“Hàng cáy” hay còn gọi hàng “nghĩa địa”, hàng đã qua sử dụng được nhiều người lựa chọn không chỉ bởi chất lượng “nồi đồng cối đá” mà còn vì độ độc, lạ của nó. Dù là sản phẩm bị cấm nhập khẩu, song lại không cấm bán nên thị trường nên “hàng cáy” vẫn có “đất” để người bán và người mua tìm đến nhau.

Đồ cũ đắt hơn hàng mới

Từ lâu nay, có một cửa hàng buôn bán, sửa chữa đồ điện dân dụng trên phố Mê Linh (quận Lê Chân, Hải Phòng), dù không lớn nhưng luôn tấp nập người đến lựa chọn, mua bán.

Điều đặc biệt, những mặt hàng như: Nồi cơm điện, quạt, lò vi sóng, điều hòa, máy giặt… ở đây đều xếp thành đống, phủ một lớp bụi chứ không còn nguyên đai, nguyên kiện, nguyên hộp. Khách hàng tới đây tỉ mỉ lựa chọn đồ xong không mặc cả, trả tiền theo giá của chủ cửa hàng đưa ra bởi đại đa số họ là khách quen.

Lạ ở chỗ, giá mua những món đồ cũ này thậm chí còn đắt hơn mua một món đồ cùng loại trong siêu thị. Bình thường, chỉ cần bỏ ra vài trăm nghìn đồng có thể mua được một chiếc quạt điện mới tinh, tuy nhiên, ở đây có khi khách hàng phải bỏ ra tới hơn 1 triệu đồng để có thể sở hữu một chiếc quạt cũ phủ bụi.

{keywords}
Khách hàng lựa chọn mua “hàng cáy” tại một cửa hàng trên phố Mê Linh, Hải Phòng

Một chiếc máy giặt National loại 10kg hàng nội địa Nhật cũng có giá lên đến gần 10 triệu đồng. Tương tự, những chiếc điều hòa, quạt cũng có giá ngang bằng với sản phẩm cùng loại được bày bán tại các siêu thị, cửa hàng điện máy.

Điểm khác biệt duy nhất là những đồ điện cũ này đều là hàng nội địa (sản xuất, tiêu thụ trong nước) của Nhật Bản, Đức, Mỹ… Đa số khách hàng lựa chọn “hàng cáy” đều chia sẻ rất ưng với chất lượng “nồi đồng cối đá” của những sản phẩm này.

Cửa hàng nêu trên là một trong khoảng vài chục nơi chuyên bán “hàng cáy” ở Hải Phòng.

Đại gia cũng chơi “hàng cáy”

Anh Nguyễn Văn Hoàn ở phố Tôn Đức Thắng (Hà Nội) là một tín đồ của “hàng cáy” Nhật. Chính vì quá “nghiện” loại hàng này nên khi xây nhà, anh Hoàn thiết kế 2 đường điện, loại 220V cho thiết bị điện thông thường và loại có biến thế chuyển đổi từ điện 220V sang điện 110V (do đồ dùng nội địa Nhật Bản sử dụng điện 110V).

Trong nhà anh, từ máy giặt, tủ lạnh, điều hòa, quạt… đều là “hàng cáy” Nhật Bản. “Các thiết bị điện tử, hàng gia dụng Nhật nội địa thực sự chất lượng. Có những chiếc xe máy Cub 50 mấy chục năm vẫn chạy tốt; cũng là cùng một hãng điện tử như Panasonic hay Daikin nhưng điều hòa, quạt điện hàng nội địa của Nhật chạy êm, mát sâu hơn hẳn hàng mới, xuất sang nước ngoài”, anh Hoàn nhận xét.

Cùng một người bạn đi chợ “hàng cáy” ở Hải Phòng, PV Báo Giao thông thực sự bất ngờ trước sự đa dạng của những mặt hàng gia dụng này. Phố Lương Khánh Thiện, quận Ngô Quyền là nơi tập trung của “hàng cáy” buôn bán các mặt hàng máy giặt, tủ lạnh, điều hòa với đủ các thương thiệu từ Sharp đến National, Toshiba...

Với những người sành “hàng cáy”, chủ cửa hàng quen mặt, có thể đi thẳng vào kho chọn trong đống đồ phủ dày bụi. Tuy nhiên, chỉ sau vài động tác phun hóa chất, vệ sinh của thợ, những sản phẩm đó đã như mới.

