Biết thủy tùng là loại cây vô cùng quý hiếm và đang được mua với giá rất cao nên 7 đối tượng đã đã xâm nhập vào Trạm Quản lý Khu Bảo tồn loài sinh cảnh thông nước xã Ea Rah (huyện Ea H’leo, Đắk Lắk) để cưa hạ cây thủy tùng quý hiếm hàng trăm năm tuổi.

Chiều 15/10, ông Trần Xuân Phước - Giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn sinh cảnh thông nước (thủy tùng) Đắk Lắk - cho biết, sáng cùng ngày, đơn vị phối hợp với Công an huyện Ea H’leo, Hạt Kiểm lâm bắt giữ được 1 đối tượng (trong 7 đối tượng) chặt phá cây thủy tùng trong khu bảo tồn.

Đối tượng bị bắt giữ là Y Truôi ADrơng (SN 1998, ngụ buôn Ariêng B, xã Ea Rah, huyện Ea H’leo).

{keywords}

Cây thủy tùng trên 500 tuổi bị cưa thành từng phần để dễ vận chuyển

Vào khoảng 1h ngày 15/10, lợi dụng trời đêm khuya và mưa rất to, Y Truôi ADrơng cùng 6 đối tượng khác (chưa rõ danh tính) đã xâm nhập vào Trạm Quản lý Khu Bảo tồn loài sinh cảnh thông nước xã Ea Rah (huyện Ea H’leo) cưa trộm cây thủy tùng.

Đến khoảng 7h sáng cùng ngày, 7 đối tượng đã cưa 1/2 cây thủy tùng trên 500 tuổi, có chiều dài 8m, đường kính thân cây 80 cm, thành nhiều đoạn rồi vận chuyển ra khỏi khu bảo tồn. Lúc này cả nhóm bị phát hiện. Y Truôi Adrong bị bắt giữ.

Tại cơ quan công an, bước đầu Y Truôi Adrong khai nhận đã cùng 6 thanh niên vào khu bảo tồn để bán lấy tiền tiêu xài vì thủy tùng là loài cây quý hiếm được trả giá rất cao.

Cây thủy tùng tên khoa học là (Glyptostrobus pensilis) thuộc “nhóm IA”, loài đặc hữu có tên trong Sách đỏ Việt Nam và được xếp vào diện cần được bảo vệ nghiêm ngặt. Hiện trên thế giới có 3 nước còn ghi nhận loài này là Trung Quốc, Lào và Việt Nam.

Tại Việt Nam thủy tùng chỉ phân bố 2 quần thể tự nhiên ở Đắk Lắk với 162 cây tại huyện Ea H’leo, huyện Krông Năng và thị xã Buôn Hồ.

Hiện vụ việc đang được điều tra, làm rõ.

(Theo Zing)