Cho gà mía uống thuốc bắc

Anh Trịnh Ngọc Tú (ở Liêm Phong, Thanh Liêm, Hà Nam) có cách nuôi gà mía độc đáo bằng thảo dược. Theo thông tin trên VTC 16, các loại thảo dược như đinh lăng, cỏ máu, nhân trần, nghệ, gừng, tỏi... được anh Tú đun liên tục trong 6 giờ đến khi đặc lại. Sau đó, anh cho gà mía uống bằng cách pha loãng với tỷ lệ 1%. Trong khẩu phần thức ăn của gà, anh trộn thêm 3% thảo dược với ngô, đậu tương, bột thịt, bột cám gạo.

Nhờ đó, thịt gà thơm ngon và trứng có chất lượng cao dù tỉ lệ đẻ trứng của gà mía thấp hơn gà thường. Trứng gà từ trang trại của anh Tú rất đắt hàng, giá cao, cung không đủ cầu. Riêng tiền trứng, mỗi ngày, anh Tú thu khoảng 10 triệu đồng.

{keywords}
 

Chuyện lạ Sơn La: Bắt cá lăng tập thể dục

Huấn luyện cho đàn cá "tập thể dục" tưởng chỉ có ở các trường xiếc nhưng đó lại là phương pháp được anh Phí Hải Vân (huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La) áp dụng vào nuôi cá lăng thương phẩm trên lòng hồ sông Đà.

Anh Vân cho biết trên báo Sơn La, phương pháp nuôi cá “tập thể dục” tuy không phải đầu tư thêm thiết bị nhưng lại yêu cầu người nuôi phải kiên trì và áp dụng đúng thời gian biểu, tốn khá nhiều công sức. Khi cá đủ 18 tháng, anh bắt đầu cho cá “tập thể dục”, kéo dài liên tục trong vòng 6 tháng, mỗi ngày 2 lần.

Trong vòng 6 tháng “tập thể dục”, trung bình mỗi con cá sẽ giảm được 0,7 kg. Tuy giảm cân, nhưng cá bán được giá, mỗi kg cá lăng “tập thể dục” cao hơn cá nuôi thông thường từ 40.000-50.000 đồng/kg.

Chuyện lạ làng Vũ Đại: Đeo mặt nạ canh cá kho

Làng Vũ Đại xưa kia (nay là xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam) là chiếc nôi của nhiều sản vật quý, trong đó có món cá kho cổ truyền được nhiều người biết đến với cái tên "cá kho làng Vũ Đại".



Làng Vũ Đại xưa kia (nay là xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam) là chiếc nôi của nhiều sản vật quý, trong đó có món cá kho cổ truyền được nhiều người biết đến với cái tên "cá kho làng Vũ Đại". Nhưng những người kho cá thường bị đau rát mắt, đôi lúc bị sặc khói và ho đến thở không nổi. Để khắc phục khó khăn đó, anh Trần Đức Phong (xã Hòa Hậu) là người đầu tiên ở đây tìm ra giải pháp đeo mặt nạ phòng độc trong lúc kho cá, giúp mọi người hít thở thoải mái, không bị khói làm cay mắt, khó thở.

"Cách đây 3 năm, tôi đã tìm tòi trên mạng rồi đặt mua mặt nạ về dùng thử thì thấy rất tốt, nhiều người trong làng cũng đến hỏi và mua về dùng", anh Phong nói trên Dân Trí.

Độc đáo trâu sứ 'hóa' thuyền buồm

Nghệ nhân Bùi Văn Tự (Bát Tràng, Hà Nội) vừa tạo ra một sản phẩm độc đáo, khi nhìn bằng mắt thường chỉ là hình ảnh con trâu nhưng có ánh sáng chiếu vào thì phần bóng hiện lên là chiếc thuyền buồm.