Dân bán “hàng cáy” ở Hải Phòng không ai không biết một đại gia tên Quang trên Hà Nội. Cứ mỗi khi “hàng cáy” về, các tay buôn lại gọi điện thông báo cho đại gia hay. Một điều thật lạ, với ngôi biệt thự lớn, đẹp lộng lẫy có tiếng ở Hà Nội mà vật dụng trong nhà từ quạt điện, nồi cơm, đến hệ thống nghe nhìn... tất tật đều là “hàng cáy”.

Chia sẻ với thắc mắc của PV, vị đại gia bộc bạch: “Đó là cái thú lạ đời của tôi. Mê lắm. “Hàng cáy” gây nghiện cho tôi hơn 5 năm về trước... giờ trở thành thói quen, cứ về Hải Phòng là phải săn lùng “hàng cáy”.

Một thời vang bóng

"Đối chiếu theo quy định của pháp luật thì “hàng cáy” chính là hàng lậu vì không có giấy tờ, nguồn gốc. Khi còn là Chi cục trưởng Chi cục QLTT tôi vẫn chỉ đạo xử lý các vụ buôn bán “hàng cáy”.

Theo quy định, sau khi bắt sẽ đấu giá phát mại. Cơ bản là các cửa hàng buôn bán sẽ tham gia đấu giá, mua lại rồi lại bán ra thị trường.

Tới nay, cơ quan chức năng vẫn xử lý bình thường. Tuy vậy, về cơ bản anh em ít xử lý vì “hàng cáy” bây giờ ít, chủ yếu phục vụ thú chơi của một số người mà thôi", ông Lê Đức Năm, nguyên Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hải Phòng.

Vào những năm 90 của thế kỷ trước, trong giới sinh viên ở Hà Nội ai có chiếc đài quay băng, đĩa hiệu Sony hay Panasonic mở lên để học tiếng Anh, nghe nhạc được coi là sang trọng lắm. Cao cấp hơn, có thêm chiếc xe đạp mini “2 dóng” thì được coi là “sinh viên quý tộc”.

Vào nhà ai có những vật dụng như chiếc radio - quay đĩa National, tivi Panasonic đen trắng, xe Honda đời 78, Cub 82 “kim vàng giọt lệ” máy khâu “Con bướm” 5 ngăn, tủ lạnh Toshiba “Đầu gấu” 2 cửa... được coi là gia đình rất điều kiện.

Ở thời đó, nước ta mới bắt đầu mở cửa, rất ít doanh nghiệp sản xuất được mặt hàng điện tử, điện lạnh, công nghệ… thì những mặt hàng có xuất xứ từ nước ngoài là lựa chọn số một.

Khi đó, những chuyến tàu viễn dương sang Nhật Bản, Mỹ, Pháp… ngoài chở về những mặt hàng chính thức còn mang theo rất nhiều “hàng cáy” như: Ti vi, tủ lạnh, xe máy, quạt điện… Điểm đến của những loại “hàng cáy” này thường là thành phố cảng Hải Phòng.

Ông Nguyễn Văn Hùng, ở phố Lạch Tray, quận Ngô Quyền chia sẻ: “Những năm 80 của thế kỷ trước, tôi là thủy thủ tàu Vosco chuyên “đánh hàng” sang Nhật.

Khi đó, cuộc sống của thủy thủ rất vương giả vì ngoài tiền lương rất cao so với mặt bằng chung, đại đa số đều đi buôn “hàng cáy”. Mỗi khi sang Nhật, được lên bờ chúng tôi đều tới những bãi rác lần tìm những đồ điện tử.

Ở đó xe máy, ti vi, tủ lạnh cũ nhiều lắm, chúng tôi chỉ việc bỏ ra số tiền rất nhỏ để “chi” cho người trông coi bãi rác rồi vác về tàu giấu, chuyển về nước. Do là hàng lậu nên có thể những mặt hàng này sẽ bị bắt, tịch thu nhưng nếu trót lọt thì đó là cả một gia tài”.

Sau những ngày lênh đênh trên biển, về tới đất Cảng, đa số “hàng cáy” sau đó được tập trung tại chợ Sắt (quận Hồng Bàng) để rồi từ đó tỏa đi khắp nơi. Trong suốt nhiều thập kỷ, những mặt hàng gia dụng mang tên “hàng cáy” đã tạo nên một tầng lớp những người giàu có ở Hải Phòng.

