Thời điểm này, giá cát xây dựng, san lấp trên địa bàn các tỉnh miền Tây đang tăng dựng đứng. Nhiều điểm bán vật liệu xây dựng luôn trong tình trạng thiếu hụt nguồn cung cát.

{keywords}
Bước vào mùa xây dựng, giá cát tăng cao, nguồn cung khan hiếm khiến hoạt động xây dựng bị ảnh hưởng (Ảnh: Bảo Kỳ).

"Ăn chực nằm chờ" để được mua cát

Dọc theo Quốc lộ 91, từ thành phố Cần Thơ đến khu vực thành phố Châu Đốc (tỉnh An Giang) hầu hết bãi tập kết cát của các doanh nghiệp kinh doanh vật liệu xây dựng đều trong tình trạng hết hàng. Ngoài ra, nhiều công trình, nhà ở của người dân đã được xây bó nền từ lâu nhưng vẫn chưa thể san lấp vì… không có cát để mua. 

Trong vai người đi mua cát phục vụ một dự án san lấp mặt bằng, chúng tôi tìm về các mỏ cát ở đầu nguồn sông Tiền, khu vực giáp ranh giữa 2 tỉnh An Giang, Đồng Tháp và nước bạn Campuchia. Đây được xem là khu vực có nhiều mỏ cát với trữ lượng khai thác lớn nhất đồng bằng sông Cửu Long hiện nay.

Đứng trên bờ, thuộc địa phận xã Vĩnh Xương (thị xã Tân Châu, An Giang), trước tầm mắt chúng tôi là một đại công trường khai thác mỏ cát, với hàng chục chiếc xáng cạp (cần cẩu lấy cát sông) đang hối hả lấy cát từ dưới lòng sông lên. Cạnh đó là hàng trăm sà lan nối đuôi nhau như "kẻ chợ" chờ đến lượt vào mua cát.

Anh Nguyễn Văn T. nhà ở khu vực bờ kè sông Tiền gần đó cho biết, đoạn sông này xáng cạp lấy cát gồm các mỏ của 2 tỉnh An Giang và Đồng Tháp, An Giang chiếm số đông. Việc khai thác kéo dài từ đây cho tới gần trung tâm thị xã Tân Châu. Sà lan ở khắp các tỉnh đến đây lấy cát, nhỏ ít nhất cũng 300 - 400 m3, còn lớn thì cả ngàn m3.

{keywords}
Hàng trăm sà lan nối đuôi nhau nằm chờ lấy cát tại một mỏ cát ở đầu nguồn sông Tiền ở tỉnh An Giang (Ảnh: Bảo Kỳ).

Theo anh T., thời điểm này, sà lan muốn lấy cát, phải "ăn chực nằm chờ", nhanh cũng phải đợi từ 4 -5 ngày, lâu thì cả tuần, hoặc hơn. Để được "xếp tài" (đến lượt) mua cát, các chủ sà lan phải chung chi cho "cò". Ai mà không "ăn chịu" là phải chờ bởi số lượng sà lan đến lấy cát ngày càng nhiều hơn.

Chúng tôi tìm thuê một chiếc đò ngang chở ra gặp chủ một vài sà lan và xáng cạp ở gần bờ để hỏi chuyện. Nhưng sau một hồi dò xét, người phụ nữ khoảng 50 tuổi từ chối chở với lý do: "Chở người lạ hoặc báo chí ra quay phim, chụp hình, hỏi chuyện là các chủ cần cẩu họ phản ứng dữ lắm. Các chú tìm người khác đi". Nói xong, người này liền khởi động máy, cho đò chạy ra các sà lan ở giữa sông như một cách lánh mặt người lạ.

Đi xuôi về phía hạ nguồn khoảng vài trăm mét, chúng tôi may mắn gặp một người dân chuyên làm nghề lái đò dọc đưa rước những tài công, chủ sà lan từ dưới sông lên bờ mua thức ăn và ngược lại. Sau một hồi thuyết phục người này đồng ý chở ra gặp những chủ sà lan "mối" đang đợi lấy cát.

Được giới thiệu, chủ sà lan tên Nam (ngụ tỉnh Bến Tre) trải lòng: "Ở mỏ cát này, sà lan nào muốn lấy cát phải tốn 1-3 triệu đồng chi cho "cò" để có hàng trước một tuần lễ, nếu không có khi nằm chờ cả tháng. Việc tăng giá, chủ mỏ cát cũng không hề báo trước, khi vào lấy cát họ mới thông báo".

Tương tự, tài công H. (ngụ huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) cho biết: Dù đã tốn 2 triệu đồng cho "cò" nhưng sà lan 800 tấn của ông vẫn phải đợi 5 ngày và hiện chưa biết lúc nào được vào lấy cát.  

Anh D. - chủ sà lan 400 tấn (ngụ tỉnh Đồng Tháp) đang  lấy cát tại mỏ trên sông Hậu (đoạn Mỹ Hòa Hưng, thành phố Long Xuyên) - cho biết: Hầu như ngày nào cát cũng tăng giá. Tình trạng chung chi diễn ra từ lâu, và mức giá cũng tăng theo giá cát. Hiện 4 ngày mới đi được 1 chuyến, thay vì 2 ngày như trước đây.

