Trước thông tin Thủ tướng Chính phủ yêu cầu thực hiện cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày kể từ 0h ngày 1/4 trên phạm vi toàn quốc, nhiều người có tâm lý đổ xô đi mua lương thực, thực phẩm về tích trữ. 

Chia sẻ về vấn đề nguồn cung lương thực, thực phẩm trong mùa dịch, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, để bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu cho thị trường trong mọi tình huống, Bộ Công Thương đã yêu cầu Sở Công Thương các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương và các doanh nghiệp phân phối lớn báo cáo tình hình cung cầu và hệ thống phân phối hàng hóa thiết yếu trên địa bàn, trong đó chú trọng vào mặt hàng lương thực, thực phẩm và các mặt hàng có nhu cầu cao trước những diễn biến mới của dịch bệnh Covid-19.

Ngoài ra, có phương án dự trữ và cung ứng hàng hóa nhu yếu phẩm kịp thời nhu cầu của nhân dân theo từng cấp độ của dịch bệnh, nhất là các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, nước uống, khẩu trang... Căn cứ vào điều kiện cụ thể, nhu cầu thực tế và kinh nghiệm của địa phương để xác định số lượng, chủng loại hàng dự trữ, phương án dự trữ, phương án vận chuyển và phân phối hàng hóa khi có yêu cầu, theo 5 cấp độ cung ứng kịp thời cho các khu vực bị cách ly.

{keywords}
Nguồn cung hàng hoá thực phẩm và nhu yếu phẩm sẽ được đảm bảo 

"Theo dõi sát diễn biến tình hình dịch bệnh trên địa bàn, đôn đốc, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phân phối hàng nhu yếu phẩm được phép tiếp tục hoạt động; tổ chức các điểm bán hàng lưu động để phục vụ người dân trong các khu vực bị cách ly (nếu có)", Bộ Công Thương cho hay.

Bộ Công Thương cũng khẳng định, đến nay tất cả các địa phương và nhiều doanh nghiệp phân phối trên cả nước đã có phương án cụ thể về việc bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu cho thị trường. 

Theo báo cáo của các địa phương và doanh nghiệp, nguồn cung các hàng hóa thiết yếu cho thị trường luôn bảo đảm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, các doanh nghiệp phân phối và nhiều tiểu thương tại các chợ vẫn liên tục kinh doanh để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân.

Về việc vận chuyển hàng hóa, ngoài phương án cụ thể của từng địa phương, Bộ Công Thương cũng đã có các phướng án ứng phó.

Cụ thể, trường hợp phong tỏa nhưng xe vận chuyển hàng hóa của các doanh nghiệp vẫn được hoạt động: Các doanh nghiệp sẽ đăng ký danh sách các xe vận tải cung ứng hàng hóa đến các cơ quan chức năng để cung cấp cho ngành giao thông, Công an hỗ trợ cho phép lưu thông đến các điểm bán hàng. Khi các địa bàn cần điều phối hàng hóa, các xe vận tải này sẽ đến các kho hàng gần nhất để lấy hàng cung ứng cho địa bàn cách ly.

Trường hợp giới nghiêm chỉ còn xe của lực lượng vũ trang được hoạt động. Khi đó Bộ Công Thương sẽ đề nghị các lực lượng Quân đội, Công an phối hợp điều phối xe vận chuyển các mặt hàng thiết yếu từ các kho dự trữ hàng hóa thiết yếu mà Bộ Công Thương đã chuẩn bị để cung cấp cho các địa bàn.

Về bố trí các điểm bán hàng, Bộ Công Thương cho biết: Ngoài các điểm bán hàng hiện có của các doanh nghiệp phân phối và các điểm chợ truyền thống, chợ tạm, để bảo đảm cung ứng nhu yếu phẩm cho người dân trong mọi tình huống, Bộ Công Thương đã có văn bản yêu cầu các địa phương có phương án bố trí các điểm bán hàng mới (tạm thời, lưu động, dã chiến,... ) trên địa bàn từng tỉnh để bảo đảm cung ứng nhu yếu phẩm cho người dân thường xuyên, liên tục, giảm mật độ người mua đến từng điểm bán (kể cả trong trường hợp các siêu thị bị phong tỏa vì lý do y tế,... ).

Các điểm bán hàng này sẽ được bố trí gần các khu dân cư và thông thoáng nhằm hạn chế nguy cơ lây lan dịch bệnh, thuận tiện cho người dân mua hàng.

Trao đổi với PV. VietNamNet, đại diện Tập đoàn Masan (đơn vị sở hữu hệ thống siêu thị Vinmart và Vinmart+) cho biết, doanh nghiệp này đã kịp thời hoàn thiện các thủ tục giấy phép trong vấn đề logistic để thông suốt vận chuyển hàng hóa trong bối cảnh thực hiện cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày, kể từ ngày 1/4.

Riêng về phần sản xuất hàng hoá, Masan khẳng định đã tăng công suất tối đa hoạt động sản xuất của các nhà máy trong hệ thống của doanh nghiệp này nhằm đảm bảo đáp ứng các sản phẩm thiết yếu cần thiết cho nhu cầu tiêu dùng của người dân. 

Đặc biệt, nhà máy Meat Hà Nam và VinEco sẽ cung cấp các mặt hàng tươi sống, phục vụ cho cả kênh bán hàng online và offline tại 2 TP.HCM và Hà Nội.

Đáng chú ý, song song với kênh bán hàng truyền thống của hơn 3.000 cửa hàng, siêu thị trên khắp 63 tỉnh thành, đơn vị này còn đẩy mạnh kênh online trong mùa dịch nhằm cung cấp đầy đủ các hàng hóa thiết yếu và nhu yếu phẩm (gạo, thịt, mỳ tôm, thực phẩm chế biến, hàng đông lạnh,... ) với giá cả bình ổn đến tay người tiêu dùng.

Đại diện Saigon Co.op cũng cho biết, hệ thống này luôn dự trữ nguồn hàng tăng 40% so với ngày thường. Bên cạnh đó, để tránh tình trạng hàng bị trống vì lượng khách mua đông, siêu thị luôn cử nhân viên luân phiên túc trực bổ sung hàng hóa kịp thời.

Một số hệ thống siêu thị khác cũng tăng gấp đôi, thập chí gấp 3 lượng hàng dự trữ nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong dịp cách ly 15 ngày này.

L.Bằng - T.An