Thời đó, dân Hải Phòng truyền tai nhau câu nói: “Đẹp giai đi bộ không bằng anh rỗ đi “doa” (xe đạp Peugeot). Anh rỗ đi “doa” không bằng anh già đi cup. Anh già đi cup không bằng anh cụt Vosco (thủy thủ Công ty vận tải biển Vosco). Anh cụt Vosco không bằng bà bô chợ sắt…”.

Ở thời kỳ đa số người dân đều khó khăn, việc một vài thiếu niên ở Hải Phòng kiếm 1- 2 chỉ vàng chỉ bằng nghề xách “hàng cáy” là chuyện bình thường. Anh Nguyễn Trọng Đức ở phố Lê Lai, quận Ngô Quyền nhớ lại: “Khi tôi còn bé, mỗi lần chú tôi bảo đi “xách hàng”, lũ trẻ chúng tôi vui lắm.

Đêm xuống, chúng tôi tập kết tại cầu tàu, khi có “lệnh” là xuống tàu khuân hàng tới điểm tập kết. Lúc đó mỗi tiếng làm việc được trả vài chục nghìn đồng, chỉ cần làm vài giờ chúng tôi được trả công bằng 1 chỉ vàng.

Tới khi học đại học, mỗi lần về thăm nhà, khi trở lên Hà Nội, cánh sinh viên Hải Phòng chúng tôi thường mang theo chiếc xe đạp mini Nhật, chiếc đài cát-xét lên. Đó là những thứ hàng “hot” thời đó nên cứ mang lên là có người tìm mua. Tiền lãi cũng giúp chúng tôi sống khá sung túc so với mặt bằng chung của sinh viên thời đó”.

Buôn “hàng cáy” một thời tạo nên một lớp đại gia ở Hải Phòng. Họ là những người rất giàu có bởi buôn 1 vốn 10 lời. Ông Nguyễn Văn Vui ở phố Lương Khánh Thiện được biết tới là một trong những đại gia trong làng buôn này.

Ông Vui chia sẻ: “Khoảng những năm 90 của thế kỷ trước, tôi chuyên nhập “hàng cáy” của các thủy thủ viễn dương. Những chiếc xe đạp, ti vi, tủ lạnh nhập về với giá tính theo USD, bán ra cho khách thì tính tiền Việt. Ngày đó, trung bình mỗi ngày tôi bán khoảng chục chiếc ti vi, tủ lạnh, xe đạp… trừ chi phí lãi vài cây vàng là chuyện bình thường.

Giờ đây, hàng hóa ê hề, thời của “hàng cáy” giữ vị trí độc tôn lùi vào dĩ vãng. Tuy vậy, tôi vẫn duy trì một cửa hàng buôn bán “hàng cáy” phục vụ những người có nhu cầu tìm mua như một thú vui. Giờ đây, thu nhập từ việc buôn bán có khi cả tháng lãi được khoảng 20 triệu đồng”.

Đã qua thời kỳ hưng thịnh của “hàng cáy” nhưng ký ức về những chuyến tàu Vosco chở hàng “nghĩa địa”, hàng “bãi rác”, hàng second-hand vẫn chưa khi nào phai mờ trong tâm trí mỗi người dân Hải Phòng. Và cũng nhờ thú vui săn “hàng cáy” của nhiều người, Hải Phòng vẫn tồn tại những cửa hàng thu hút rất đông người từ khắp nơi đổ về lựa tìm mua những mặt hàng đã qua sử dụng.

Theo lời ông chủ cửa hàng chuyên bán “hàng cáy” ở phố Mê Linh (Hải Phòng): “Hàng cáy” không nhập theo đường biển như ngày xưa. Nay, người buôn phải sang tận Trung Quốc “nhặt” hàng của tàu Nhật đổ về.

“Hàng cáy” có tiếng nói riêng của mình. Người mua “hàng cáy” còn có cả những đại gia có tiếng ở một số thành phố lớn. Đặc biệt, đối với những người có thú chơi âm thanh thì những chiếc đầu đĩa, amply “hàng cáy” luôn là lựa chọn số 1.

(Theo Báo Giao Thông)