Câu chuyện trồng lúa lạ đời này là của anh Dương Xuân Vũ – xã Phú Xuân, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang. Theo anh Vũ, vụ lúa đông xuân 2019 - 2020, anh được cha của mình là ông Dương Xuân Quả cung cấp giống lúa 4900 để anh gieo sạ trên 8ha đất của gia đình. Vì cha của anh cần lượng gạo từ giống lúa này để làm gạo sữa nhưng với điều kiện là anh phải áp dụng mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ, không dùng phân thuốc hóa học, thuốc trừ sâu trên đồng ruộng.

Trong lúc anh Vũ đang loay hoay giải bài toán khó do cha anh đặt ra thì anh Vũ được một người quen giới thiệu ông Dương Hùng Đỗ - chủ một doanh nghiệp chuyên sản xuất vôi ở Kiên Giang. Từ mối quen này, anh Vũ được ông Đỗ chỉ dẫn sử dụng vôi Địa Long kèm trứng gà và sữa Vinamilk, phun xịt cho ruộng lúa.

{keywords}
PGS - TS Dương Văn Chín - nguyên Phó Viện Trưởng Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long (người đứng bên trái ngoài cùng) cũng đã trực tiếp đến thăm cánh đồng lúa của anh Dương Xuân Vũ

Khi nằm được “bí kíp” anh Vũ tiến hành bón lót vôi Địa Long và phun xịt 3 lần hỗn hợp (trứng và sữa tươi) pha chế với 900kg phân bón Địa Long cho diện tích 1ha. Và hiện nay, ruộng lúa đang phát triển rất tốt, ít sâu bệnh hứa hẹn năng suất vụ mùa bội thu.

Nói về công thức “có 1 không 2” của mình, anh Vũ cho biết, trước khi cấy lúa xuống đồng ruộng, anh thực hiện việc bón lót vôi Địa Long (khoảng 40kg/1.000m2); đến giai đoạn lúa được 60 ngày tuổi, anh Vũ lấy nước vôi Địa Long kèm với hột gà và sữa tươi vinamilk để phun cho ruộng lúa theo công thức 25 lít nước vôi kèm 2 trứng gà và 2 bịch sữa tươi.

{keywords}
Khi đến thăm cánh đồng lúa của ánh Vũ, anh Dương Văn Lý đánh giá, với dàn lúa này thì năng suất đạt trên 1 tấn/1.000m2

Anh Dương Văn Lý – xã Bình Sơn, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang, cho biết: “Tôi có hơn 20 năm trồng lúa và lần đầu tiên tôi nghe chuyện dùng nước vôi Địa Long và hột gà (trứng gà), sữa tươi bón cho đồng lúa. Ngày 2/2 vừa rồi, tôi có đến xem cánh đồng lúa của anh Vũ, còn khoảng 15 ngày nữa là thu hoạch. Theo tôi đánh giá lúa đạt năng suất trên 1 tấn/1.000m2. Năm sau, tôi sẽ thử nghiệm vài ha lúa xem kết quả thế nào rồi sẽ áp dụng cho 40ha lúa của tôi”.

Theo anh Lý và nhiều nông dân khác muốn áp dụng mô hình canh tác lúa như anh Vũ là vì góp phần giảm chi phí sản xuất trên 30%, đặc biệt là được ông Dương Xuân Quả (cha của anh Vũ) thu mua lúa với giá 6.500 đồng/kg lúa. Như vậy, bà con không còn lo giá cả bấp bênh mỗi khi đến kỳ thu hoạch lúa.

{keywords}
Anh Dương Xuân Vũ bên cánh đồng lúa mà anh chỉ dùng vôi, trứng gà và sữa tươi cho lúa "uống" thay phân thuốc hóa học

Nhận định về cách trồng lúa “lạ” đời của anh Vũ, Phó giáo sư – Tiến sĩ Dương Văn Chín – nguyên Phó Viện Trưởng Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long, cho biết: “Về vôi Địa Long bón cho cây trồng là tốt rồi không còn phân tích nữa. Còn việc dùng nước vôi sau đó trộn với trứng, sữa vinamilk thì có thể xảy ra những khả năng như thế này. Nước vôi có độ Ph cao nên khi phun nước vôi trên lá lúa thì Ph sẽ giúp ức chế bệnh cháy bìa lá. Còn sữa và trứng thì bản thân có nhiều chất dinh dưỡng, nhất là axit amin, chất này cũng là chất đạm. Mà axit amin đó có thể là lúa hấp thụ trực tiếp axit amin vào trong cây, tức cung cấp một phần chất đạm cho cây trồng.

Ngoài ra, những vật chất còn lại từ hỗn hợp trứng và sữa dính trên lá thì trở thành thức ăn cho các nấm ngoại sinh phát triển. Và khi loại nấm này phát triển sẽ tiết ra những chất ức chế các sinh vật khác, góp phần giảm các loại bệnh trên cây lúa. Đây là những khả năng có thể xảy ra khi dùng nước vôi và trứng gà, sữa phun lên cây lúa. Tuy nhiên, nên có một nghiên cứu khoa học bài bản trước khi khuyến cáo người dân áp dụng”.

Nếu mô hình trồng lúa của anh Vũ đạt hiệu quả cao sẽ đóng góp cho nông dân miền Tây thêm một cách trồng lúa an toàn; góp phần bảo vệ môi trường và đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng.

Ông Dương Xuân Quả (An Giang) xuất thân là một nông dân, mặc dù trình độ học vấn chỉ hết lớp 9 tuy nhiên, ông sáng chế thành công lò sấy lúa bán tự động phục vụ trong nước và quốc tế. Đến 17/12/2014, doanh nghiệp Năm Nhã đã đạt giải nhất cuộc thi nhà nông sáng chế năm 2014 của Bộ Khoa học và công nghệ. Năm 2018, ông Dương Xuân Quả bắt tay vào việc sản xuất gạo sữa và loại gạo này đã được cấp bằng sáng chế độc quyền vì đây là loại gạo đặc biệt có mùi thơm, dẻo, ngọt không ôi thiu sau 2 ngày nấu cơm. 

(Theo Dân trí)