"Đại gia lò gạch" bỏ nghề, cầm cả ống bơ nhẫn vàng đi đầu tư nuôi gà

Trước khi đến với nghiệp chăn nuôi, anh Trần Văn Mạnh (sinh năm 1970), ở thôn Ngư Uyên, xã Long Xuyên, thị xã Kinh Môn, Hải Dương là một chủ lò gạch "ăn nên làm ra" trong vùng.

Làm nghề gạch từ những năm 90, đến khoảng năm 2000, vợ chồng anh đã có 5 lò gạch, thu về 100 - 150 triệu đồng/ năm.

"Thời đó, chừng ấy tiền là nhiều lắm, bằng tiền tỷ bây giờ rồi", anh Mạnh thật thà chia sẻ. Con nhà nông nên anh "cẩn thận" chuyển hết số tiền lãi thành vàng, gửi vào ngân hàng. Theo lời anh kể, sau này, khi quyết định đầu tư làm trang trại, vợ chồng anh mang cả ống bơ nhẫn vàng đi bán.

Nhưng cũng vào cái thời "ăn nên làm ra" nhất ấy, anh lại thấy cái nghề làm gạch bạc quá, gây thù chuốc oán với làng xóm xung quanh.

"Dù có xây lò ở ngoài bãi, xa khu dân cư thì khi trời đổi gió, khói lò gạch cũng ảnh hưởng tới cuộc sống, sinh hoạt và sản xuất của người dân", anh Mạnh kể. Và năm nào, anh cũng "ôm cả cục tiền" đi đền bù diện tích hoa màu của bà con bị úa, táp lá do khói lò gạch.

"Dù đã đền bù 100% thiệt hại của bà con, nhưng thực tình tôi vẫn áy náy vô cùng. Đó cũng là một lý do quan trọng khiến tôi quyết định bỏ nghiệp làm gạch. Thêm vào đó là chủ trương dẹp bỏ các lò gạch thủ công để hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường của Chính phủ vào năm 2003", anh Mạnh cho biết.

Sau khi bỏ nghề gạch, anh Mạnh chuyển sang chăn nuôi lợn. Với số vốn sẵn có, vợ chồng anh nuôi tới 250 con lợn thịt, 10 con cái nhưng thu nhập từ nghề chăn nuôi lợn chẳng thấm vào đâu so với làm gạch, lại sớm hôm lo dịch bệnh, tiêu thụ khiến gia đình anh nhiều lần điêu đứng.

"Làm gạch ô nhiễm, nuôi lợn giữa làng cũng ô nhiễm chẳng kém, hàng xóm láng giềng không chịu được. Tôi lại phải chuyển nghề sau 2 năm", anh cho hay.

Đến 2007, anh Mạnh đầu tư nuôi gà đẻ trứng. Anh nhẩm tính: "Cả tiền giống và tiền thức ăn một con gà trung bình tốn 150 nghìn đồng một năm.

Nếu thuận lợi, một con cho khoảng 320 quả trứng, bán 1.000 đồng/ quả thì cũng lời được 170.000 đồng. Nuôi 3.000 con, mỗi năm sẽ lãi hơn 500 triệu". Nghĩ là làm, anh đi tham quan nhiều nơi để học cách thiết kế chuồng trại, lắp đặt hệ thống thoát nước khoa học.

Năm đầu, anh thử nghiệm nuôi 3000 con thấy có lãi nên một năm sau nuôi tới 15.000 con gà siêu trứng. Đó là thời điểm các khu công nghiệp mọc lên ở Hải Dương, Hưng Yên nên nhu cầu tiêu thụ trứng gà ở bếp ăn công nghiệp lớn. Thời điểm đó, mỗi ngày trang trại của anh thu hơn một vạn trứng, đem về nguồn thu 200 triệu đồng/ năm.

{keywords}
Anh Mạnh thu hoạch trứng mỗi ngày trong trang trại.

Nhưng chăn nuôi không phải chỉ toàn "hoa hồng". Nhiều lúc tưởng chừng người đàn ông này phải trắng tay.

Năm 2011, khi gà đang thời kỳ cho trứng thì dịch gà rù (bệnh Newcastle) ập đến khiến đàn gà đi ngoài, khó thở rồi chết đồng loạt. Năm đó anh mất 5000/ 15000 gà trong trang trại, lỗ 900 triệu đồng. Đến năm 2013, trang trại lại bị dịch cúm gia cầm đe dọa khiến anh mất 700 triệu đồng.

