Theo Nikkei Asian Review, ông Azlan Sohoni, 47 tuổi, một cư dân Singapore, luôn bắt đầu ngày mới với một ly sữa socola Milo khuấy với 1,5 muỗng đường. Tại nơi làm việc, ông uống thêm 5 lon Coca-Cola và vài cốc Milo khác. "Tôi biết rằng uống quá nhiều sẽ không tốt cho sức khỏe. Nhưng tôi đã quen với việc uống đồ ngọt", ông Sohoni thừa nhận.

Chính phủ Singapore muốn những người như ông Sohoni loại bỏ thói quen ăn đường. Trên thực tế, các chính phủ khác trên khắp Đông Nam Á và toàn thế giới cũng tìm cách áp thuế những sản phẩm có đường. Đó là một phần của nỗ lực giảm tỷ lệ béo phì và tiểu đường đang gia tăng.

Thuế đồ uống có đường đã được áp dụng từ Anh, Mexico, Ireland đến một số thành phố của Mỹ. Chúng ra đời để thay đổi hành vi của những gã khổng lồ đồ uống như Coca-Cola Co., Pepsi Co Inc. và người tiêu dùng.

{keywords}
Các chính phủ trên toàn thế giới tìm cách áp thuế những đồ uống có đường. Ảnh: Reuters.

Đền bù thiệt hại về sức khỏe

Bà Sandra Williams, một cư dân Anh, hiểu hơn ai hết sự nguy hiểm của đường. Hồi năm 1998, ở tuổi 24, bà phải nằm viện 6 tháng để hồi phục sau một vụ tai nạn ôtô. Sau khi xuất viện, bà Williams không thể sử dụng một tay và một chân.

Chán nản, bà bắt đầu uống một lượng lớn đồ uống có ga và cân nặng nhanh chóng tăng lên. "Tôi uống 3-4 lon Coca-Cola mỗi ngày, cùng Sprite và các đồ uống có ga khác", bà Williams kể lại. Khi cân nặng tăng lên 120 kg, bà Williams biết mình cần phải thay đổi. Giờ đây, ở độ tuổi 44, bà buộc phải từ bỏ nhiều loại đồ uống có đường.

"Mục đích của thuế đồ uống có đường là thay đổi hành vi và đền bù cho xã hội về chi phí thiệt hại sức khỏe mà các công ty có thể gây ra", ông Gijsbert Bulk, giám đốc toàn cầu về thuế gián thu tại EY, bình luận.

Nhiều nghiên cứu chỉ ra đồ uống có đường là tác nhân lớn gây ra bệnh béo phì và tiểu đường. Ngoài ra, chúng còn làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về tim mạnh, huyết áp. Thông thường, trong 100ml Coca-Cola truyền thống sẽ có 10,6 gam đường. Như vậy, một lon 330 ml chứa 35 gam đường, theo Coca-Cola.

Trong khi đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra khuyến cáo chỉ cần bổ sung thêm lượng đường cho cơ thể bằng 5% tổng lượng calo hay khoảng 25 gam mỗi ngày.

Theo chuyên gia Gary Wenk tại Đại học Ohio, việc dung nạp lượng đường lớn có tác động kích hoạt các hệ thần kinh tưởng thưởng trong não bộ, tạo cảm giác sảng khoái cho người uống và khiến người uống muốn uống thêm nữa.

Sự phổ biến của các đồ uống có đường giúp những tập đoàn đứng sau kiếm bộn tiền. Theo tiến sĩ Hary Rutter - Phó giám đốc Trung tâm Bệnh mạn tính Toàn cầu, việc đánh thuế đối với đồ uống có đường nhằm giải quyết sự thất bại trên thị trường do những sản phẩm gây ra tác hại.

"Thuế tạo ra sân chơi bình đẳng nhằm loại bỏ lợi thế không công bằng của các sản phẩm không lành mạnh so với những sản phẩm lành mạnh", ông nhấn mạnh.

Vào năm 2018, Anh đã áp đặt thuế đối với ngành công nghiệp nước giải khát, tính 0,23 USD/lít đối với các đồ uống chứa 5-8 gam đường trong 100 ml. Đối với đồ uống có tổng lượng đường trên 8 gam mỗi 100 ml, mức thuế sẽ là 0,34 USD/lít.

{keywords}
Đồ uống có đường là tác nhân lớn gây ra bệnh béo phì và tiểu đường. Ảnh: Reuters.

PepsiCo sau đó cho biết sẽ giảm 2/3 lượng đường trong các nhãn hiệu đồ uống của mình, thông qua việc thay đổi một số nhãn hiệu hiện có, giới thiệu những lựa chọn thay thế ít hoặc không đường.

Hàm lượng đường trong Sprite (nhãn hiệu của Coca-Cola) đã được cắt giảm một nửa từ 6,6 gam xuống còn 3,3 gam. Theo trang web của công ty, hàm lượng đường trong 7Up (nhãn hiệu thuộc Dr Pepper Snapple Group của Mỹ và PepsiCo ở bên ngoài nước Mỹ) giảm từ 10 gam xuống 7 gam.

