Ngại đầu tư vì sinh lời ít

Ông Phạm Văn Tứ, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất chế biến nông thủy sản Thuận Phong, có một nhà máy ở Tiền Giang, mỗi năm xuất khẩu các sản phẩm bánh tráng, bánh hỏi, bánh phở... cả nghìn tỷ đồng. Là vị giám đốc khá “khác người”, ông Tứ trông giống một nhà khoa học hơn là một doanh nhân.

Giờ đây, ông mở thêm nhà máy ở Bến Tre để chế biến nông sản như bắp, xả, ớt, khoai lang, bánh tét, bánh ít, lá chuối, ngô luộc,... xuất đi khắp nơi trên thế giới. Ông cũng chế biến xuất khẩu các sản phẩm từ dừa, mục tiêu là để cạnh tranh với hai “ông trùm” thế giới đến từ Thái Lan và Bangladesh.

{keywords}
Chế biến dừa tại một nhà máy ở Bến Tre. Ảnh: Lương Bằng

Đãi khách bắp ngô luộc, các loại bánh truyền thống xuất khẩu, ông Tứ khoe: "Bắp ngô này để 3 năm hấp lại vẫn không vấn đề gì. Tôi mất một năm nghiên cứu để làm được điều đó. Có nhiều sản phẩm khác mất 3 năm, 4 năm nghiên cứu không ngừng nghỉ".

Nhưng ông cũng thừa nhận, ở Bến Tre hay Tiền Giang, những nhà máy chế biến nông sản có quy mô như vậy không phải là nhiều. Bởi lĩnh vực này lợi nhuận ít, tiền đầu tư lại lớn, trong khi chính sách ưu đãi gần như chưa đáng kể. Những người làm ở đây chưa thể quên thời điểm năm ngoái, khi dịch Covid-19 xảy ra, sân nhà máy chất đầy thanh long mua gom cho bà con. Kho đã đầy, không đủ khả năng chứa thêm, công ty vẫn mua để hỗ trợ người trồng rồi lại phải đổ đi.

Họ nhận ra rằng việc nuôi trồng tự phát là nguyên nhân quan trọng khiến nông sản luôn gặp cảnh được mùa mất giá, hoặc khi nhà nhập khẩu lớn như Trung Quốc có thay đổi chính sách biên mậu nào đó thì lập tức lâm cảnh “giải cứu”.

Nguyên phó chủ tịch một tỉnh chia sẻ: Doanh nghiệp lớn đi đầu tư những cái khác sinh lời tốt hơn, còn đầu tư vào nông nghiệp chế biến sinh lời ít, chậm, phải thực sự yêu nghề mới làm được. Doanh nghiệp nhỏ thì "bó tay" khi thuê 1ha đất đã mười mấy tỷ đồng. Muốn mở một nhà máy chế biến nông sản phải có vốn ít nhất 40-50 tỷ đồng.

Hỗ trợ chưa thực chất, sản xuất chưa "sạch"

Thực tế, năm 2018 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 57/2018/NĐ-CP về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Thế nhưng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hiện phải tính đến việc thay thế bằng một nghị định khác. Bộ này đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, thay thế Nghị định số 57.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, cơ chế hỗ trợ trong Nghị định 57 còn chưa thật rõ ràng, nên khi thực hiện còn lúng túng.

{keywords}
Covid-19 luôn khiến nhiều nông sản gặp khó tiêu thụ.

Việc ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích chuyển đổi, tích tụ đất nông nghiệp, tạo quỹ đất để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn khó thực hiện do khuôn khổ pháp lý chưa đầy đủ. Hiện Bộ Tài nguyên và Môi trường được Chính phủ giao xây dựng Nghị định khuyến khích tập trung, tích tụ đất đai cho sản xuất nông nghiệp.

Một số địa phương yêu cầu bổ sung thêm điều kiện để được cấp vốn từ ngân sách Trung ương và đề nghị ngân sách Trung ương hỗ trợ trực tiếp cho các đối tượng này để thúc đẩy các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Ngoài ra, việc Trung ương chưa cân đối nguồn vốn hỗ trợ địa phương thực hiện Nghị định 57 cũng làm các địa phương băn khoăn, lúng túng trong triển khai chính sách. Các địa phương cho rằng chính sách khó khả thi do thiếu nguồn lực,dẫn đến chưa thực sự đẩy mạnh triển khai thực hiện Nghị định 57 tại địa phương.

Ngân sách Trung ương hỗ trợ để thực hiện Nghị định 57 chỉ có hơn 113 tỷ đồng cho 31 dự án tại 15 địa phương, trung bình 3,7 tỷ đồng một dự án. Trong khi đó, ngân sách hầu hết địa phương còn khó khăn nên chưa bố trí vốn hoặc bố trí còn ít để hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Nguyên lãnh đạo một tỉnh cho biết Nghị định 57 nói địa phương phải hỗ trợ mặt bằng cho doanh nghiệp, nhưng tiền đâu giải phóng mặt bằng khi ngân sách khó khăn. Vì thế, các chính sách hỗ trợ đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn cần thực chất hơn.

Tại dự thảo Nghị định đang được lấy ý kiến, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp nhu cầu vốn từ ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 là khoảng 8.600 tỷ đồng, để thực hiện khoảng 800 dự án với tổng mức đầu tư trên 107.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, bản thân người nông dân cũng cần phải thay đổi cách thức nuôi trồng như hiện nay. Nhiều nông sản Việt không thể xuất khẩu được do vượt dư lượng kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật... Trong khi đó, các nhà máy chế biến cũng chỉ có thể thu mua những nông sản đảm bảo sạch, an toàn thực phẩm.

Việc hỗ trợ của Nhà nước, cộng với việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào chế biến, người nông dân sản xuất sản phẩm sạch, chất lượng thì câu chuyện “giải cứu” nông sản sẽ được hạn chế đáng kể. 

Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định: Dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, chế biến nông lâm sản, do đó cần phải có cơ chế chính sách tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp khôi phục và phát triển sản xuất.

Việc hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn phụ thuộc vào khả năng cân đối ngân sách nhà nước. Do đó, để đánh giá hiệu quả kinh tế của chính sách thực hiện trên lựa chọn mẫu là 1.000 tỷ đồng/năm từ ngân sách nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp.

Dự kiến mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước mỗi dự án nông nghiệp hình thành là 10 tỷ đồng/dự án thì sẽ hình thành 100 dự án/năm.

Giả thiết mối dự án hình thành tương ứng với một doanh nghiệp với mức vốn khoảng 100 tỷ đồng, như vậy với 100 doanh nghiệp nông nghiệp quy mô vừa được hình thành/năm sẽ tạo ít nhất 10.000 việc làm trực tiếp và 30.000 lao động gián tiếp.

Hà Duy

Mạng xã hội, siêu thị chung tay giải cứu nông sản Hải Dương

Mạng xã hội, siêu thị chung tay giải cứu nông sản Hải Dương

Một số nhóm và cá nhân trên mạng xã hội kêu gọi giải cứu cho nông sản từ Hải Dương. Các siêu thị lớn như Co.op Mart, BigC cũng vào cuộc.