi. UBND xã đã có khuyến cáo người dân không nên mở rộng diện tích trồng dứa, tránh cung vượt cầu nhưng người dân vẫn mạnh ai người đó trồng.

Ông Vũ Lê Hùng - Chủ tịch UBND xã Quỳnh Vinh, cũng thừa nhận, do dứa năm ngoái được giá, người trồng rất phấn khởi nên ồ ạt mở rộng diện tích, bất chấp khuyến cáo của chính quyền địa phương. “Thời gian tới, khi thu hoạch xong chúng tôi sẽ chủ trương ổn định diện tích dứa, không mở rộng thêm để tránh tình trạng được mùa mất giá, nông dân thua lỗ", ông nói.

Trước đó, một lãnh đạo ngành trồng trọt cũng cho hay, mỗi tỉnh đều có một thế mạnh cây trồng riêng và cơ cấu diện tích đã được quy hoạch khá cụ thể để định hướng cho bà con nông dân. Thế nhưng, bao nhiêu lâu nay, bà cong nông dân ở nhiều vùng sản xuất cứ thấy được mùa được giá là lại ồ ạt mở rộng diện tích.

Kết quả, đến vụ thu hoạch sau, thay vì niềm vui được mùa thì người nông dân lại ngậm đắng nuốt cay vì nguồn cung dư thừa, giá giảm mạnh khiến họ chịu cảnh thua lỗ.

Đây cũng là một phần nguyên nhân những năm gần đây liên tục có những cuộc giải cứu nông sản bởi cung tăng nhưng cầu không tăng, vị này cho hay.

Châu Giang (tổng hợp)