Sau những bài học nhớ đời ấy, anh nhận ra không thể chăn nuôi quy mô lớn theo kiểu truyền thống, "kinh nghiệm truyền miệng" được nên anh đầu tư bài bản, khoa học hơn: nhập con giống ở địa chỉ uy tín, tuân thủ quy trình tiêm vacxin. Năm thì dịch bệnh, năm thì giá trứng lao dốc, người nuôi gà bỏ cuộc ngày càng nhiều, các trang trại cũng giảm đàn.

Cầu nhiều hơn cung nên giá trứng lên hơn 2.000 đồng/quả, anh Mạnh thắng đậm. Có thời điểm mỗi ngày lợi nhuận từ trứng lên đến 15 triệu đồng.

Năm 2016 - 2017, anh bàn với vợ đầu tư thêm 6 tỷ đồng mở rộng quy mô chăn nuôi, mua thêm hơn 2ha để lập trang trại nuôi thứ 2: quy hoạch thành 3 khu chuồng, quy mô 1,6 vạn gà đẻ; giữa các khu chuồng trồng cây ăn quả, đào ao nuôi cá và gần 900 con ba ba. Khu vực này nằm giữa cánh đồng, xa khu dân cư nên thuận lợi cho chăn nuôi.

{keywords}
Trang trại 2ha được anh Mạnh quy hoạch thành từng khu riêng biệt: nuôi gà - trồng cây ăn quả - thả cá, ba ba.

Anh Mạnh không ngừng học hỏi, tìm tòi và đầu tư để làm chăn nuôi sạch hơn, vệ sinh hơn. Anh nuôi gà theo công nghệ chuồng kín được chia thành các khu riêng biệt, có thiết bị làm mát, thiết bị cho ăn và uống nước tự động, sử dụng đệm lót sinh học để giảm ô nhiễm môi trường chăn nuôi.

"Tôi cũng tuân thủ nghiêm túc quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, sử dụng các chế phẩm để nâng cao sức đề kháng của gà, xử lý chất thải" anh cho hay. Nguồn phân gà cũng được anh thu gom, xử lý rồi bán cho người trồng cây ăn quả, mang về thêm 20 triệu đồng/ tháng.

{keywords}
Trang trại được đầu tư quy mô của anh Mạnh.

Năm 2017, anh lại một phen điêu đứng khi giá trứng giảm sâu khiến mỗi ngày anh lỗ 4 triệu đồng. Sau 6 tháng, 1,3 tỷ đồng "bay khỏi tay". Từ năm 2018 đến nay, thị trường khởi sắc, mỗi năm anh Mạnh thu 9 - 10 tỷ đồng tiền trứng, trừ chi phí thu lãi 1,7 - 2 tỷ đồng.

Mỗi năm hai trang trại với 30.000 con gà cung cấp khoảng 5-6 triệu quả trứng gà thương phẩm. Trang trại của anh tạo việc làm cho 6 lao động với thu nhập 6,5 triệu đồng/ người/ tháng.

Thậm chí, năm 2020, dịch Covid làm nhiều ngành nghề ảnh hưởng nghiêm trọng thì nghề nuôi gà lấy trứng vẫn cho anh thu nhập đáng nể. Tháng 10/ 2020, anh trở thành một trong 63 người được nhận bằng khen Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2020.

{keywords}
Sau hơn 10 năm gắn bó với nghề nuôi gà siêu trứng, mỗi năm hai trang trại của anh Trần Văn Mạnh cung cấp khoảng 5 - 6 triệu trứng gà thương phẩm, thu về 9 - 10 tỷ đồng.

Mục tiêu của anh Mạnh là trong thời gian tới sẽ tập trung phát triển 2 trại gà hướng tới chăn nuôi theo quy trình VietGAP để nâng cao chất lượng.

"Số tiền gửi ngân hàng kiếm được từ khi làm lò gạch đủ để vợ chồng tôi sống nhàn nhã, nhà cao cửa rộng. Nhưng còn sức thì còn phải lao động để làm gương cho con cháu mình", anh Mạnh thật lòng chia sẻ.

(Theo Dân Trí)