Hàm lượng đường của Fanta Orange cũng giảm từ 6,9 gam xuống 4,6 gam. Sau khi áp thuế, Coke Zero Sugar của Coca-Cola đã có quý bán hàng tốt nhất trong vòng 10 năm.

Tìm cách lách thuế

Tuy nhiên, thay vì thay đổi công thức để tránh thuế, Coca-Cola đã giảm dung tích chai của Coca-Cola truyền thống từ 1,75 lít xuống 1,5 lít và tăng giá tại Anh. Pepsi cũng không thay đổi công thức của mặt hàng bán chạy nhất. Thay vào đó, hãng tăng dung tích các sản phẩm không đường như Pepsi Max từ 500 ml lên 600 ml.

"Những gì họ đã làm được chỉ là thay đổi rất nhanh. Nhưng dù gì thì họ cũng đã làm", nhà phân tích Duncan Fox thuộc Bloomberg Intelligence bình luận. Các thay đổi chỉ giúp Anh thu được 194,6 triệu USD thuế đồ uống có đường từ tháng 4 đến tháng 10/2018. Con số đó ít hơn dự đoán khoảng 121 triệu USD.

"Coca-Cola không muốn thay đổi công thức của loại nước giải khát sinh lời nhất của họ. Một phần nguyên nhân là hãng đã thất bại vào năm 1985", ông Fox bình luận. "Khi đó, việc thay đổi đã tạo ra một thảm họa và họ buộc phải đưa công thức ban đầu trở lại", ông nói thêm.

Để tránh thuế, các công ty cũng nhanh chóng phát triển sang lĩnh vực đồ uống không bị đánh thuế đường.

{keywords}
Cầu thủ Cristiano Ronaldo gạt chai nước Coca-Cola khỏi tầm mắt khi tham gia họp báo trước trận Bồ Đào Nha - Hungary tại Euro 2020. Ảnh: UEFA.

Kể từ khi Mexico đưa ra mức thuế đồ uống có đường đầu tiên vào năm 2013, 7 trong số 9 thương vụ mua lại của PepsiCo là ở các công ty bán thực phẩm và đồ uống tốt cho sức khỏe, 16 trong số 31 thương vụ mua lại của Coca-Cola là với những công ty bán đồ uống thay thế có lợi cho sức khỏe.

“Các chính phủ cần phải cẩn thận khi thiết kế thuế đối với đồ uống có đường, nhằm đảm bảo rằng những công ty trong lĩnh vực này không có quá nhiều cách để lách thuế", ông Bulk tại EY nhấn mạnh.

Trên thực tế, những nỗ lực của chính phủ đã có hiệu quả. Theo báo cáo được công bố hồi tháng 3/2021, các hộ gia đình tại Anh đã tiêu thụ ít hơn 10% đường trong nước giải khát.

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng doanh số bán đồ uống chứa hơn 8 gam đường trên 100ml đã giảm 44%/hộ gia đình/tuần vào tháng 3/2019. Đồ uống chứa 5-8 gam đường trên 100ml cũng giảm doanh số 86%/hộ gia đình/tuần.

Trong khi đó, đồ uống chứa ít hơn 5 gam đường trên 100 ml không bị giảm doanh thu.

"Thuế đồ uống có đường là một ý tưởng hay. Tôi rất thích nó. Trẻ em cần chế độ ăn uống lành mạnh. Người lớn tại Anh cũng đứng trước ngày càng nhiều nguy cơ béo phì", bà Williams tại Anh bình luận. Bà thừa nhận không muốn quay trở lại thời kỳ béo phì.

Theo Guardian, sau khi siêu sao Bồ Đào Nha Cristiano Ronaldo bỏ hai chai Coca-Cola ra khỏi tầm mắt tại cuộc họp báo trước trận Bồ Đào Nha - Hungary tại Euro 2020, giá trị vốn hóa của tập đoàn Mỹ lập tức sụt giảm 4 tỷ USD.

Ronaldo nổi tiếng với tính kỷ luật và thói quen ăn uống lành mạnh. Do đó, nhiều người bày tỏ kỳ vọng hành động của ngôi sao này sẽ giúp nâng cao nhận thức toàn cầu về sự độc hại của đồ uống có đường.

(Theo Zing)

Tổng cục Thuế giữ nguyên quyết định phạt Coca-Cola Việt Nam 821 tỷ đồng tiền thuế

Tổng cục Thuế giữ nguyên quyết định phạt Coca-Cola Việt Nam 821 tỷ đồng tiền thuế

Cơ quan thuế đã xác minh và không chấp thuận nội dung khiếu nại của Coca-Cola Việt Nam và giữ nguyên quyết định xử phạt với doanh nghiệp này.