Có thể gây chết người, tại sao cá Nóc vẫn nằm trong số những món ăn đắt đỏ bậc nhất?

Cá Nóc là một loại cá cực kỳ nguy hiểm, theo các chuyên gia, Tetrodotoxin (hoạt chất gây độc chủ yếu của cá nóc) thậm chí còn mạnh hơn cả Xyanua. Tuy nhiên, vì hương vị thơm ngon, loại cá này vẫn được đánh bắt và dùng làm món ăn tại nhiều nước. Điều này dẫn đến một thực trạng là mỗi năm có khoảng 20 người bị ngộ độc do ăn loại cá này.

{keywords}
 

Trên thế giới có hơn 120 loài cá nóc đang tồn tại. Trong số đó, có 20 loài đã được chính phủ Nhật Bản cho phép các nhà hàng sử dụng để chế biến món ăn. Takifugu rubripes (tên thường gọi là Cá nóc Hổ) chính là cái tên đắt đỏ nhất, độc nhất và cũng là nguyên liệu dùng để chế biến ra món cá nóc sống nổi tiếng nhất của đất nước "mặt trời mọc".

Bạn có thể tìm thấy món sushi cá nóc Hổ ở các nhà hàng Nhật xếp vào loại cao cấp nhất. Ở đây, các đầu bếp thường sử dụng loại nguyên liệu thượng hạng này để chế biến thành món chiên giòn, Hirezake (món rượu sake nóng uống cùng với vây cá nóc) nhưng nổi tiếng và được ưa chuộng hơn cả chính là Sashimi.

{keywords}
 

Giống như nhiều loại cá cao cấp khác, điển hình như cá ngừ Vây Xanh, cá nóc Hổ thường sẽ được đấu giá ngay tại các chợ cá thay vì bán đại trà. Cách đấu giá cá nóc Hổ cũng hết sức thú vị và đặc biệt.

Đơn cử như ở chợ cá Haedomari, người bán sẽ cùng với từng khách hàng một luồn tay vào chiếc túi nhỏ, sau đó người mua sẽ ra hiệu bằng tay mức giá mình muốn trả. Nhờ có chiếc túi, mức ra giá được giữ bí mật hoàn toàn và sau khi đi hết một lượt, chủ vựa cá sẽ đưa ra quyết định con cá sẽ thuộc về ai!

 Vào mùa cao điểm, giá của cá nóc Hổ thường lên đến 265 USD/kg (hơn 6 triệu đồng). Thậm chí con số này đang ngày một tăng chính vì sự đánh bắt quá mức. Hiện chính phủ Nhật Bản đã đưa ra nhiều điều luật để hạn chế số lượng cũng như thời gian đánh bắt loại cá này trong năm.

Chế biến cá nóc là điều không hề dễ dàng, bởi chỉ cần sai một đường dao, cái giá phải trả là tính mạng con người. Chính vì vậy, ở Nhật Bản một đầu bếp phải trải qua nhiều năm luyện tập thì mới có thể chế biến thuần thục loại cá “tử thần” này.

Ngoài ra, để đảm bảo sự an toàn cho người dân, chính phủ cũng yêu cầu các đầu bếp phải vượt qua bài kiểm tra để được cấp phép thực hiện món ăn này tại nhà hàng. Bài kiểm tra này thường yêu cầu đầu bếp phải nhận diện được từng loại cá nóc.

Bên cạnh đó, họ phải thực hiện chế biến món ăn từ cá nóc trong một khoảng thời gian giới hạn (ví dụ: thực hiện món sashimi cá nóc trong 20 phút). Những yêu cầu khắt khe về kỹ thuật và kiến thức của người đầu bếp này cũng chính là yếu tố góp phần vào cái giá "trên trời" của món cá nóc.

{keywords}
 

Theo đầu bếp Yutaka Hatori – chuyên gia chế biến cá nóc - phần độc tố của loại cá này sẽ nằm trên một số bộ phận nhất định như: mang, tim, túi mật, thận, gan, buồng trứng, mắt. Mọi việc lại càng khó hơn khi các phần có độc lại có sự khác nhau ở từng loại cá nóc, thậm chí hiện tại trên thế giới còn xuất hiện loại cá nóc lai chưa rõ thông tin.

Tuy nhiên, theo chia sẻ của ông Hatori, thử thách lớn nhất của mọi đầu bếp chế biến cá nóc chính là phân biệt được buồng trứng của con cái (thứ cực độc) và tinh hoàn của con đực (bộ phận ngon nhất).

Chia sẻ về cách chế biến một con cá nóc thành món ăn 5 sao, đầu bếp Yutaka Hatori cho biết: “Sau khi được vớt ra khỏi bể nước, con cá nóc vẫn còn sống và bạn phải khiến nó chết não trong tích tắc với một nhát dao dứt khoát xuyên qua đầu. Phương pháp này giúp thịt cá tươi lâu hơn và đảm bảo giữ được hương vị tuyệt hảo đến khi nằm trên bàn ăn.

Tiếp theo, vây và miệng của cá được cắt bỏ, rồi đến bước lột da và xử lý các cơ quan nội tạng. Phần thịt cá không chứa độc được tách riêng và sau vài nhát cắt, chúng trở thành món sashimi trứ danh”. Khác với nhiều loại sashimi phổ biến được làm từ cá hồi, cá ngừ… sashimi cá nóc đạt chuẩn phải là những lát thịt được cắt cực mỏng!

{keywords}
 

Theo chia sẻ của những người đã từng thưởng thức sashimi cá nóc Hổ, lát thịt cá rất dai đi kèm với đó là một hương vị tinh tế, tươi ngon, khác biệt hoàn toàn với các món sashimi khác.

(Theo BI/ Dân trí)