Theo anh Lưu Anh Cường, hiện giá cá sam từ trại của anh bán ra thị trường nội địa có thể lên đến 100 triệu đồng/con.

Galaxy P14 giá 8,5 triệu đồng hay Black Diamond giá 7,6 triệu đồng không phải là những sản phẩm điện tử. Đó là thông tin về cá sam, một loài cá cảnh đang được không ít người săn đón, sẵn sàng chi tiền triệu để sở hữu và thỏa mãn thú vui. Đặc biệt, dù được cảnh báo là loài cá có độc nhưng sự mê hoặc “chết người” của những chú cá này vẫn thôi thúc người chơi cá chuyên nghiệp săn tìm.

{keywords}

Cá sam xuất xứ từ các dòng sông ở châu Mỹ và được những trại nuôi tại Đài Loan, Malaysia, Thái Lan phân phối đến các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam. Đây thực chất là cá đuối nước lợ, nhưng để tránh cái tên không thực sự hấp dẫn với người chơi, chúng được gọi với cái tên mới là cá sam. Trên thị trường quốc tế, những chú cá này có giá từ vài trăm triệu đến cả tỉ đồng tùy theo chủng loài và kích cỡ. Riêng đối với Việt Nam, cá sam cảnh đã nhanh chóng đứng vào vị trí tốp 3 vật nuôi đắt và đẹp, bên cạnh cá rồng và cá hổ.

Tại Hà Nội, đã có một số trại nuôi và gây giống được cá sam. Trong số đó có trại của anh Lưu Anh Cường, một luật sư mê cá cảnh đang sở hữu hệ thống bể nuôi trị giá hàng chục tỉ đồng. Theo anh Cường, hiện giá cá sam từ trại của anh bán ra thị trường nội địa có thể lên đến 100 triệu đồng/con. Song song với việc kinh doanh cá sam, trại cá này còn gây giống được cá huyết long, loài cá cảnh có giá bán cao gấp đôi cá sam.

Trước đây, NCĐT từng đề cập đến thú chơi và thị trường cá Koi của Nhật. Thực tế, thị trường cá Koi chất lượng chính thống đã bị phá vỡ bởi sự tham gia ồ ạt của quá nhiều trại cá nhỏ lẻ. Sức hút này đến từ việc kinh doanh cá Koi mang lại giá trị kinh tế cao mà khả năng lai tạo giống cá này cũng khá dễ dàng. Hơn nữa, cá Koi không đạt chuẩn thường được tiêu thụ mạnh hơn cá chất lượng bởi đa số người chơi chưa nắm được chuẩn mực, chỉ thấy đẹp, rẻ là mua.

Liệu câu chuyện tương tự sẽ xảy đến với mô hình kinh doanh cá sam và cá huyết long làm cảnh tại Việt Nam? Chia sẻ với NCĐT, anh Cường cho rằng điều này sẽ khó diễn ra trong thời gian ngắn. “Lượng cá sam và huyết long hiện tại chỉ mới đủ cung cấp cho số ít khách hàng, bởi thú vui này không chỉ đòi hỏi tiền bạc mà còn cả sự am hiểu về chủng loài. Quy trình và kỹ thuật nuôi cũng đặt nặng yếu tố tài chính và kiến thức, nên tôi cho rằng khả năng tự phát nuôi ồ ạt sẽ không sớm xảy ra”, anh nói.

Tự nhận bản thân đã trải qua nhiều kinh nghiệm thương đau với cá sam, nhưng vị luật sư mê cá này vẫn quyết không từ bỏ đam mê và sở thích. Thành công đầu tiên của anh Cường với cá sam là việc nuôi thành công một cặp sam Black Diamond giống thuần chủng, nhập từ nước ngoài về với giá 100 triệu đồng, đến khi chúng lớn và đẻ ra cá con. Được biết, một cặp sam Black Diamond thuần chủng ở tuổi trưởng thành sẽ có giá bán trên thế giới không dưới 600 triệu đồng.

Hiện tại, riêng đối với các hồ cá sam, anh Cường đã đầu tư hơn 5 tỉ đồng cho hệ thống nuôi và chăm sóc. Trại đang sở hữu 30 con cá sam bố mẹ, mỗi cặp sẽ đẻ 2-3 lứa/năm, đồng thời nuôi dưỡng nhiều đàn sam nhỏ, giống quý được anh Cường nhập từ Thái Lan và Malaysia.

Đối với cá huyết long, mặc dù dự báo không xô bồ như thị trường của cá Koi, nhưng anh Cường vẫn cho rằng sự hiểu biết về chuẩn mực cá là rất quan trọng. “Hiện có một số dòng cá của Trung Quốc và Malaysia đang khiến người chơi nhầm lẫn với cá huyết long, tức là cá rồng Indonesia, do chúng tôi gây giống. Điều này có thể khiến họ hiểu lầm về chất lượng cá huyết long, dẫn đến mất lòng tin”, anh cho hay.

Theo Nhipsongso