Anh Tự chia sẻ, 2021 là năm Tân Sửu với biểu tượng, linh vật là con trâu nên anh muốn làm ra một sản phẩm độc đáo, mang dấu ấn của năm. Kết hợp giữa chất liệu gốm sứ và nghệ thuật điêu khắc ánh sáng, anh đã tạo ra "Trâu sứ hóa thuyền buồm". Để nâng tầm giá trị, anh đã cho mạ vàng, mạ bạc toàn bộ số trâu sứ và bán với giá 21 triệu đồng/tác phẩm

Vườn cây 'thập toàn thập mỹ' độc nhất vô nhị của lão nông Hà Nội

Dân Việt thông tin, với mong ước "thập toàn, thập mỹ" sẽ đến trong năm mới, ông Lê Đức Giáp (Cao Viên, Thanh Oai, Hà Nội) đã thành công với loại cây chưng Tết độc nhất vô nhị, có giá hàng chục triệu đồng mỗi cây. Từ gốc cây bưởi diễn cho trái bình thường, ông Giáp đã hô "biến" thành cây có tới 10 loại quả khác nhau.

Không dừng lại ở việc ghép quả, mấy năm gần đây, ông Giáp tạo dáng bonsai cho cây, đồng thời làm khuôn in chữ Tài, Lộc, Phát lên quả bưởi để phục vụ nhu cầu của khách hàng.

Tranh xương lá cây bồ đề giá hàng nghìn USD 

{keywords}
Tác phẩm này có giá hàng nghìn USD. (Ảnh: Dân Việt)

Sinh ra trên mảnh đất Ninh Bình, nơi trồng rất nhiều cây bồ đề, anh Hoàng Thanh Phương muốn làm một thứ gì đó liên quan đến loại lá này. Cách đây 3 năm, anh biết đến xương lá bồ đề nhờ món quà từ một cậu em. Nhìn những đường gân lá thấy huyền bí, anh nảy ra ý tưởng làm tranh từ xương lá cây bồ đề.

Anh Phương cùng các nghệ nhân đã làm ra hàng nghìn tác phẩm. Trong đó, có những bức tranh cần đến 2-3 tháng. Các tác phẩm đòi hỏi nhiều thời gian là vì anh phải vừa làm vừa lên ý tưởng, đi nhặt lá cây về ngâm, sấy, xử lý bảo quản rồi xếp chồng chúng lên nhau tạo thành tác phẩm nghệ thuật.

Những tác phẩm nghệ thuật này có giá bán rất cao, nhiều bức có giá từ 1.000-5.000 USD (khoảng 23-115 triệu đồng). Theo anh Phương, những bức tranh này có giá trị cao về thẩm mỹ, cộng thêm yếu tố tâm linh và còn mang tính độc bản.

Dừa tạo hình độc đáo, giá bán tăng chục lần vẫn 'cháy' hàng

Nhiều người nghĩ việc tạo hình, in chữ nổi trên trái dừa là không thể. Song với sự sáng tạo, mày mò và kiên trì của mình, anh Huỳnh Thanh Tâm (34 tuổi, Bến Tre) đã khiến nhiều người thán phục. Nhờ cách tạo hình độc đáo mà những trái dừa trong vườn của anh có giá gấp chục lần những trái dừa thông thường.

{keywords}
 Những trái dừa trong vườn của anh Tâm được tạo hình độc đáo.

“Sau khi tham khảo qua nhiều nhà vườn tạo hình bưởi, dưa hấu khá thành công, cho giá bán cao gấp chục lần, nên tôi nghĩ ngay đến trái dừa, loại trái cây đặc trưng của quê hương Bến Tre. Nếu in được chữ, tạo hình khác biệt thì trái dừa sẽ bán được giá cao hơn, đồng thời giúp giải quyết lao động nhàn rỗi vùng quê”, anh Tâm chia sẻ.

Độc đáo 1010 con trâu “cực chất” của 8x Hà Nội

Báo Dân Việt cho hay, đến làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội), nhiều người không khỏi ngỡ ngàng khi được chiêm ngưỡng 1010 tượng trâu được trưng bày tại không gian nhà cổ Đường Lâm của nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát (SN 1983).

Anh Phát cho biết, ý tưởng làm 1010 tượng trâu sơn mài xuất phát từ tác phẩm “trâu hoa Lạc Việt” do anh sáng tạo nên đạt giải cao nhất nhóm sơn mài trong cuộc thi thiết kế thủ công mỹ nghệ năm 2020. Mất gần 1 năm miệt mài “chăn” đàn trâu cho đủ 1010 con, bằng sự sáng tạo và khéo léo của mình, anh Phát đã tạo tác ra những chú trâu đặc biệt “độc nhất vô nhị”, không con nào giống con nào.

Hạnh Nguyên (Tổng hợp)