Bén duyên với nghề trồng hoa

Dù sinh ra và lớn lên tại Thái Bình nhưng anh Nguyễn Văn Tuân (30 tuổi) vào TPHCM để theo học tại trường ĐH Thủy lợi. Năm 2013, sau khi tốt nghiệp đại học, Tuân đã đi làm tại một công ty tư vấn xây dựng thủy lợi ở tỉnh Long An suốt 7 năm.

Sau khi kết hôn cùng bạn gái cùng trường là chị Nguyễn Thị Vân, rồi có con đầu lòng, anh Tuân cảm thấy công việc ở công ty xây dựng hay đi đó đây không còn phù hợp. Anh quyết định chọn thành phố Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước để sinh sống và lập nghiệp.

Từ khi sinh ra cho đến nay, Tuân chỉ biết học và làm kỹ sư, chưa hề kinh doanh hay buôn bán bao giờ. Nhưng chàng trai trẻ đã quyết thử vận may bằng việc mở nông trại hoa mặt trời, sau khi nghe những lời chia sẻ của anh Phạm Văn Đạt - một người anh cùng trường - đã thành công với mô hình nông trại trồng hoa ở Thanh Hóa.

{keywords}
Anh Nguyễn Văn Tuân và chị Nguyễn Thị Vân cùng nhau tẩn mẩn chăm sóc những luống hoa mặt trời

Sau quá trình tìm hiểu, Tuân bắt đầu xây dựng nông trại hoa mặt trời vào tháng 9/2020. Do cả hai họ nội, ngoại đều ở xa nên 2 vợ chồng Tuân đã nhờ anh Nguyễn Tiến Dũng - em trai Tuân - cùng đồng hành và "tiếp sức" trong việc biến đất hoang thành Nông trại hoa đầu tiên tại Bình Phước.

Bảy năm làm việc tại công ty giúp Tuân tích lũy ít vốn để mở nông trại. Không biết nhiều về trồng hoa, Tuân thấy mọi thứ khởi đầu khá khó khăn. Tuy nhiên, Tuân được sự hỗ trợ kinh nghiệm từ đàn anh nên cũng dần khắc phục được những khó khăn của nhà nông.

Nhờ đó, anh nhanh chóng học hỏi được các kiến thức về điện, nước để chăm, tưới hoa; những công việc trang trí cho nông trại đẹp mắt… Với những kiến thức đã học ở đại học, Tuân tự mày mò tìm hiểu, lắp hệ thống tưới nhỏ giọt chăm hoa, dựng chòi nghỉ mát...

{keywords}
Những bức ảnh lan tỏa nét đẹp đến ngỡ ngàng của áo dài Việt trên cánh đồng hoa mặt trời rợp sắc vàng

Vừa làm, Tuân vừa học hỏi từ đàn anh, xem nhiều bài viết có liên quan và bàn bạc với nhân viên phụ việc ở nông trại, vốn là những nông dân chính hiệu để hoàn thiện hơn kiến thức của mình.

Và sau hơn 3 tháng cật lực lao động, nông trại hoa mặt trời đầu tiên ở TP Đồng Xoài đã ra đời và khai trương từ tháng 12/2020. Với khuôn viên hơn 15.000m2 đầy hoa, nơi đây đã trở thành điểm tham quan nổi tiếng tại tỉnh Bình Phước.

Góp sức phát triển du lịch cộng đồng

Tuân chia sẻ: "Việc năng học hỏi cộng thêm chút kinh nghiệm về nghề thủy lợi đã giúp mình "chống chọi" với sâu bọ và biết cách trồng, chăm sóc hoa mặt trời hiệu quả, phù hợp với các điều kiện hiện có".

Theo anh, khi trồng hoa thì khổ nhất là các loài sâu, bọ xít, ốc sên đua nhau đến phá. Ngay khi vừa trồng hoa xuống đất, chỉ qua một đêm, cả ngọn cây hoa bị "lũ giặc" này gặm sạch. Những lúc như thế, vợ chồng Tuân và nhân viên cả nông trại phải đi bắt sâu từ 4h - 6h và từ 18h - 21h mỗi ngày.

{keywords}
 

Tuân "bật mí": "Khi trồng hoa, phải nắm vững quy trình chăm sóc từng loại hoa, phương thức, kỹ thuật tưới nước, tưới phân đúng định kỳ và chuẩn bị sẵn sàng diện tích đất trồng, hệ thống điện, nước. Mỗi loại hoa cần một cách chăm sóc khác nhau nên khi khởi nghiệp với nghề này, cần tìm hiểu kỹ về địa hình, khí hậu, thổ nhưỡng của nơi sẽ trồng hoa xem có phù hợp với loại hoa đó hay không để tránh lãng phí tiền bạc và công sức".

Đến nay, chỉ sau 1 tháng khai trương, Sunflower Farm của Tuân đã đón hơn 10 nghìn lượt khách gồm cả dân địa phương lẫn nhiều người từ TPHCM, Bình Dương, Tây Ninh, Đắk Nông, Đắk Lắk đến tham quan, chụp ảnh.

Nơi đây có đến 400 nghìn cây hoa với nhiều tiểu cảnh lãng mạn nên du khách có thể thỏa sức chụp hình và đón cùng lúc rất nhiều người. Có thời điểm, nơi đây thu hút hơn 1.500 lượt du khách/ngày.

"Sắp tới, mình sẽ trồng thêm các loại hoa khác, dựng nhiều tiểu cảnh thay đổi theo mùa. Hiện Sunflower Farm đang tạm dừng hoạt động để cải tạo cho mùa Tết năm nay và mở cửa lại vào ngày 1/2/2021 để chào đón khách thập phương", anh Tuân hồ hởi chia sẻ.

{keywords}
Nhiều người đưa tất cả các thành viên trong gia đình đến nông trại để cùng thưởng thức vẻ đẹp của những đóa hoa mặt trời nhuộm nắng vàng
{keywords}
Bí thư Tỉnh Đoàn Bình Phước Trần Quốc Duy thăm nông trại hoa và tư vấn cho vợ chồng anh Tuân về những giải pháp để gắn kết việc phát triển nông trại với du lịch cộng đồng

Theo anh Tuân, dù mới triển khai nhưng nông trại của anh góp phần giải quyết việc làm cho 5 lao động địa phương. Có thời điểm nhiều việc như gieo hạt, tiếp khách đông... còn phải thuê thêm lao động thời vụ và con số người làm lên đến 10 lao động.

Anh cũng cho biết thêm: "Hiện mới khởi đầu nên thu nhập bình quên của lao động tại nông trại vào khoảng 300 ngàn đồng ngày. Một mùa hoa như vậy tính hết thu nhập từ du khách và bán hàng ăn, nước uống đem về cho nông trại hơn 200 triệu đồng".

Ông Trần Quốc Duy - Bí thư Tỉnh Đoàn Bình Phước cho biết: "Đây là một mô hình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo có triển vọng theo xu hướng phát triển nông nghiệp gắn với du lịch cộng đồng đang được ủng hộ".

"Tỉnh Đoàn cũng tư vấn cho Tuân những ý tưởng để áp dụng quản trị chiến lược cho nông trại, phân bổ hiệu quả mọi nguồn lực, biến thành mô hình du lịch xanh, hướng đến phát triển bền vững, góp phần phát triển ngành du lịch tỉnh nhà", ông Duy cho biết thêm.

(Theo Dân Trí)