{keywords}
Giá cát tăng cao nhiều doanh nghiệp khóc ròng (Ảnh: Bảo Kỳ).

Tại TP Cần Thơ, từ sau Tết Nguyên đán đến nay, giá cát tăng phi mã. Đặc biệt, từ cuối tháng 4 đến nay, giá cát lấp, cát xây dựng của một số cửa hàng vật liệu xây dựng biến động khá nhiều. Cụ thể, giá cát lấp (loại tốt) các doanh nghiệp bán ra tại bãi từ 180.000 đồng đến 200.000 đồng/ m3, cát xây tô 280.000 đồng/m3, cát đổ bê tông 320.000 đồng/m3.

Doanh nghiệp xây dựng "khóc ròng"

Hiện giá cát xây dựng và cát san lấp mặt bằng tăng từng ngày. Nhiều công ty, đơn vị trúng thầu đang thi công công trình, dự án ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long đứng ngồi không yên. Thậm chí, có người cho rằng không loại trừ khả năng các chủ mỏ cát có dấu hiệu bắt tay nhau để tăng giá.

Ông T, giám đốc một doanh nghiệp chuyên xây dựng ở tỉnh An Giang, cho biết, cả tháng nay, lượng cát khan hiếm khiến việc thi công các công trình trọng điểm của đơn vị gặp nhiều khó khăn. Theo ông T, có lúc phải mất gần 2 tuần mới mua được sà lan cát 500m3. Giá cát cũng được họ "thổi" lên từng ngày. Nếu tình trạng giá cát tăng và khan hiếm như hiện nay kéo dài thì các dự án đang triển khai sẽ trễ tiến độ, thua lỗ là điều khó tránh khỏi.

Theo anh M.T, chủ công ty xây dựng ở An Giang cho biết, đơn vị của anh đang nhận thi công 2 công trình giao thông trọng điểm, dự kiến sử dụng số lượng cát khoảng 5.000 m3. Tuy nhiên cho đến nay anh T chỉ mới đặt hàng được 1.500 m3 cát và phải đợi rất lâu nhưng chỉ mới nhận được 800 m3 cát.

"Trước khi có thông tin đấu giá ở mỏ cát tọa lạc tại thủy phận Bình Phước Xuân với số tiền 2.811 tỷ đồng, giá cát ở Tân Châu đã tăng 3 lần, mỗi lần khoảng mười mấy ngàn. Từ khi vụ đấu giá đó nổi lên, giá cát tăng đến chóng mặt. Hiện tại giá cát vàng 250.000 đồng/m3, trong khi tính theo giá liên sở (giá các cửa hàng vật liệu xây dựng báo về Sở Xây dựng) đưa ra chỉ 80.000 đồng/m3.

{keywords}
Một công trình ở Cần Thơ chậm tiến độ do giải phóng mặt bằng và bây giờ thì do giá cát tăng "phi mã" (Ảnh: Bảo Kỳ).

Còn cát san lấp có đơn giá 50.000 - 60.000 đồng nhưng giá mua đã lên đến 105.000 đồng. Anh cho biết với mức giá này thì "không doanh nghiệp nào chịu được". Hợp đồng ký rồi thì buộc phải làm, không thể ngưng chờ giá xuống. Giá tăng cao nhưng cung không đủ cầu. Không biết trong thời gian tới tôi mua cát ở đâu để kịp tiến độ công trình"- anh T cho hay.

Tương tự anh T. là anh Lam, giám đốc một công ty xây dựng ở Cần Thơ. Anh Lam cho biết đang "khóc ròng" vì thời điểm trúng thầu giá cát chỉ trên dưới 100.000 đồng/m3 nhưng trong quá trình làm bị vướng víu khâu giải phóng mặt bằng nên bị chậm. Và bây giờ thi công giá cát lên gần 300.000 đồng/m3 nên đơn vị anh bị lỗ rất nặng.

Giá cát tăng cao, hiếm hàng không chỉ khiến các doanh nghiệp, nhà thầu điêu đứng đối với người dân xây dựng nhà cửa cũng gặp không ít khó khăn.

Ông Trần Văn Tâm ngụ xã Tân Thạnh (Đồng Tháp) cho biết, cát lấp đang cực hiếm ở Đồng Tháp, ông đặt mua 30 khối để xây nhà nhưng phải chờ mất 1 tuần mới nhận được số lượng cát "nhỏ giọt" và giá thì rất cao.

Tình trạng này kéo dài khiến hàng loạt công trình xây dựng, kể cả những dự án trọng điểm có nguy cơ chậm tiến độ. Nhiều doanh nghiệp lo ngại, nhiều công trình sẽ bị đội vốn, chi phí xây dựng tăng cao làm cho nhà thầu gặp rất nhiều khó khăn, bởi các dự án được phê duyệt trước đó với giá vật liệu cát rất thấp.

(Theo Dân Trí)