Kiếm tiền triệu mỗi ngày

Cộng đồng nhiếp ảnh xứ Nghệ khá lớn. Có những người đến với nhiếp ảnh đơn giản như một cuộc dạo chơi, thỏa mãn niềm yêu thích và đam mê của mình. Có không ít người, nhiếp ảnh còn là "niêu cơm", là chi phí học hành của con cái sau những shoot hình.

Những người ngắm đời qua khe hẹp, kiếm tiền triệu mỗi ngày - 1

Nhiếp ảnh gia xứ Nghệ dầm mình dưới nước để "săn" được khoảnh khắc đẹp.

Chụp ảnh dịch vụ là lựa chọn của không ít nhiếp ảnh gia tại Nghệ An, bởi công việc này giúp họ tích lũy kinh phí để có thể thỏa mãn niềm đam mê sáng tạo trong bộ môn nghệ thuật nhiếp ảnh vốn... rất tốn kém.

Từ khoảng cuối tháng 10 tới nay, đúng vào mùa hồng chín, anh Nguyễn Trọng Sách (trú TP Vinh, Nghệ An) - một cái tên "hot" trong cộng đồng nhiếp ảnh xứ Nghệ gần như không có một ngày nghỉ. Khách muốn chụp ảnh phải đặt trước vài ngày để anh Sách và cộng sự sắp xếp lịch.

Những người ngắm đời qua khe hẹp, kiếm tiền triệu mỗi ngày - 2

Anh Nguyễn Văn Đạo di chuyển bằng chiếc bè chuối để tác nghiệp trong cơn lũ cuối tháng 10/2020.

Người đàn ông với dáng cao, gầy, lỉnh kỉnh với đủ thứ máy móc chạy bên này, nhảy bên kia để chọn cho khách những góc chụp đẹp nhất. Thậm chí, anh còn phải làm mẫu "thị phạm" để khách có những bức hình đẹp.

"Nghề ảnh dịch vụ, nhất là ảnh dã ngoại, nhiếp ảnh gia, ngoài kỹ năng nghề tốt thì cần chịu khó, năng nổ, nhiệt tình; phải là người truyền năng lượng tích cực cho  khách hàng của mình. Không những vậy, người chụp ảnh đôi khi còn đóng vai trò là người dẫn tour, thông thạo mọi ngõ ngách địa hình và các điểm tham quan du lịch để chọn những địa điểm mới, độc, lạ.

Những người ngắm đời qua khe hẹp, kiếm tiền triệu mỗi ngày - 3

Đồng nghiệp trầm trồ trước một bức ảnh đẹp.

Một người làm nghề tốt ngoài biết tìm tòi cái mới mẻ phải biết chắt lọc khung hình để tạo ra những bức ảnh độc đáo mà vẫn giữ được cái hồn của từng khuôn hình", anh Nguyễn Trọng Sách chia sẻ.

Đến với nhiếp ảnh sớm nhưng anh Nguyễn Văn Đạo (trú tại huyện Đô Lương, Nghệ An) gắn bó với nghiệp "nhìn đời qua khe hẹp" mới được 6 năm và có thể "kiếm ra tiền" từ nghề thì khoảng 3 năm trở lại đây. Hồi đó, để mua được chiếc máy ảnh làm nghề, anh phải dồn hết tiền tích lũy, bán con xe máy và vay mượn thêm bạn bè.

3 năm trong nghề, anh Đạo là tay máy được các đơn vị, tổ chức và khách hàng tin tưởng mời ghi lại những sự kiện trọng đại.

"Nghề nào cũng cần lao động nghiêm túc, nghề ảnh đòi hỏi phải luôn có sự sáng tạo và không được lặp lại chính mình. Thù lao chụp phụ thuộc vào uy tín và "độ hot" của người cầm máy trong cộng đồng nhiếp ảnh. Với những thợ ảnh có tên tuổi, mỗi ngày có thể kiếm được 5-7 triệu đồng, thậm chí có thể đạt mức trên dưới 10 triệu đồng", anh Đạo chia sẻ.

Những người ngắm đời qua khe hẹp, kiếm tiền triệu mỗi ngày - 4

Với nghề ảnh dịch vụ, đòi hỏi người cầm máy phải lăn lộn, chịu khó và sáng tạo để không lặp lại chính mình.

Chục năm trong nghề, anh Phan Tất Lành (trú tại TP Vinh, Nghệ An) cũng đang dần tạo được chỗ đứng của riêng mình. Ngoài những bộ ảnh mang tính nghệ thuật cao, mỗi thợ ảnh phải tạo cho mình một thế mạnh riêng ở lĩnh vực riêng.

"Nhìn thì tưởng thợ ảnh nhàn nhưng thực sự rất vất vả, đặc biệt là đối với người chụp ảnh dịch vụ. Lăn lộn để tìm được góc máy đẹp, bối cảnh đẹp, phải biết làm thế nào để tôn cái đẹp của mẫu và hạn chế được khuyết điểm cho họ. Chụp đẹp thì phần hậu kỳ đỡ vất vả hơn. Người thợ ảnh giỏi là người có thể chụp ra những bức ảnh đẹp, giữ được thần thái cho mẫu chứ không phải can thiệp quá nhiều qua photoshop", anh Lành đúc kết.

