Rau muống, bã mía, bột ngô, tre… thay thế đồ nhựa

Mới đây, tại diễn đàn Khởi nghiệp Nông nghiệp do Sở NNPTNT TP.HCM tổ chức, một gian hàng nhỏ bất ngờ trở thành tâm điểm thu hút nhiều người tham dự khi bày bán mặt hàng ống hút cỏ bàng. Ống hút cỏ được làm từ cỏ mọc tự nhiên từ 1, 2 năm tuổi được cắt, gia công thay thế cho ống hút nhựa. Sản phẩm ống hút cỏ tươi độc đáo này có thể để ở nhiệt độ phòng (27-28 độ) đến 5 ngày, trữ trong tủ lạnh 2 tuần.

{keywords}
Ống hút làm từ cỏ tương độc đáo thay thế cho ống hút nhựa đang được sử dụng ngày càng rộng rãi.

Theo xu hướng “không đồ nhựa”, hiện có rất nhiều hàng quán, đơn vị sử dụng loại ống hút từ cỏ, tre này. Giá bán lẻ sản phẩm ống hút cỏ giao động từ 600 - 1.000 đồng/ống, tùy loại. Theo anh Trần Minh Tiến – đại diện công ty 3T, ống hút loại này dù mới có mặt trên thị trường nhưng được khá nhiều khách hàng ưa chuộng. Tuy nhiên, do sản xuất thủ công nên công việc khá vất vả và số lượng có phần hạn chế.

Theo báo cáo năm 2017 của Hiệp hội bảo tồn đại dương, Việt Nam nằm trong top 5 quốc gia thải rác nhựa xuống biển nhiều nhất thế giới. 

Trong khi đó, theo Bộ Tài nguyên và môi trường, chỉ tính riêng hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM, trung bình một ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và bao nilông.
Quy mô hơn, một cơ sở tại Sa Đéc – Đồng Tháp vừa nguyên cứu, sản xuất thành công loại ống hút làm từ bột gạo sử dụng một lần. Ống hút làm từ bột gạo hoàn toàn và có thể bảo quản trong môi trường bình thường khoảng 18 tháng, giữ nguyên dạng trong môi trường nước nhiệt độ bình thường và nước lạnh trong khoảng 30 phút đến 2 tiếng.

Ngoài màu trắng từ bột, ống hút có thêm các màu như xanh lá cây chiết xuất từ lá rau dền. Ống màu tím, màu đen được làm từ màu của củ dền và mè đen. Được làm từ nguyên liệu tự nhiên nên ống hút có thể ăn được.

Chị Trân - đại diện quán Cục gạch trên đường Phan Kế Bình (quận 1) cho hay, quán đã sử dụng hoàn toàn ống hút rau muống thay cho ống hút nhựa được khoảng 9 năm, từ khi bắt đầu thành lập quán.

“Mỗi ngày dùng khoảng 2-3 kg rau muống, lấy phần gần gốc, có độ cứng phù hợp, sau đó quán sẽ sơ chế, rửa sạch, ngâm muối tẩy bằng một ít chanh để sạch đất cát và không còn nghe mùi rau muống khi sử dụng”, chị Trân cho biết.

{keywords}
Các loại đĩa, khay làm từ mo cau thân thiện với môi trường.

Ý tưởng của chị Trân đã khiến thực khách đến quán vô cùng thích thú. Theo chị Trân, mới đầu khi nhìn thấy mọi người đều khá e dè nhưng sau khi thử dùng ống hút thì chỉ thấy có chút mùi rau muống, còn lại hương vị đồ uống vẫn rất ngon.

Anh Hữu Xuân, chủ quán Mót Hội An, kinh doanh nước giải khát tại khu vực trung tâm phố cổ Hội An, cho biết khoảng 4-5 tháng nay quán anh cũng đã chuyển hẳn sang sử dụng mặt hàng ly giấy, ống hút bằng tre thay cho ly, ống hút nhựa. "Nhiều người hưởng ứng lắm. Cũng có một số người yêu cầu ly nhựa nhưng tôi không đồng ý, dần họ cũng vui vẻ chấp nhận", anh Xuân nói. 