Vào mùa ảnh, thường là những dịp chụp kỷ yếu hay mùa du lịch, có những đêm cả hai vợ chồng anh Lành phải thức thâu đêm để hoàn thành ảnh, kịp trả cho khách, đồng nghĩa mức thu nhập cũng "đáng mơ ước".

Những người ngắm đời qua khe hẹp, kiếm tiền triệu mỗi ngày - 5

Người chụp ảnh dịch vụ phải tìm tòi địa điểm, dựng bối cảnh để cho ra những bức ảnh đẹp, ít "đụng hàng" và mang dấu ấn riêng.

Những chuyện cười ra nước mắt

Nghề ảnh đòi hỏi sự đầu tư lớn, đúng về cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. "Cái ống kính cũng vài chục triệu đồng nhưng toàn về nói dối vợ là vài triệu cho cô ấy đỡ xót", anh Nguyễn Văn Đạo tiết lộ.

Cũng bởi mỗi bộ máy cả chục, thậm chí cả trăm triệu đồng nên anh em máy ảnh thường đùa nhau "nâng niu máy hơn cả vợ". Anh Nguyễn Trọng Sách vẫn chưa hết đau lòng bởi một vụ tai nạn nghề nghiệp đã nhấn chìm của anh chiếc máy ảnh đắt tiền.

Những người ngắm đời qua khe hẹp, kiếm tiền triệu mỗi ngày - 6

Anh Nguyễn Trọng Sách với cú ngã "để đời", nhấn chìm đồ nghề dưới nước biển.

"Hôm đấy anh em đang đi tác nghiệp, bối cảnh bờ biển trong buổi bình minh. Đang mê mải chụp thì tôi bất ngờ bị rơi từ trên thuyền xuống do một đồng nghiệp nhảy khỏi thuyền mà không báo trước. Mặc dù đã cố gắng nhưng chiếc máy ảnh vẫn không thể cứu vãn được", anh Sách kể.

Trong khi đó, Lê Vinh (trú Diễn Châu, Nghệ An) lại rơi vào tình huống bỗng dưng bị... "đánh ghen". "Hôm đấy mình nhận chụp ảnh cưới cho một cặp đôi. Cứ xong một phân cảnh thì cô dâu lại "áp sát" đòi xem ảnh, mình cũng chiều khách thôi mà không biết mặt chú rể cứ xị xuống. Té ra là anh ta "ghen" với thợ ảnh, những phân cảnh sau liền không hợp tác nữa", Vinh kể.

Những người ngắm đời qua khe hẹp, kiếm tiền triệu mỗi ngày - 7

Tay máy trẻ Lê Vinh từng vướng vào một tình huống dở khóc dở cười khi bị chú rể ghen trong buổi chụp ảnh cưới.

Còn anh Đạo, có lần nhận chụp kỉ yếu hội khóa cho một nhóm khách gần 70 tuổi, bỗng một bác tách đoàn, kéo ra một góc thì thầm "Này, bác hỏi thật, mày có nghiện ma túy không. Lỡ nghiện rồi thì cố mà cai đi con ạ, đời còn dài, chứ lún sâu vào cái này là hỏng". Chắc tại nhìn dáng vẻ "cò hương" của anh nên vị khách lớn tuổi mới nghĩ như thế. Nhìn đôi mắt lo lắng của vị khách, anh Đạo vừa buồn cười vừa thấy vui vui.

Hay có lần, Nguyễn Văn Đạo được một người phụ nữ hơn 40 tuổi yêu cầu thực hiện một bộ ảnh "như gái 18 tuổi". Nghe xong yêu cầu, anh chàng "toát mồ hôi hột" và lắc đầu từ chối dù khách hứa sẽ trả thù lao cao.

Những người ngắm đời qua khe hẹp, kiếm tiền triệu mỗi ngày - 8

Vào mùa chụp ảnh dịch vụ, mỗi thợ ảnh có uy tín và kinh nghiệm có thể kiếm được từ 5-7 triệu đồng.

"Tất nhiên, với kỹ thuật photoshop thì điều này không khó nhưng yêu cầu nào cũng phải có giới hạn, người làm nghề nhiếp ảnh cũng phải có nguyên tắc của mình. Người thợ ảnh là người làm "mẫu" của mình đẹp hơn lên chứ không thể biến họ thành một người hoàn toàn khác", anh Nguyễn Văn Đạo chia sẻ.

(Theo Dân Trí) 

Độc lạ nghề 'chạy là có tiền' ở Sài Gòn

Độc lạ nghề 'chạy là có tiền' ở Sài Gòn

Mỗi ngày, ông Le chạy kéo dây hơn 10km để kiếm 150.000 đồng tiền công. 21 năm qua, dù vất vả, thu nhập thấp, ông Le vẫn cố bám trụ vì "không chạy là đói ăn".