Ngoài ống hút, các sản phẩm thay thế hộp/chén dĩa nhựa 1 lần từ bã mía, mo cau, xơ dừa; ly bằng bã mía, xơ tre thay thế ly nhựa và các loại muỗng bằng mo cau, tre thay thế muỗng nhựa, túi vi sinh phân hủy hoàn toàn làm từ tinh bột ngô (AnEco) thay thế cho túi nilong… thân thiện với môi trường cũng đã xuất hiện trên thị trường. 

Thay đổi nào cũng khó khăn

Không phải tự nhiên mà trào lưu kinh doanh xanh – sản xuất và cung ứng các sản phẩm góp phần bảo vệ môi trường, trở nên phổ biến. Mặc dù phải công nhận, những doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực kinh doanh xanh thực sự là những “chiến binh dũng cảm”, chấp nhận đặt cược vào một ván bài lợi nhuận ít, khó khăn nhiều.

So với những sản phẩm được sản xuất công nghiệp, các mặt hàng thân thiện môi trường đòi hỏi chi phí cao về nhân công, bởi phải thực hiện thủ công thay vì dây chuyền. Việc tìm nguồn nguyên liệu sạch, dồi dào cũng là thử thách mà doanh nghiệp đối mặt.

Loại ống hút làm từ cỏ bàng được bán theo bó với giá 60.000 đồng/100 cái, đắt hơn ống hút nhựa vốn chỉ khoảng 40.0000 đồng/100 cái. Tương tự, mức giá ống hút tre hiện tại trên thị trường với giá bán từ 10.000 đồng đến 15.000 đồng một chiếc, có thể tái sử dụng nhiều lần.

Với các sản phẩm hộp cơm từ bã mía, giá dao động từ 4.600 – 6.000 đồng/hộp. Chênh lệch gấp 20 lần so với mức giá của các loại hộp xốp đựng thực phẩm dùng 1 lần.

Vì đổi sang ly giấy, ống hút tre đắt hơn so việc dùng ly, ống nhựa nên giá nước kinh doanh của quán Mót Hội An tăng khoảng 2.000 đồng/ly.

{keywords}
Một doanh nghiệp tại Sa Đéc vừa sản xuất thành công loại ống hút bằng bột gạo sử dụng một lần.

Chưa kể, các sản phẩm này không thể tái sử dụng và không thể để lâu. Chị Trân cho hay, thời gian sử dụng loại ống hút bằng rau muống của quán chị chỉ trong một ngày, 

Ngưng sử dụng ống hút nhựa làm sẵn để chuyển sang ống hút rau muống, cửa hàng chị Trân lại phải đội thêm nhiều chi phí gia công và nguyên liệu. Chưa kể, nhiều khách hàng cũng đặt ra câu hỏi về độ “sạch” của rau, khi tình trạng thực phẩm bẩn đang tràn lan.

Thế nhưng, khó khăn quan trọng nhất là việc nâng cao nhận thức cho người sử dụng. Ở Việt Nam cũng đã có những cuộc vận động, khuyến cáo người dân nên hạn chế sử dụng túi ni lông, ly nhựa, hộp nhựa dùng một lần để đựng thức ăn, đồ uống. Thế nhưng thực tế cho thấy rất nhiều người vẫn chưa tiếp cận được với xu hướng sống xanh mà lại lựa chọn những điều giản tiện nhưng mang lại nhiều hiểm họa với môi trường do yếu tố chi phí.

Dẫu vậy, chúng ta có quyền hy vọng về một xu hướng thay đổi trong tương lai khi ngày càng có nhiều doanh nghiệp lớn chính thức tham gia vào cuộc đua kinh doanh “xanh”.

(Theo Phụ nữ TP.HCM)